VĂN HÓA

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 4)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 15-10-2019 • Lượt xem: 4125
Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 4)

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, một học trò của Lê Trọng Nguyễn trong một bài viết đã gọi ca khúc “Nắng chiều” của thầy mình như là bài bolero đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không đúng, vì chính Lê Trọng Nguyễn chưa bao giờ xác định như thế trên văn bản được tìm thấy.

Tin, bài liên quan:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 3)

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 2)

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Tôi phải ghi chú điều đó vì đang muốn minh định, đi tìm hiểu xem ai là nhạc sĩ đầu tiên viết thể thức bolero trong tân nhạc Việt Nam? Điều này vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu. Bởi trong sâu xa có liên quan đến nhu cầu, tâm lý, mức sống, định lượng xã hội và không gian đời thực của thị dân lúc đó phản ánh qua âm nhạc, giai điệu chứ không hẳn muốn ghi sao cũng được.

Lê Trọng Nguyễn không xác nhận “Nắng chiều” là chính điệu Bolero

Bài hát "Nắng chiều" được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết rõ điệu thức Rumba - Bolero. Nếu xem đây là bài Bolero đầu tiên của tân nhạc Việt Nam rất khó thuyết phục ngay với chính tác giả sáng tạo ra nó.

Theo tôi thì, ca khúc “Nắng chiều” như đúng ý tác giả, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ghi rõ trên bài hát, là “rumba bolero”. Về tiết tấu nhanh hơn, tươi vui hơn. Và hát đúng, thì phải hát và chơi nghiêng về thể điệu rumba chứ không phải là bolero. Có nghĩa bài hát vẫn còn tươi vui chứ không bi quan buồn bã như thường thấy trong thức điệu bolero. Mà xét nội dung bài hát “Nắng chiều” cũng vậy! Câu chuyện kể về một tình yêu đầu đời trong sáng, thi vị, e ấp. “Bến nước xưa lá hoa”. Nhớ về một em gái “người ngày thơ”. “Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương”. Nay anh trở về “qua sân nắng” nhớ em, tự hỏi “Hình dáng yêu kiều/ Kề hoa tím biết đâu mà tìm”. Nhẹ nhàng, dễ thương vô cùng. Không có gì sướt mướt, bi quan, khóc lóc, ai oán cả!

Nhà thơ Đông Trình (giữa), nhà báo Hồng Sơn và tác giả bài viết bên sông Thu Bồn đoạn chảy ngang cầu Vĩnh Điện. Nơi được xem là có nhiều tre la ngà (trong lời hát), cảnh vật đẹp tạo cảm xúc cho Lê Trọng Nguyễn viết ca khúc "Nắng chiều".

Nắng chiều

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương

Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình dáng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm…

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà

Gợn buồn nhìn anh em nói em nói: "Mến anh!"
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...

Tất nhiên một bài hát có thể chủ quan hát theo cảm xúc của ca sĩ, hay một nhạc sĩ hòa âm thay đổi tiết điệu làm mới lại bản phối đã mòn cũ nhưng khi đưa ra đánh giá trước công luận phải dựa vào bản gốc, tính nghiêm xác của người sáng tạo ra nó chứ không thể tự tiện theo ý chủ quan của mình mà đặt định được. Khi tôi trao đổi với nhạc sĩ Đynh Trầm Ca tại thị trấn Vĩnh Điện, ông cũng đồng ý với cách nhìn này. Đó là chưa bao giờ Lê Trọng Nguyễn xác định “Nắng chiều” là bolero cả!

Cũng theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, từ điển Wiki và nhiều nguồn khác, bài hát “Nắng chiều” được các nhà xuất bản An Phú, Tinh Hoa (Sài Gòn) và Tinh Hoa (Huế) in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản.

Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004). Tư liệu vừa tìm thấy ở Hội An của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan (Trung Quốc) Kỷ Lộ Hà cũng gặp ông, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là “Tịch dương” (dịch tựa khá sát nghĩa với nguyên tác “Nắng chiều”). Nhạc sĩ Thận Chi là một tên tuổi lớn trong làng giải trí với các kênh truyền hình gắn với ca nhạc Đài Loan. Ông còn được nhắc đến tại nhiều nước vì đặt lời khá thành công cho nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Spirit of Love (1963), Lemon Last Night (1984), Halfmoon Bend (1986), La Vie en Rose (1987).

Cả hai nữ danh ca Satsuki Midori và Kỷ Lộ Hà sau khi hát ca khúc có vẻ như rất mến mộ Lê Trọng Nguyễn. Sau đó, “Nắng chiều” còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca! Bài hát còn được biết với tên “Việt Nam tình ca” hay “Nam hài tình ca” vì mức độ nổi tiếng của nó khi khán giả nước ngoài muốn chọn hát một bài hát về Việt Nam.

 Nhưng quả bất ngờ khi biết nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tiết lộ cảm tưởng về ca khúc nổi tiếng của mình. Ông từng tâm sự:

“Bài hát “Nắng chiều” thật ra chỉ là một trong một số bài của tôi được phổ biến rộng rãi, nhưng mà tôi cũng không thích nó lắm, dù tình cảm tôi gửi vào đó rất mặn nồng…”. Khi được gặng hỏi vì sao, ông giãi bày: “Tôi cũng không rõ cảm xúc vì sao không thích bài hát. Mặc dù lúc mới viết xong rõ ràng tôi rất khoái! Bởi “Nắng chiều” là một nhạc bản chững chạc, vững vàng vô cùng, và chân phương đủ mặt…”. Vậy đâu là nguyên nhân? Thật bất ngờ khi ông nói: “Ðây cũng là một loại tâm trạng. Người ta hát nhiều quá, mình đâm ra ghét. Người ta cứ giới thiệu “Nắng chiều”, “Nắng chiều” mà không cần biết thằng Nguyễn là ai cả…” (!?). Đó là tâm lý của một người cha tinh thần, một nghệ sĩ lớn ghen tuông với sự nổi tiếng của đứa con nghệ thuật do chính mình sáng tạo ra! Thật độc đáo!

Bài hát “Nắng chiều” đã ra đời như thế nào?

Theo nhiều tư liệu và cũng chính tác giả kể lại bài hát “Nắng chiều” được viết tại Huế nhưng bắt đầu từ một chuyện tình của Lê Trọng Nguyễn ở Hội An. Như vậy, có thể thấy ký ức Hội An trong tâm hồn tác giả rất mạnh.

Lê Trọng Nguyễn cho biết:

Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Qui Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”.

Nguyễn Hữu Hồng Minh trong con hẻm dẫn vào căn nhà của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn trọ học gần cửa hiệu ảnh Nghĩa Ảnh đường Lê Lợi - Hội An. (Ảnh: Trương Nguyên Ngã)

Tôi trở lại Hội An và đã cùng với nhà biên khảo Trương Nguyên Ngã đi tìm lại ngôi nhà xưa nhạc sĩ từng ở. Nhà nghiên cứu phố Hội cho tôi biết đó là ngôi nhà nằm khuất sâu bên trong con hẻm sát bên cạnh cửa hiệu Nghĩa Ảnh, một tiệm ảnh khá lâu đời, nổi tiếng ở phố cổ trên đường Lê Lợi. Chúng tôi cùng đến đó vào chiều tối. Nơi đây bây giờ biến thành một nhà hàng ẩm thực với nhiều lồng đèn đỏ treo cao. Ấn tượng nhất là những bức tường rong rêu hoang ẩm vẽ lên trong nhá nhem tối những hình thù kỳ dị. Bỗng nhiên vang lên trong tôi câu hát “Khi anh về qua sân nắng chạnh nhớ câu thề…” có phải là cái sân nhỏ mà tôi đang đứng ở đây không? Lạ mà quen, quen mà lạ! Thời gian như chỉ còn trong rong rêu dưới chân tường vằn vện.

Chính tại ngôi nhà trong con hẻm nhỏ ở Hội An đó, người nhạc sĩ tài ba đã có cuộc tình “tình cờ bỗng gặp”:

“Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ còn trẻ mà, đâu 19, 20 gì đó. Platonique (lý tưởng) thôi. Rồi sau đó tản cư, kháng chiến… có cảm tưởng như mình còn thiếu người ấy một món nợ…

Vì tôi viết bản “Nắng chiều” ở Huế nên có nhiều người lầm tưởng rằng tôi viết cho một người Huế mà tôi đã yêu. Nhưng sự thật thì như tôi vừa kể, không phải như vậy… Thật ra cái ý định viết một bài cho mối tình ở Hội An nó nhen nhúm lên trong lòng tôi đã từ lâu, nhưng phải chờ có một tia lửa thiệt âm ỉ ấy nó mới bốc lên được…”.

Câu chuyện của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã làm khá rõ hai bối cảnh: (1) Bài hát “Nắng chiều” được viết ở Huế trên một nền cảm thức tình yêu ấp ủ từ rất lâu trước đó. (2) Cảm thức rất lâu trước đó có nền tảng bắt nguồn cội rễ ở Hội An. Ông yêu thầm cô con gái của một gia đình công chức Nam triều từ Qui Nhơn chạy loạn đảo chính Nhật ra tạm trú ở Hội An”.

Vết thương hay chuyện tình giấu kín của người nghệ sĩ

 

Người phụ nữ trong chuyện tình chưa hề được nói tới trong những nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ trước đến nay. (Tư liệu của Nguyễn Hữu Hồng Minh tìm thấy ở Hội An).

Nhưng thật quá bất ngờ, từ việc đi tìm nhân vật và xuất xứ bài hát “Nắng chiều” mà chúng tôi lại tìm thấy một chuyện tình khác của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Hội An. Một chuyện tình mà từ trước đến nay ông giấu đi như một vết thương giấu kỹ đến mức chưa có báo chí hay nhà nghiên cứu nào “truy vết” được. Sau khi nhạc sĩ mất 14 năm (2004) cuộc đời ông ngỡ như đã không còn bí mật. Nhưng bây giờ cũng là lúc cần những ghi chú mới!

Với câu hỏi nhân vật hay người con gái trong cuộc “tình lỡ” này của nhạc sĩ liệu có phải là nhân chứng trong một số tình khúc bất hủ để đời của ông không?

Hãy cùng chúng tôi “giải mã” trong kỳ cuối cùng của loạt bài viết những ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn…

(Còn tiếp)