VĂN HÓA

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 3)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 11-10-2019 • Lượt xem: 4269
Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 3)

Khi bài viết này đăng kỳ 2 trên DDVN, chúng tôi có nhận được phản hồi từ nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp) là nên tìm hiểu thêm việc có hay không La Hối đã sang Thượng Hải - Hồng Kông (Trung Quốc) để học âm nhạc vào những năm 1937.  

Tin, bài liên quan:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 2)

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Quốc Bảo, có thực 'một Sài Gòn không ký ức'?

Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Một vài nghi vấn khúc mắc chưa thể tháo gỡ

Chúng tôi chưa có trong tay tư liệu này nhưng cũng ghi chú ra đây để bổ túc thêm một điều La Hối với tinh thần đam mê âm nhạc và điều kiện gia đình nên ông đã chịu khó học hỏi thêm rất nhiều nguồn trong và ngoài nước. Việc ông chỉ dạy thêm cho như các nhạc sĩ Lan Đài, Dương Minh Ninh, Lê Trọng Nguyễn… hay anh em trong Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique) ở Hội An do ông sáng lập và làm hội trưởng sau khi học âm nhạc ở Sài Gòn về là có căn cứ. Như vậy chúng ta tạm khép lại việc nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có theo “thụ giáo” âm nhạc với nhạc sĩ La Hối bằng câu chuyện kể về thầy của mình từ nhạc sĩ - nhà thơ Đynh Trầm Ca và nhà khảo cứu Trương Nguyên Ngã.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thời học ở Hà Nội

Nhà phê bình Đặng Tiến cũng cho biết thêm một số chi tiết, đó là ca khúc Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối nổi tiếng vì lời Việt của Thế Lữ. Nhạc sĩ Dương Minh Ninh được biết nhiều về bài Đường chiều. Còn riêng bài Gấm vàng nguyên tác là ông phổ nhạc cho vở kịch của tác giả Vũ Hân. Lê Trọng Nguyễn khi về thành năm 1952 bằng cách bơi qua sông, trên tay ông vẫn còn cầm cây đàn guitar. Điều đó có thể thấy nhạc sĩ đam mê âm nhạc đến mức nào! Những góp ý của nhà phê bình rất thú vị, mở ra nhiều góc nhìn mới khi tìm hiểu về ngày hôm qua của những cuộc đời nhạc sĩ và của tân nhạc Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần ghi chú thêm cho rõ, đến thời điểm tôi viết bài này, sau khi đã xem rất nhiều tư liệu (của và về) nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, ngay cả trong những băng ghi âm… thì tôi chưa tìm thấy dòng nào, câu nào ông xác nhận mình có học nhạc với nhạc sĩ La Hối (!?).

Trong một bài trả lời phỏng vấn với một cựu phóng viên BBC, Lê Trọng Nguyễn có kể lại sự việc liên quan đến La Hối, nhân dịp nói về việc đoàn kịch Anh Vũ của nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát về diễn tại Hội An vào năm 1945 sau khi La Hối đã mất. Ông kể lại tường tận sự việc Thế Lữ vì cảm động trước cái chết trẻ của La Hối do bị hiến binh Nhật bắn nên đã soạn lại lời Việt cho bài hát Xuân và tuổi trẻ (trước đó chỉ có lời Hoa do nhà thơ Diệp Truyền Hoa soạn) và cho đoàn kịch Anh Vũ biểu diễn từ Nam ra Bắc. Bài hát Xuân và tuổi trẻ được công chúng biết nhiều là do vậy! Tuyệt nhiên, Lê Trọng Nguyễn không nói gì đến La Hối từng là thầy dạy nhạc hay ông đã từng “thọ giáo” âm nhạc với La Hối.

Trong một đoạn khác, trả lời phóng viên về việc ông đã học nhạc như thế nào? Lê Trọng Nguyễn kể là ông đam mê từ nhỏ và tự học qua sách vở, bạn bè. Ông hoàn toàn không nói gì tới La Hối.

Một bản in ca khúc "Bến giang đầu" được phụ chú là "Nắng chiều 2" cũng là một sáng tác của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Một lưu ý khác là Lê Trọng Nguyễn luôn hoài nghi khả năng âm nhạc của mình. Mặc dù lúc đó ông đã khá nổi tiếng với hàng loạt ca khúc như Bến giang đầu, Chiều bên giáo đường, Nắng chiều, Sao đêm… cùng nhiều nhạc bản khác; ông đã lấy được bằng tốt nghiệp, trở thành hội viên của SACEM - Hội Nhạc sĩ Pháp (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique) sau khi theo học hàm thụ trường École Universelle của Pháp. Điều đó cho thấy Lê Trọng Nguyễn là một nghệ sĩ thực thụ. Bởi kiến thức là một việc mà sáng tạo viết lách lại là một chuyện khác. Đứng trước bài hát hay người nghe cảm thụ bằng tâm hồn còn người viết thổn thức theo lời thúc giục từ trái tim. Mọi sự phân tích uyên bác hay logic từ lý trí đều kín cửa. Nó là công việc của nhà phê bình chứ không phải của một nhạc sĩ.

Ca khúc “Nắng chiều” là nhạc sến hay huyền thoại?

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết khá nhiều ca khúc nhưng được công chúng biết đến rộng rãi nhất là bài hát Nắng chiều. Xung quanh việc sáng tác bài hát này đến hôm nay vẫn còn nhiều tranh luận. Tuy nhiên, trong quan điểm của tôi, tất cả những trao đổi lao xao đó cũng chỉ vì tầm mức và độ nổi tiếng của bài hát. Vì rất nhiều việc chính tác giả của nó đã tự trả lời và làm sáng rõ nhưng vẫn không đáp ứng được mong muốn của dư luận khán giả.

Ca sĩ Midori Satsuki, người hát "Nắng chiều" bằng tiếng Nhật. Bức ảnh với thủ bút và chữ ký đề tặng "Mr. Le Trong Nguyen" là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Xin lược chú, tổng hợp lại Nắng chiều từ nhiều nguồn để bạn đọc rõ hơn như sau:

Đây là một ca khúc của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, sáng tác năm 1952. Bài hát là nguồn cảm hứng bắt đầu cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng năm 1971. Tuy nhiên phải nói rõ cần tách rời hai sự việc với nhau. Bài hát Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn hoàn toàn không viết cho sự đặt hàng hay cho bộ phim Nắng chiều nào mà là một sáng tác độc lập của ông. Tên bài hát có trước tên phim 19 năm. Tên phim là “ăn theo” sự nổi tiếng của bài hát và có thể vì thích bài hát mà Lê Mộng Hoàng xây dựng kịch bản, làm đường dây một cuốn phim. Lê Mộng Hoàng và Lê Trọng Nguyễn cũng không có bà con gì!

Cũng từ cảm hứng đặc biệt của Nắng chiều, năm 1994, đạo diễn Trần Anh Hùng (Pháp) làm phim Xích lô đã đưa bài hát này vào làm nền cho một đoạn tình tiết không lời thoại. Bài hát được hát bằng giọng Quảng Nam do hai người lính cụt chân thể hiện trong quán ăn. Việc này chứng minh cho việc bài hát quá nổi tiếng, gắn chặt với tinh thần đời sống thị dân ở miền Nam trước năm 1975.

Phim "Cyclo" của đạo diễn Trần Anh Hùng (Đoạt giải Sư tử vàng Phim hay nhất Liên hoan phim Venice, 1995). Có một trường đoạn sử dụng ca khúc "Nắng chiều" của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

 Nắng chiều không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng ở Nhật Bản, Đài LoanHồng Kông (Trung Quốc). Tại các nước nói tiếng Hoa, bài hát được biết đến với tên 越南情歌 (Việt Nam tình ca) hay 南海情歌 (Nam hải tình ca) do Thận Chi (慎芝) đặt lời.

Vì đâu một bài hát thuần túy, thậm chí hơi “marie sến” (chữ Phạm Thị Hoài dùng, tên một tiểu thuyết vừa của bà) kiểu người Việt mà lại nổi tiếng ra bên ngoài thế giới như vậy? Cần cắt nghĩa điều này của Nắng chiều mới giải đáp được vị trí đang đứng ở đâu của bài hát. Vì đâu, do đâu, tại sao Nắng chiều nổi tiếng, được yêu mến đến như thế? Và cao hơn là trả lời được tinh thần đời sống thị dân ở miền Nam trước 1975 ra sao?

Giáo sư ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo (bìa phải), cùng các nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà thơ - dịch giả Dương Tường và Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tôi cho rằng Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn quan trọng vì là một trong những tác phẩm mở đầu, đặt nền móng hay khơi nguồn trào lưu dòng nhạc Sến!

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo trong một lần trò chuyện với tôi, ông có giải thích về từ “sến” trong nhạc sến: Từ "sến" bắt nguồn từ "sen" trong "con sen" - từ gốc Pháp vào những năm 1930 dùng để chỉ cô giúp việc, người giúp việc ở miền Bắc.

Như thế, câu hỏi đặt ra là khi “sến” vào âm nhạc, liệu có phải đó là một thuật ngữ dùng để chỉ những bài hát dành riêng cho công chúng thưởng thức bình dân, lao động? Tuyệt đối không dành cho tầng lớp thượng lưu, trí thức?

Trường hợp này liệu có đúng với bài hát “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn?

(Còn nữa)