VĂN HÓA

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 5)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 17-10-2019 • Lượt xem: 5192
Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 5)

Loạt bài “Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn” tôi bắt đầu có ý định viết từ tháng 11/2017 khi về Hội An tìm kiếm các tư liệu về cuộc đời nhạc sĩ La Hối và ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”. Bài hát “Nắng chiều” bỗng xuất hiện trong tôi vào buổi chiều cùng nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, nhà thơ Đông Trình đi xe từ Hội An vòng ra Vĩnh Điện.

Tin, bài liên quan:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 4)

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 3)

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 2)

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Những không gian tái hiện trong một ca khúc nổi tiếng

Trên con đường đó gần như những hình ảnh, khung cảnh quen thuộc trong bài hát vẫn còn rớt đâu đó. Gợi cảm nhất là câu “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/ Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa” đứng trên cầu Vĩnh Điện nhìn ra mênh mông hoàng hôn, bao la khung cảnh sông nước, sau lưng một quầng mặt trời đang dần lặn xuống, tỏa ánh bạc lấp lóa huyền hồ trên dòng sông mới thấy tâm hồn bỗng rung ngân. Thầm nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp đã qua, ngày tháng vang vang những cung bậc kỳ diệu.

Người viết bài chụp bên cạnh bức tường rong rêu trong căn nhà nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từng sống ở Hội An. Tất cả đã như thay đổi. Chỉ bức tường rong rêu qua thời gian như một chứng nhân còn lại. (Ảnh: Hoàng Thu An)

Một đặc biệt khác là câu “Hình dáng yêu kiều/ Kề hoa tím biết đâu mà tìm/ Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà”. Tại sao lại tre là ngà? Đây là một danh từ chứ không phải tính từ. Có nghĩa là một giống tre có tên Là ngà. Hỏi ra thì đúng ở vùng này có một loại tre tên như thế! Loài tre có tên khoa học là Bambusa sinospinosa, còn gọi là tre gai. Thân tre màu sẫm, khoang đậm. Trên cánh có gai cong và khỏe. Mo thân có bẹ như hình thang cân, dày. Hai mặt lá nhẵn, lá mo đứng hình trứng hay trứng tam giác. Mặt bụng nhiều lông đen cứng, xếp thành các đường song song. Lá nhỏ hơn lá tre gai. Đặc điểm mọc ven sông, suối, chân đồi.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thời trẻ ở Hội An (Tư liệu Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Một chi tiết khác cần lưu ý đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn quê ở Điện Bàn - Quảng Nam. Gia đình ông vẫn sống ở quê và ông về Hội An trọ học. Hàng tuần ông vẫn đi về qua dòng sông và cây cầu Vĩnh Điện này. Tất cả trở thành một ký ức đẹp của tuổi trẻ. Nhạc sĩ có tuổi thơ khá vất vả. Ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926. Cha mất sớm, mẹ ông ở vậy nuôi hai con đến tuổi trưởng thành. Em gái lập gia đình và sớm qua đời. Sau này chính ông và mẹ nuôi ba đứa cháu nhỏ.

Lê Trọng Nguyễn có thời gian dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu - Vĩnh Điện, nơi rất gần với những khung cảnh mà tôi đã phân tích khá giống với nhiều lời hát trong bài “Nắng chiều”. Tại đây ông có hai người học trò sau này cũng khá nổi tiếng trong giới âm nhạc là Đynh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển. Sau khi theo học hàm thụ trường École Universelle của Pháp, ông tốt nghiệp và trở thành hội viên của SACEM - Hội Nhạc sĩ Pháp (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique) với một số tác phẩm, trong đó được biết đến nhiều hơn cả là bản “Sóng Đà giang”, theo nhiều nhà nghiên cứu đó cũng là một cách gọi dòng sông Thu BồnQuảng Nam. Bài hát này còn được biết với cái tên là “Nắng chiều 2” tuy không được phổ biến cho lắm.

Tình bạn cao đẹp chắp cánh cho tác phẩm

Sự nổi tiếng của bài hát “Nắng chiều” cũng cần ghi chú thêm cho tình bạn đẹp giữa hai nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và Nguyễn Hiền. Theo chính tác giả kể lại, nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của ca khúc “Nắng chiều”. Năm 1958, để tỏ tình hữu nghị với Việt Nam, đoàn Ca vũ nhạc Nhật Bản Toho Geino sang trình diễn trong hai tuần tại hội chợ Thị Nghè - Sài Gòn. Trong phần giao lưu, họ muốn trình diễn một nhạc phẩm của người Việt do nữ danh ca trẻ Satsuki Midori hát. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền lúc đó là điều hợp viên chương trình văn nghệ của hội chợ, ông đã chọn ca khúc “Nắng chiều” và tập cho Midori hát. Từ đó ca khúc có khởi đầu mới, bay ra khỏi biên giới Việt.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã kể về bạn mình: “Lần đầu tôi gặp Lê Trọng Nguyễn vào khoảng giữa năm 1961. Khi được giới thiệu tác giả của bài “Nắng chiều”, tôi đã nhận thấy ở anh một nghệ sĩ có nhiều nét rất đặc biệt về kiến thức tổng quát cũng như âm nhạc. Từ đấy anh hay đến nhà tôi chơi cùng với Lan Đài, Anh Việt, Y Vân và Hoàng Nguyên… Anh em trò chuyện rất tương đắc như anh em một nhà”. Sau này hai ông còn viết chung ca khúc “Lá rơi bên thềm” vào năm 1966. Bài hát định ở cung Mi giáng Trưởng, điệu Slowly được rất nhiều ca sĩ yêu thích.

Theo nhiều tư liệu, Lê Trọng Nguyễn từng học ở Hà Nội trong khoảng 1942 đến 1945, thời gian đó ông có làm bạn với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Trước 1954, Lê Trọng Nguyễn từng phụ trách âm nhạc cho toàn thể Liên khu Năm (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), nhưng sau đó ông rời bỏ và về cư trú tại Hội An.

Và cũng thời gian này ông có một cuộc tình mà sau này người con gái đó đã thành vợ ông. Tuy nhiên đây là một câu chuyện khác mà trong chuyến đi tìm tư liệu về nhạc sĩ chúng tôi mới phát hiện. Hoàn toàn không phải là nhân vật cô gái “con một gia đình công chức Nam triều từ Qui Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An” như ông từng kể mà có thể xem là “giấc mộng” huyền hồ trong bài hát. Cuộc đời thực hơn với những “hiện sinh” vui buồn, hạnh phúc, sung sướng đau khổ của nó. Cả những gắn bó và chia tay như những niềm riêng mà đôi khi chỉ có thể bật thầm trên môi da diết trong hai chữ “duyên phận”.

Tình yêu và nỗi cô đơn của người nghệ sĩ

Trong tất cả tư liệu chúng tôi đã tìm kiếm, thu thập được khi nghiên cứu về cuộc đời của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn chưa từng thấy có nhắc đến một chuyện tình của ông ở Hội An. Từ trước đến nay người ta vẫn chỉ kể đến chuyện tình như cuộc tình đầu của ông với người vợ tên là Nguyễn Thị Nga. Tuy là nhạc sĩ, nhưng Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc. Năm 1965, ông làm Giám đốc công ty Centra Co., một công ty thương mại của Pháp. Từ năm 1968, ông là Giám đốc điều hành của công ty Sealand tại Đà Nẵng.

Ảnh tư liệu nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn chụp với mẹ ông (ảnh trái) và đám cưới của ông với cô Nguyễn Thị Nga có sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Hiền

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, người bạn thân, đã từng đại diện gia đình họ trai, đi dạm hỏi trong đám cưới Lê Trọng Nguyễn có thuật như sau về bạn mình, trước và sau đám cưới:

“Anh ít nói chỉ trầm ngâm ngồi im lặng suy tư. Nhưng khi cao hứng anh lại nói nhiều, cười nhiều rất hồn nhiên trong cuộc đời độc thân do anh chọn lựa…”

“Rồi ngày ấy đã đến, khi anh đến báo tin sẽ thành hôn và nhờ tôi thay lời, cùng thân mẫu đi rước dâu trong đám cưới anh được tổ chức tại nhà hàng Continental, chỉ mời nhóm bạn bè thân rất hạn chế…”.

Chúng tôi cũng tìm được nhiều bức ảnh rất hạnh phúc về cuộc tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và cô Nguyễn Thị Nga. Có cả bức ảnh nhạc sĩ Nguyễn Hiền bên cạnh bạn mình trong dịp ra mắt gia đình hai họ. Cô Nguyễn Thị Nga sau khi nhạc sĩ mất cũng đã thay mặt gia đình phát ngôn rất nhiều việc về di cảo, tác phẩm, băng từ…trước tác của nhạc sĩ. Và phải công nhận rằng những việc chu đáo đó đã giúp cho người yêu nhạc có nhiều thông tin hơn, được tiếp cận gần hơn với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

Tuy nhiên, những ghi chú cuối cùng của chúng tôi trong loạt bài về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn này là, ông từng lấy vợ trước đó. Và người phụ nữ mà cả cuộc đời ông giấu kín có tên là Trần Thị Chanh, bà sinh năm 1927, người Hội An.

Cô Trần Thị Chanh, người tình đầu của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn xinh đẹp hiếm thấy. Nhưng sự tan vỡ và sự im lặng cố giấu hết cuộc đời nhạc sĩ vẫn còn là điều bí mật. (Tư liệu của Nguyễn Hữu Hồng Minh).

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và cô Trần Thị Chanh có với nhau một người con gái tên là Lê Thị Thanh Uyển sinh năm 1950.

Tôi cứ nhớ mãi buổi chiều cuối cùng chuẩn bị rời Hội An, cũng là một cảnh sắc “Nắng chiều” sao vàng vọt và buồn bã quá đỗi. Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ, cô Uyển đã niềm nở, hạnh phúc tiếp chúng tôi. Hình như đã quá lâu không ai hỏi cô về người cha mà cô rất tự hào, người đã sinh ra cô. Dù thiếu thốn tình cảm thân sinh nhưng cô đã lớn lên từng ngày trong nỗi nhớ ấy!

Hình ảnh vừa tìm được của bà Trần Thị Chanh, người tình đầu của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Hội An. (Tư liệu của Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Bàn tay cô Uyển run rẩy mở tư liệu cũ, cẩn trọng xếp lên mặt bàn, từng bức ảnh, từng bức ảnh một. Mắt cô sáng lên khi nói với chúng tôi đây là những bức ảnh của cha cô, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ngày còn trẻ. Và đây là mẹ cô ngày còn xuân sắc. Tôi như nhìn thấy ở đó một không gian hai chiều. Thanh tân, tuổi trẻ lưu trên từng tấm ảnh loang lổ, thời gian như chưa bao giờ có thực. Và hiện tại như tách bỏ phũ phàng quá khứ! Nó không có một nguồn mạch kết nối. Đứt đoạn như một cuốn phim âm bản.

Cô Lê Thị Thanh Uyển bên những tư liệu quý báu mà cô sưu tập được về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, người cha tài hoa nhưng rất ít gần gũi của mình. (Ảnh: Hoàng Thu An)

Cô Uyển kể với tôi cô không có nhiều ký ức về cha lắm! Cô cũng biết cha là người nổi tiếng và cô cũng từng hát “Nắng chiều” như chúng tôi từng hát đó thôi!

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn dường như rất ngại trở về Hội An. Ông ngại những kỷ niệm xưa hay trốn chạy một điều gì đó dù ngày tháng cũ đã không còn nữa! Trong lần cuối khi còn khỏe, từ nước ngoài trở về thăm quê hương, ông chỉ ở Điện Bàn và nhắn bà Chanh lên thăm ông! Ông không về Hội An. Và mẹ cô đã tất bật, vội vàng lên thăm. Đó cũng câu chuyện cuối cùng mà cô Uyển kể lại với chúng tôi. Cô cũng nói thêm, mẹ cô đang bệnh nặng, đau yếu. Bà không còn đủ sức khỏe để rời khỏi chiếc giường đi ra phía ngoài ngắm nắng nữa. Nắng chiều! Thời gian xem chừng cũng sắp hết! Cũng đâu còn xa! Bà ở phía sau bức tường chúng tôi đang ngồi đấy thôi...

Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu!?…
Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa

Hình dáng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm!…
 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, cô Lê Thị Thanh Uyển và nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã, Hội An, tết 2018 (Ảnh: Hoàng Thu An)

Rời Hội An, trong tôi cứ đọng mãi hình ảnh cô Uyển trên tay cầm hai tấm ảnh mẹ cô thời nhan sắc rực rỡ nhất với từng vòng kim xuyến hay cẩm thạch đeo trên cổ. Và cha cô, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, gương mặt tuấn tú, cái nhìn thẳng, với chiếc nón phớt rất tây đĩnh đạc như một mẫu thanh niên trí thức thành đạt thời bấy giờ. Hình ảnh choán hết nắng chiều! Nắng chiều cũng là nắng quái...

Cuộc tình! Cuộc đời! Cuộc người…

Thời vàng son cũ về đâu?!…

Hội An - Đà Nẵng, tháng 11.2017.

Sài Gòn, 16.10.2019