Khi chương trình giải trí gặp khó trong việc sản xuất mùa dịch, phim truyền hình cũng vướng cảnh tương tự nhưng dù chiếu lại phim cũ, khán giả vẫn quan tâm.
Phim truyền hình thắng thế
Sau một thời gian truyền hình bị gameshow và các cuộc thi tìm kiếm tài năng chiếm sóng, giờ đây, phim truyền hình Việt lại thắng thế, được khán giả quan tâm. Một phần lý do đến từ việc các chương trình giải trí kém hấp dẫn, phần khác do dịch bệnh khiến việc sản xuất gặp khó nên hầu như, các chương trình giải trí phải thay đổi format hoặc thậm chí để nghệ sĩ tự quay tại nhà nên không còn đủ sức hấp dẫn, thiếu sự tương tác trực tiếp như tại trường quay trước đây.
Trong bức tranh khá nhạt nhoà của truyền hình giải trí mùa dịch, các bộ phim dài tập lại trở thành món ăn ngon dành cho khán giả. Các phim Hương vị tình thân phần 2, 11 tháng 5 ngày, Ngày mai bình yên, Thương con cá rô đồng, Cây táo nở hoa... hiện đang được khán giả chú ý.
Để lý giải cho việc phim hút khán giả, khoan bàn về chất lượng kịch bản và diễn xuất, có một vài lý do ngoài lề đang giúp đưa phim đến gần hơn với người xem, trong đó phần lớn nhờ cách phát hành và khâu truyền thông.
So với thời điểm cách đây vài năm, chuyện xem phim truyền hình hiện tại không quá khó và cũng không chỉ dành cho đối tượng chính là các bà nội trợ. Hiện các đài gần như đều có ứng dụng xem phim trực tuyến, thuận tiện cho việc xem lại các phim như phim phát trên đài VTV sẽ được đăng tải trên VTV giải trí, Cây táo nở hoa được đưa lên nền tảng VieOn và thậm chí nếu có đóng tiền, khán giả sẽ được coi trước một số tập mới, phim Thương con cá rô đồng và một số phim trên HTV được đăng tải nhanh chóng lên YouTube...
Ngoài đưa phim lên các nền tảng trực tuyến, các đơn vị sản xuất phim truyền hình Việt hiện tại cũng đang chú trọng khâu quảng bá phim trên mạng xã hội. Sau mỗi tập mới lên sóng, ê-kíp thường chọn đăng một trích đoạn gây cấn để thu hút khán giả. Với các phim của VTV, quá trình tương tác với khán giả trên mạng xã hội rất tốt.
Phim Hương vị tình thân đang được khán giả chú ý
Ở mỗi bài đăng về phim, khán giả đều hào hứng bình luận khen chê, phân tích tình huống và đưa ra dự đoán cho tập tiếp theo. Với sự ủng hộ của khán giả Việt hiện tại, đây là tín hiệu vui cho phim truyền hình vì đã quá lâu, phim dài tập ở cả 2 miền mới được đón nhận nhiều như thế. Sự ủng hộ này không hẳn vì dịch nhưng nhờ... dịch, nhờ khoảng thời gian giãn cách xã hội, khán giả mới có thì giờ xem truyền hình nhiều hơn.
Chia sẻ với báo Phụ Nữ TPHCM, diễn viên Hồng Ánh cho biết thời gian xem phim truyền hình của chị trong những ngày giãn cách này cộng dồn bằng nhiều năm trước đây. “Trước kia vì bận việc, tôi không có thời gian xem phim, thậm chí phim do mình đóng. Còn giờ đây, nhờ có thời gian xem truyền hình nhiều hơn, tôi mới biết chất lượng phim miền Bắc khá tốt, nhiều kịch bản hay, gần gũi với khán giả”, nữ diễn viên chia sẻ.
Phim hay luôn là phim remake?
Một bộ phim thành công, tức nhận được sự chú ý của khán giả phải nhờ nhiều yếu tố, nhưng tiên quyết, kịch bản phim phải hay và diễn xuất của diễn viên phải thuyết phục.
Trong thời gian vừa qua, các phim Việt như Hãy nói lời yêu, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân... liên tục nhận ý kiến trái chiều một số nhân vật bị cho là làm lố. Trong đó, nhiều vai diễn người mẹ hà khắc, o ép con đến cùng cực, ăn trộm tiền của con khiến dư luận phản ứng.
Tuy có một số tình tiết, nhân vật bị bi kịch hoá, làm quá lên nhưng nếu xét chung về kịch bản, vẫn phải dành lời khen cho các phim truyền hình đang phát sóng hiện tại. Các phim khai thác chủ đề gần gũi hơn với đời sống, từ tình cảm gia đình như Cây táo nở hoa, tình bạn bè – tình thân trong 11 tháng 5 ngày, hay nhanh nhạy nắm bắt đề tài thời sự như Ngày mai bình yên – khai thác cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng...
Cách đây vài năm, khi Về nhà đi con, Người phán xử, Gạo nếp gạo tẻ lên sóng, khán giả Việt dành nhiều lời ngợi khen cho kịch bản, diễn xuất của diễn viên. Nhưng sự thành công của các phim vừa kể là thiểu số ở thời điểm đó bởi chất lượng các phim không đồng đều như hiện tại, có phim hay nhưng nhiều phim lê thê, chất lượng trồi sụt.
Còn hiện tại, khi nhiều đơn vị sản xuất mạnh dạn chọn Việt hoá kịch bản nước ngoài để họ có cơ hội tiếp cận kịch bản tốt thực hiện lại bộ phim hay. Tuy nhiên, khi chọn remake, các đơn vị cũng đứng trước nhiều thách thức. Các phim Người phán xử, Gạo nếp gạo tẻ, Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân, Nhà trọ Balanha... đều là phim làm lại từ kịch bản nước ngoài. Phim Về nhà đi con dù được biên kịch Nguyễn Thu Thuỷ của phim khẳng định là không remake nhưng thừa nhận lấy cảm hứng từ phim Khi Người đàn ông góa vợ bật khóc.
Cát đỏ là bộ phim hiếm hoi không mượn kịch bản nước ngoài được khán giả dành nhiều lời khen.
Diễn viên Hồng Ánh cho biết kịch bản là vấn đề quan trọng đối với phim ảnh trong nước. Hiện các nhà sản xuất thiếu kịch bản hay nên thường chọn remake một số phim tốt của quốc tế. Nữ diễn viên khẳng định việc này không xấu, sẽ giúp đội ngũ biên kịch cọ sát. Tuy nhiên, việc Việt hoá như thế nào để vừa vặn với gu tiếp nhận của người Việt là điều quan trọng, cần được chú ý.
Đạo diễn Võ Thạch Thảo của phim Cây táo nở hoa từng cho biết khi chưa tìm được kịch bản trong nước tốt, việc remake cũng sẽ giúp đội ngũ biên kịch trẻ có thêm kinh nghiệm làm nghề.
Hiện trong số các phim truyền hình được chú ý, phim remake đang chiếm số lượng lớn. Đây là vấn đề cần bàn khi phim ảnh Việt đang thiếu đội ngũ biên kịch có nghề, thiếu trầm trọng kịch bản hay. Còn về chất lượng các phim remake, gần như các phim đều đang làm tốt, mang tới cho khán giả nhiều phim hay, là món ăn tinh thần khá ngon trong những ngày giãn cách xã hội. Hiện tại, một số đài đang chiếu lại phim cũ vì không kịp thực hiện phim mới, trong đó Cát đỏ là bộ phim phát lại nhưng nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo Minh Tú/Phunuonline.com.vn