Duyên Dáng Việt Nam

Rượu có tiềm ẩn của bệnh ung thư

T.L • 06-01-2018 • Lượt xem: 1047
Rượu có tiềm ẩn của bệnh ung thư

Cho đến nay người ta còn chưa hiểu biết một cách đầy đủ về cơ chế tác dụng gây ung thư của rượu. Tuy nhiên, người ta đã tìm ra những bằng chứng rằng rượu có khả năng gây ra các loại ung thư khác nhau theo những cách khác nhau.

Rượu được biết là nguyên nhân gây nên ít nhất 7 loại ung thư, gồm: Miệng - họng, thực quản, vú, gan, đại trực tràng, dạ dày. Ngoài ra, rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt và tụy. 

+ Đối với ung thư đại trực tràng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nghiện rượu nặng nhất (uống trên 4 ly một ngày) có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên gấp rưỡi so với người không uống. Ngay cả những người chỉ uống một lượng nhỏ rượu (2 đơn vị/ ngày: khoảng nửa lít bia hoặc 1 cốc lớn rượu vang) cũng có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 9 % so với người không uống rượu.

+ Đối với ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu/ ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối với các ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống; thậm chí, người chỉ không quá một ly/ ngày cũng có một nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.

+ Đối với ung thư gan, rượu là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư gan. Uống nhiều rượu có thể dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm tăng nguy cơ ung thư gan. Đồng thời, rượu cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ ung thư gan ở những người bị viêm gan B hay C, những người vốn đã có nguy cơ ung thư cao hơn. Vì vậy, những người bị nhiễm khuẩn nên tuyệt đối tránh uống rượu.

+ Đối với ung thư vú, người thường xuyên uống một lượng nhỏ rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một phụ nữ uống khoảng 1,5 đơn vị ethanol/ ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 5%; cứ uống thêm 10g rượu/ ngày thì nguy cơ ung thư vú tăng thêm khoảng 7-12%. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rượu không liên quan đến ung thư vú ở nam giới.

+ Đối với phụ nữ mang thai, một số nghiên cứu cho thấy con cái của những phụ nữ uống rượu trong khi mang thai có nguy cơ cao mắc ung thư bạch cầu (Leukaemia) (Latino-Martel P, 2010) [8]. Vì vậy, phụ nữ có thai nên tránh uống rượu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sau đó có thể uống một  hoặc hai lần một tuần với rượu vang, đặc biệt nên tránh uống rượu đến say.


Trước khi uống, hãy nắm chắc những điều kiêng kị về rượu - Ảnh: Internet

 Cơ chế gây ung thư của rượu

+ Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư. Khi được uống vào cơ thể, dưới tác dụng của các enzym alcohol dehydrogenase, cytochrome P4502E1 và catalase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư (carcinogen). Acetaldehyd có thể gây ung thư bằng cách gây tổn thương DNA bằng cách tạo nên các liên kết ngang của DNA và ngăn không cho DNA được tế bào sửa chữa. Việc uống rượu làm tăng đáng kể mức độ acetaldehyde  trong nước bọt, làm tăng mức độ tổn thương của DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên của người sau khi uống rượu, từ đó dẫn đến ung thư các vị trí này (Balbo S, 2012) [2].  

+ Rượu có thể làm tăng mức độ hormone estrogen: alcohol có thể làm tăng mức độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống isulin type 1 IGF-1R (Type 1 insulin-like growth factor receptors), từ đó kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú, có thể dẫn đến ung thư vú [7]. 

+ Rượu gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan. Uống nhiều rượu có thể làm tổn thương các tế bào gan, gây nên xơ gan, từ đó có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan (Stickel F, 2002 [12].

+ Rượu làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư. Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hóa chất gây ung thư thấm vào cơ thể, chẳng hạn đối với những người hút thuốc lá, bản thân khói thuốc lá là một yếu tố gây ung thư mạnh với trên 70 chất gây ung thư. Ở người hút thuốc lá, rượu có tác dụng làm tăng cường khả năng hấp thu các chất gây ung thư của thuốc lá vào cơ thể, làm tăng hơn nữa nguy cơ gây ung thư của thuốc lá (Howie N, 2001) [6].

+ Rượu làm giảm lượng folate trong máu. Alcohol là một chất đối kháng (antagonist) của folate, làm thay đổi chuyển hóa của folate. Sự kém hấp thụ folate do tương tác với ethanol gây trở ngại cho sự methyl hóa của DNA, từ đó có thể dẫn đến ung thư (Giovannucci E, 2002) [5]. 

+ Rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử có hoạt tính cao. Rượu cũng có thể kích thích cơ thể sinh ra các phân tử có hoạt tính cao được gọi là các gốc tự do (free radicals) và các dạng oxy hoạt động ROS (Reactive Oxygen Species), đặc biệt là ở gan (Stickel F, 2002 [12], Boffetta P, 2006 [3]). Những phân tử có hoạt tính cao này thường được giữ ở mức thấp, nhưng khi nồng độ ROS tăng cao thường gây tổn hại cho DNA của tế bào và có thể dẫn đến ung thư.