VĂN HÓA

Quan chức Nhật vẫn đến Mỹ dù Kim Kardashian rút lại thương hiệu nội y Kimono

Thiên Dung • 03-07-2019 • Lượt xem: 1031
Quan chức Nhật vẫn đến Mỹ dù Kim Kardashian rút lại thương hiệu nội y Kimono

Ngày 1/7, ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian cho biết đã rút lại thương hiệu nội y "Kimono" do trùng tên với trang phục truyền thống của Nhật Bản khiến người dân xứ sở mặt trời mọc phẫn nộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko tuyên bố vẫn cử các quan chức đến Văn phòng Thương hiệu và Sáng chế Mỹ để "kiểm tra cẩn thận" và "trao đổi quan điểm đúng đắn".

Tin, bài liên quan:

Kim Kardashian chuẩn bị có con thứ tư

Kim Kardashian được cho là gương mặt đại diện thương hiệu rủi ro nhất

Kim Kardashian và phút trải lòng về việc nuôi ba đứa con

Nhật Bản sẽ cử các quan chức về thương hiệu và sáng chế đến Mỹ vào ngày 9/7 để thảo luận về thương hiệu đồ lót gây tranh cãi mang tên Kimono của ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian West. Ông Seko nói: "Kimono được khắp thế giới coi là một phần đặc trưng trong văn hóa của chúng tôi. Ngay cả ở Mỹ, Kimono cũng được biết đến rộng rãi là của người Nhật".

Trong khi đó, thông báo trên Twitter và Instagram, cô Kim “siêu vòng 3” cho biết cô sẽ ra mắt thương hiệu nội y của mình dưới một cái tên mới "sau khi suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận". Kim Kardashian đã đăng ký nhãn hiệu Kimono vào năm ngoái tại Mỹ. Cô cũng đăng ký nhãn hiệu khác như "Kimono Body", "Kimono Intimates", và "Kimono World".

Trước đó, ngày 25/6, ngôi sao truyền hình thực tế đã cho ra mắt bộ sưu tập đồ lót định hình nhằm "tôn vinh hình thể và đường cong của phụ nữ" có tên "Kimono". Việc này khiến người dân Nhật Bản trên toàn thế giới phẫn nộ, cho rằng cô Kim không tôn trọng trang phục truyền thống của nước Nhật. Nhiều người bày tỏ sự bất bình bằng cách sử dụng hashtag #KimOhNo trên Twitter.

Ông Daisaku Kadokawa, Thị trưởng thành phố Kyoto đã viết một bức thư tới Kardashian kêu gọi cô xem xét lại việc đặt tên thương hiệu. "Chúng tôi nghĩ rằng tên gọi 'kimono' là tài sản chung của tất cả nhân loại thế giới yêu thích kimono và văn hóa của nó, do đó họ không nên độc chiếm" - ông Kadokawa viết.

Kimono là quốc phục của Nhật Bản, có từ thế kỷ 15, chủ yếu được mặc trong những dịp trang trọng, đặc biệt. Người dân đất nước hoa anh đào cho rằng cô Kim đã "chơi khôn" chọn tên thương hiệu trùng với tên một trang phục truyền thống có sức nặng văn hóa tuy nhiên, họ khó chịu vì trang phục được mình yêu thích, trân trọng lại trùng tên với thương hiệu đồ lót.