Duyên Dáng Việt Nam

Phát hiện sán lợn trong thịt như thế nào?

Châu Anh • 19-03-2019 • Lượt xem: 8474
Phát hiện sán lợn trong thịt như thế nào?

Trao đổi về bệnh sán lợn TS Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Viện Thú y cho biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiễm ấu trùng sán gạo lợn là do ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ. Trứng của sán gạo lợn có thể tồn tại từ 2-3 tháng trong môi trường tự nhiên. Đây là bệnh lây truyền từ lợn sang người, con người có thể bị nhiễm bệnh từ ấu trùng sán lợn hoặc từ sán trưởng thành.

Với ấu trùng sán lợn, nguyên nhân do người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.

Khi mua thịt về, nếu nhận thấy thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim thì đó chính là thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Đồng thời, nếu nhận thấy trong thớ thịt có hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt gạo, màu trắng hoặc ngà ngà xám nằm song song với thớ thịt thì đó là thịt đã bị nhiễm sán.

Để người tiêu dùng có thể phân biệt được thịt lợn có nhiễm sán hay không, TS Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, hãy nhìn vào những cơ vận động nhiều như cơ gốc lượi, phần thịt cơ đùi. Nếu phát hiện thấy có những hạt như hạt gạo nếp màu trắng, đó chính là ấu trùng sán và nó thường tập trung thành từng bọc trong thịt. Thậm chí nếu mật độ giun sán nhiều, khi cắt trứng ấu trùng sẽ rớt ra bên ngoài. Vì vậy, người tiêu dùng hãy quan sát thật kĩ lúc mua.

Khi mua thịt về, nếu nhận thấy thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim thì đó chính là thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Đồng thời, nếu nhận thấy trong thớ thịt có hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt gạo, màu trắng hoặc ngà ngà xám nằm song song với thớ thịt thì đó là thịt đã bị nhiễm sán. 

Cũng theo TS Nguyễn Thị Lan Anh, đây là loại bệnh bình thường ở người lớn hoặc trẻ nhỏ, có thể diệt sán trưởng thành chỉ mất một ngày, còn diệt cả ấu trùng mất khoảng nửa tháng. Phụ huynh chỉ cần lấy thuốc về cho con uống, không nhất thiết phải nhập viện. Bệnh nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm.

TS Nguyễn Thị Lan Anh cảnh báo, bệnh sẽ nguy hiểm khi ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt.  Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe, không ăn thực phẩm sống như nem chua, thịt tái, rau sống không bảo đảm vệ sinh. Quản lý phân, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn. Không nuôi lợn thả rông, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò giết mổ lợn.