Những năm gần đây, phim remake (thể loại phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa) bùng nổ ở cả hai “mặt trận” điện ảnh và truyền hình tại Việt Nam. Trong lúc “đói” kịch bản nội chất lượng, việc làm phim remake đã thổi “luồng gió mát” vào thị trường giải trí, mở ra những hướng đi mới cho phim ảnh nước nhà. Thế nhưng, liệu đây có phải là con đường lâu dài?
“Người phán xử” được remake từ bộ phim truyền hình cùng tên của Israel, đã gây sốt trên màn ảnh nhỏ Việt suốt một thời gian dài
Chìa khóa để cân bằng cầu - cung
Nhìn vào danh sách những bộ phim truyền hình, điện ảnh chiếm được sự quan tâm, yêu mến của khán giả, không thể phủ nhận vai trò vững chắc của “lực lượng” phim remake đã giúp phim ảnh Việt Nam bước sang một chương mới. Phải kể đến những cái tên “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình như: Gia đình là số 1, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán… Với lĩnh vực điện ảnh, dòng phim này cũng góp mặt hàng loạt “bom tấn” như: Em là bà nội của anh, Tèo em, Bạn gái tôi là sếp, Tháng năm rực rỡ… Theo thời gian, phim remake Việt ngày càng chỉn chu và hoàn thiện hơn. Có thể nhìn vào thành quả từ năm 2020 đến nay, khi xuất hiện hàng loạt bộ phim đình đám đều làm lại từ kịch bản nước ngoài, đó là Nhà trọ Balanha lọt top phim Việt hay nhất, Hương vị tình thân đã khiến người xem “đứng ngồi không yên” và đang lên sóng phần 2 hay Tiệc trăng máu thu về 175 tỉ, lọt top 5 phim Việt có doanh thu “ngất ngưởng”… Vậy thì vì đâu mà những bộ phim remake lại thành công đến thế?
Đơn cử, Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với dàn diễn viên “gạo cội”, kịch bản xuất sắc, đặc biệt là được “Việt hóa” để thân thuộc với khán giả ngay từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, yêu thích của khán giả… Thậm chí khi so sánh với phiên bản remake của Hàn Quốc, nhiều khán giả còn cho rằng phiên bản này xuất sắc và hấp dẫn hơn hẳn. Hay phim truyền hình Người phán xử đã gây “sốt” khi có sự thay đổi đến 50% so với bản gốc của Israel, điểm nổi bật của phim đó là lời thoại, khi thì đậm chất “chợ búa”, khi lại có chiều sâu triết lý thông qua nhân vật “ông trùm” với sự lọc lõi, tinh ranh. Và, chẳng riêng gì “điểm sáng” này, hàng loạt những sản phẩm remake khác đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của khán giả cả truyền hình lẫn điện ảnh. Dù làm lại nhưng ê kíp sáng tạo đã biết biến đổi nó một cách khéo léo, Việt hóa kịch bản đúng nghĩa khi biến câu chuyện, tình tiết, văn hóa trong bản gốc trở nên thuần Việt, gần gũi, chân thật, mang hơi thở thời đại; vì thế mà khán giả dễ đồng cảm và xem đó là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Ngoài ra, remake cũng đang là một giải pháp cứu cánh bởi phim Việt hiện tại đang thiếu “bột” để “gột nên hồ”. Số lượng kịch bản gốc có chất lượng không tăng kịp so với nhu cầu hiện có, mà các nhà làm phim thì không thể bỏ lỡ cơ hội khi thị trường đang phát triển. Remake chính là chìa khoá để giải quyết sự thiếu cân bằng này.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, làm phim remake là trào lưu chung của thế giới nên nhà sản xuất không có gì phải ngại ngần. Ngay cả những kinh đô điện ảnh lớn như Hollywood, Trung Quốc… vẫn làm lại những bộ phim hay của nước khác, cho dù họ không thiếu kịch bản tốt. Còn đối với điện ảnh Việt, nó không chỉ là lối thoát cho cơn bí bách kịch bản mà còn giúp khán giả có thêm món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn.
Chỉ nên là giải pháp tạm thời
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, remake đóng vai trò quan trọng song đây không phải là giải pháp bền vững trong “cơn khát” kịch bản hay, mới lạ, sáng tạo của điện ảnh và truyền hình nước ta. Nhất là khi xu hướng này đang đặt ra những băn khoăn không nhỏ về sự phát triển, hướng đi cũng như việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng khá thành công với những phim lấy chất liệu truyền thống Việt thẳng thắn cho biết: “Chất liệu văn hóa Việt còn nhiều, sao ta phải remake kịch bản nước ngoài? Tôi còn tận 10 dự án phim đang xếp hàng sản xuất trong thời gian tới và sẽ đi theo đúng tinh thần truyền tải được văn hóa Việt, sử dụng hoàn toàn kịch bản gốc từ Việt Nam”.
Có thể nói, phim remake dẫu là “món ăn” hấp dẫn thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời cho những tháng ngày điện ảnh Việt thiếu kịch bản. Thực tế cho thấy, không phải bộ phim remake nào cũng thành công. Có thời điểm, khán giả chứng kiến sự xuất hiện 2 - 3 phim làm lại cùng ra mắt, với mô-típ na ná nhau, bối cảnh phim thì sơ sài và dàn diễn viên chưa đủ sức vượt qua cái bóng khổng lồ của “sao” ngoại. Trong khi đó, việc sản xuất lại những bộ phim đã gặt hái thành công dù có thuận lợi về kịch bản “ăn khách”, thế nhưng việc chịu áp lực từ “hào quang” của bộ phim đã ra mắt cũng như sự kỳ vọng từ công chúng là điều khó tránh khỏi. Như phim Hậu duệ mặt trời, khi được remake đã khiến khán giả hồi hộp mong chờ, nhưng khi phiên bản Việt lên sóng, diễn xuất và bối cảnh có quá nhiều “sạn” đã khiến bộ phim bị chỉ trích nặng nề. Hay bộ phim Sắc đẹp ngàn cân do Minh Hằng đóng chính cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì không có tính sáng tạo, bê nguyên bản gốc vào phim. Xu hướng làm phim remake cũng đã khiến không ít nhà biên kịch thay vì trau dồi, học hỏi để sáng tạo các tác phẩm có giá trị lại chuyển sang nghề “tân trang, mông má” kịch bản ngoại. Lâu dần, xu hướng này đã khiến kịch bản phim Việt ngày càng suy giảm, dẫn đến cạn kiệt, thiếu chất, thậm chí nhiều bộ phim remake hoàn toàn xa lạ với đời sống, văn hóa, con người Việt Nam.
Dù có những phim Việt hóa thành công góp phần giúp thị trường điện ảnh thêm khởi sắc, song nếu cứ để phim remake lấn át phim thuần Việt thì thật đáng buồn. Không chỉ giới chuyên môn mà cả người xem vẫn luôn chờ đợi và hy vọng vào một nền phim ảnh “made in Vietnam” đầy chất lượng, ngày càng có nhiều biên kịch tài năng hơn để phim Việt hóa phải “nhường sân”; thậm chí là bán được kịch bản Việt cho các nước khác như Em chưa 18, Bóng đè…
Theo Thảo My/Baovanhoa.vn