Duyên Dáng Việt Nam

Phòng tránh, chữa trị những căn bệnh dễ mắc trong mùa mưa lũ

Bơ • 28-10-2020 • Lượt xem: 3483
Phòng tránh, chữa trị những căn bệnh dễ mắc trong mùa mưa lũ

Lũ lụt luôn đi kèm với những thiệt hại khổng lồ về cả người và của. Giao thông chia cắt, người dân phải đối mặt với việc bị cô lập, khan hiếm lương thực cùng với tình trạng sức khỏe, tinh thần suy giảm. Không chỉ vậy, lũ đến gây ra ứ đọng, tắc nghẽn khiến chất thải của người, xác chết gia súc, rác thải cũng như những nguồn chất độc hòa vào dòng nước, gây ra nhiều căn bệnh cực kì nguy hiểm. Vì vậy, để đảm bảo được sự an toàn về tính mạng cũng như giữ trạng thái sức khỏe tốt nhất, người dân vùng lũ cần trang bị ngay những thông tin cũng như cách phòng tránh những căn bệnh dễ gặp mùa lũ.

Tin, bài liên quan:
Miền Trung cần được cứu trợ gì sau mưa lũ?
Đỗ Mỹ Linh, Tiểu Vy, Lương Thuỳ Linh trao quà cho đồng bào miền Trung

Những căn bệnh thường gặp mùa lũ


Bệnh về da

  • Bệnh nước ăn chân

Việc phải lội hay ngâm mình trong nước lũ dường như là điều tất nhiên đối với những người dân sống ở vùng ngập lụt. Khi phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, đầy chất ô nhiễm như vậy, khả năng bị nước ăn chân là cực kì cao. Bệnh có thể biểu hiện dưới nhiều dạng thức như tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân. Không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà nghiêm trọng hơn, nếu bị bội nhiễm, bệnh nhân còn có thể sốt, nổi hạch bẹn, bàn chân sưng tấy lên và có mủ.

  • Bệnh ghẻ

Khi tiếp xúc lâu với môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh như nước lũ, bệnh ghẻ cũng là một trong những căn bệnh cực kì phổ biến mùa lũ. Tác nhân gây bệnh là Sarcoptes scabiei. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng. Khi mắc bệnh, cơ thể nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi…

  • Viêm nang lông

Lũ lụt cũng gây ra tình trạng khan hiếm nước sạch và từ đó, vi khuẩn ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày “nhân cơ hội” phát triển tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông cực kì ngứa ngáy, khó chịu.

  • Chốc lở

Sau khi lũ rút, nếu điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nguy cơ mắc chốc lở cũng cực kì cao. Bệnh biểu hiện qua những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi vỡ thì tạo vết loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Bệnh về đường tiêu hóa

Nguồn nước ứ đọng hòa với vô số rác thải, nguồn chất độc ô nhiễm, các vi sinh vật có hại trong đất bùn khiến môi trường ô nhiễm nặng nề. Người dân không chỉ phải tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm đó mà còn phải sử dụng chúng cùng với nguồn thực phẩm bẩn và hậu quả là các căn bệnh về đường tiêu hóa cũng tăng mạnh như tiêu chảy do vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter…) và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm.

Bệnh đau mắt đỏ

Nguồn nước bị ô nhiễm không chỉ gây các bệnh về da, đường ruột mà còn gây tổn thương cho mắt nếu tiếp xúc qua việc rửa mặt, tắm. Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường là nhóm virus Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia vốn sẵn có trong môi trường nước bẩn, tù đọng. Tuy là bệnh lành tính, không gây quá nhiều nguy hiểm nhưng nó cũng khiến người bệnh cực kì khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt và đặc biệt, có khả năng lây lan rất nhanh.

Cần tuân thủ những nguyên tắc an toàn nào?

  • Tuyệt đối không tiếc những thực phẩm đã tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm hoặc đã để quá lâu, có dấu hiệu hư hỏng.
  • Kiểm tra và thực hiện việc khử khuẩn, tinh lọc nguồn nước.
  • Ăn chín uống sôi.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ cả căn nhà và tiệt trùng các dụng cụ chế biến thực phẩm.
  • Nếu trong điều kiện cấp bách, phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn thì cần làm trong bằng phèn chua hoặc túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng choloramine B hoặc clorua vôi. Không được khử trùng đồng thời với phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo.

Những loại thuốc cần chuẩn bị

  • Loại thuốc đầu tiên cần có là thuốc giảm đau, hạ sốt, có thể mua loại thông dụng như paracetamol. Chuẩn bị thuốc ho nên dùng loại thông dụng là ambroxol hydrochloride dạng siro, với người lớn nên mua loại thuốc viên.
  • Đối với bệnh về da: Để chữa bệnh nước ăn chân do vi nấm gây ra, nên chuẩn bị một số thuốc chống ngứa như clopheniramin hoặc thuốc trị nấm ngoài da như ASA (thuốc bôi ngoài da) hoặc có thể dùng lá trầu tươi, lá rau răm (vò nát, đắp lên chỗ ngứa). Hoặc chuẩn bị sẵn một ít giấm ăn, muối ăn, khi cần thiết, pha vào nước sạch vài thìa cà phê, ngâm chân vào đó ngày 2- 3 lần, khoảng 10 phút mỗi lần.
  • Đối với bệnh đường tiêu hóa: Cần chuẩn bị mười tới hai mươi gói thuốc như smectite intergrade hoặc sirô trimebutine maleate. Người dân có thể bị táo bón sau khi hết tiêu chảy, vì vậy cần ngưng thuốc ngay khi tình trạng tiêu chảy thuyên giảm. Có thể mua loại dung dịch có thành phần nifuroxazide. Oresol (ORS) cũng là một loại thuốc quan trọng nhất định phải chuẩn bị, nên mua loại 5,63g/gói, khi trẻ bị tiêu chảy, pha một gói vào 200ml nước đun sôi để nguội. Liều lượng dùng, trẻ dưới 24 tháng tuổi, uống 50 - 100ml sau mỗi lần bị tiêu chảy và ngày uống khoảng 500ml. Trẻ từ 2 - 10 tuổi, mỗi lần uống 100 - 200ml và uống khoảng 1.000ml/ngày sau mỗi lần tiêu chảy. Trẻ trên 10 tuổi và người lớn, uống theo nhu cầu (khát là uống).
  • Đối với bệnh đau mắt đỏ: Chuẩn bị một số thuốc nhỏ mắt như nước muối sinh lý 9%o, cloramphenicol 1%o, hoặc tobrex 0,4%, hoặc tobrin 0,4%.
  • Đối với các bệnh mạn tính, cần chuẩn bị các thuốc uống thường ngày (theo đơn thuốc của bác sĩ), và có thể mua thêm vài ba liều dự phòng.

Cần bảo quản thuốc thật kĩ bằng cách cho vào túi nilon buộc kín, để trên cao, tránh ẩm mốc sẽ gây hỏng thuốc hoặc bị mưa lũ cuốn trôi. Những loại thuốc này có thể sẽ cứu mạng trong lúc nguy cấp, đường sá chia cắt, giao thông đình trệ. Tuy nhiên, sau khi lũ đã qua, nếu bệnh chưa khỏi, cần tới ngay các trung tâm y tế để chữa trị kịp thời.