Duyên Dáng Việt Nam

Sân khấu cải lương 'nhớ' khán giả

DDVN • 05-11-2021 • Lượt xem: 721
Sân khấu cải lương 'nhớ' khán giả

Nhớ sân khấu, nhớ khán giả, thèm được biểu diễn là những cảm xúc có thể “phát ra tiếng” của các nghệ sĩ Đoàn II Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang khi diễn báo cáo bản dựng mới vở cải lương “Đứa con họ Triệu” (tác giả: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Trung Thảo).


Dù cách một lớp khẩu trang, phần trình diễn của người nghệ sĩ vẫn chạm đến cảm xúc người xem

Cần “giữ lửa” cho nghệ sĩ

“Không nhớ bao lâu rồi mới lại ngồi trong rạp coi trọn vẹn một vở tuồng như thế này, tự dưng cảm động đến rơi nước mắt” - lời bộc bạch của một nghệ sĩ dù không tham gia ê-kíp biểu diễn chính là tâm trạng chung của người làm nghề sau thời gian dài được trở lại với sàn diễn.

Cũng thật khó diễn tả không khí của buổi diễn khi những công chúa, phò mã, gian thần, hiền nhân… vận xiêm y rực rỡ lại phải đeo khẩu trang y tế. Ấy vậy mà lời vọng cổ vẫn cất lên da diết, các làn điệu vẫn mượt mà, những khoảnh khắc khóc cười vẫn đong đầy.


Vừa đeo khẩu trang vừa lên vọng cổ cũng là một thử thách cho thể lực người nghệ sĩ

Nghệ sĩ Minh Hòa cho biết “mệt muốn xỉu” nhưng “hạnh phúc lắm” vì: “anh em nghệ sĩ giờ phút này còn được đứng trên sân khấu đã là may mắn, được sống cùng nhân vật của mình trong hoàn cảnh đặc biệt thế này cũng là một kỷ niệm thật khó quên”.

NSƯT Lê Hồng Thắm, Trưởng đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết, việc dựng mới kịch bản Đứa con họ Triệu (ra mắt từ năm 2009) thực hiện theo kế hoạch năm 2021 của Nhà hát, đồng thời tạo cơ hội cho các diễn viên trẻ có vai diễn mới. “Tình hình sân khấu khó khăn, thời gian dịch bệnh kéo dài, các diễn viên trẻ khá thiệt thòi do chưa có được vai diễn hay. Lần này, chúng tôi đổi mới khoảng 50% ê-kíp biểu diễn, mạnh dạn giao vai cho các em có cơ hội rèn luyện nhiều hơn”, NSƯT Lê Hồng Thắm cho biết.


NSƯT Lê Tứ, cùng với các NSƯT Tú Sương, Thy Trang, nghệ sĩ Võ Minh Lâm từ ê-kíp cũ, là điểm tựa cho các diễn viên trẻ thêm tự tin trên sàn diễn

NSƯT Lê Tứ cho rằng Đứa con họ Triệu với cao trào kịch tính trong từng lớp diễn lẫn tâm lý sâu sắc, tinh tế của từng nhân vật rất phù hợp để “truyền nghề”. Như trước đây, chính những Lê Tứ, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Lê Trung Thảo, Thy Trang, Hoài Nam, Thy Phương, Hà Như, Quỳnh Khôi… cũng đã trưởng thành vững vàng và được khán giả yêu mến rất nhiều qua Đứa con họ Triệu.

Hôm nay, ở bản dựng mới, Lê Tứ là một trong những “người cũ” còn ở lại để làm điểm tựa cho các diễn viên trẻ. “Không ai tự nhiên mà hay cả, cùng là vai Trình Anh tôi diễn đã hơn 10 năm nay, lần này chắc chắn rất khác so với lần đầu. Ngày trước có thể khoe sức trẻ cho thỏa thích nhưng bây giờ thì lại lắng đọng cùng nhân vật nhiều hơn. Các bạn trẻ cũng vậy, có thể còn va vấp, chưa được hay nhưng phải được diễn, diễn nhiều thì mới tiến bộ”, NSƯT Lê Tứ chia sẻ.

Ê-kíp diễn viên mới:  Thu Vân, Hoàng Hải, Hoàng Minh (Nguyễn Văn Mẹo), Văn Hợp… đều rất trân trọng cơ hội này. Đây không chỉ là sàn diễn chất lượng đầu tiên trở lại sau những ngày giãn cách mà còn là cơ hội có được vai diễn hay để tạo dấu ấn cho những nghệ sĩ trẻ - điều không hề dễ dàng trong giai đoạn hiện nay.


Đạo diễn - NSƯT Lê Trung Thảo cũng đã tự làm mới mình qua phần dàn dựng tạo thêm không gian biểu diễn cho người nghệ sĩ.

An toàn vẫn là trên hết

Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Phan Quốc Kiệt cho biết vẫn chưa thể xác định được lịch diễn. Hiện tại chỉ tập trung hoàn thành kế hoạch trong năm, triển khai tập vở trong điều kiện cho phép, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trở lại khi nghệ sĩ và cả khán giả đều có cảm giác thật an toàn.

Thời gian qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chủ động triển khai nghiêm ngặt các quy trình phòng, chống dịch, như: người đến Nhà hát phải tiêm đủ 2 liều vắc xin, cập nhật danh sách ra vào Nhà hát hàng ngày (ê-kíp các vở diễn với đầy đủ diễn viên, nhạc công, vũ đoàn, quân sĩ, người làm phục trang…), khai báo y tế điện tử và đo thân nhiệt từ cổng vào, tập tuồng hay chạy vở đều phải đeo khẩu trang. Thậm chí tính đến cả phương án thực hiện test nhanh cho diễn viên khi chạy vở.


Sân khấu Chí Linh - Vân Hà với lực lượng nòng cốt gồm nhiều nghệ sĩ trẻ, triển vọng có thể tái ngộ khán giả trong năm 2022 - Ảnh: Ngọc Vân

Tương tự, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà cũng đặt yêu cầu an toàn lên trên hết. Nghệ sĩ Chí Linh cho biết, thời gian nghỉ dài như thế là cú sốc tâm lý cho người nghệ sĩ, việc trở lại là rất khó khăn và buộc phải nỗ lực hơn rất nhiều để có thể tồn tại. Tuy nhiên, không vì thế mà lại vội vàng, chủ quan.

“Hiện tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh đang có xu hướng bùng dịch, tình hình giao thông vẫn chưa thông suốt giữa các địa phương. Sân khấu của chúng tôi cũng có một bộ phận khán giả từ các tỉnh, thậm chí là ở Hà Nội bay vào. Nếu tình hình tiến triển khả quan thì phải sang năm, chúng tôi mới có thể trở lại, trước mắt là mùa diễn Tết Nguyên đán 2022”, nghệ sĩ Chí Linh chia sẻ.


Phiên bản mới của vở cải lương thể nghiệm Nhật thực sẽ ra mắt trên Sân khấu Sen Việt vào cuối năm 2021

Riêng “ông bầu” Lê Nguyên Đạt của Sân khấu Sen Việt thì đã khởi động lại các dự án dang dở cũng như bắt tay vào các dự án mới trải dài sang năm 2022. “Chúng ta không thể dừng lại mãi được, phải thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới” thôi. Người làm sân khấu Sài Gòn - TPHCM vốn rất năng động, chỉ cần họ muốn là có thể bằng mọi cách để vượt qua khó khăn”. NSƯT - đạo diễn Nguyên Đạt cho biết Sân khấu Sen Việt dự kiến biểu diễn lại vào cuối tháng 11 với quy mô ban đầu chỉ cho khoảng 30 khách/suất diễn và “tùy theo tình hình” mà dần mở rộng lên 50 khách/suất.

Ngoài  việc  tái diễn các kịch bản sẵn có, đạo diễn Nguyên Đạt cho biết sẽ trình làng phiên bản mới của vở cải lương thể nghiệm “Nhật thực”, đây cũng là vở diễn dự kiến sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu châu Á tại Hàn Quốc vào tháng 5/2022. Sân khấu Sen Việt cũng lên kế hoạch cho chương trình Tết 2022 bằng  vở ca múa nhạc kịch dân gian, với nòng cốt là các diễn viên trẻ.


Nhiều khán giả trung thành của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ vẫn giữ vé, chờ ngày được trở lại với vở "Lưu Bị cầu hôn giang tả".

Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ cũng nỗ lực để có thể đưa vở cải lương “Lưu Bị cầu hôn giang tả” tái ngộ khán giả trong thời gian sớm nhất. Vở chỉ diễn được 1 suất đánh dấu sự “hồi sinh” của bảng hiệu Minh Tơ lừng lẫy một thời sau gần 30 năm vắng bóng đã phải ngừng diễn vì đợt bùng dịch thứ 4. Đồng thời tiếp tục dàn dựng một kịch bản gắn liền với thương hiệu Minh Tơ là “Tô Hiến Thành xử án”…

Dù rất nhớ khán giả nhưng lúc này nhiều sân khấu chỉ có thể chờ ngày tái ngộ vào một thời điểm phù hợp nhất. Đôi khi chờ đợi cũng có mị lực để khi gặp lại cả người trên sân khấu lẫn dưới khán phòng đều càng trân trọng và nỗ lực giữ gìn mối quan hệ tri âm tri kỷ tuyệt đẹp đó!  

Theo Đông A/Phunuonline.com.vn