Duyên Dáng Việt Nam

Sẽ như thế nào nếu cây rừng trên thế giới trẻ hóa?

Hoài Bảo • 23-11-2020 • Lượt xem: 1410
Sẽ như thế nào nếu cây rừng trên thế giới trẻ hóa?

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng muốn có khả năng trẻ hóa, lúc đó ta sẽ có lại rất nhiều sức khỏe và thời gian, tuy nhiên, cây rừng thì lại không như vậy. Khi cây rừng trên khắp thế giới bị trẻ hóa thì sẽ có rất nhiều hậu quả khủng khiếp.

Cây cối trong các khu rừng trên khắp thế giới ngày càng trẻ và ngắn đi bới tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra cùng với các tác nhân môi trường khác.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, việc nhiệt độ toàn cầu và nồng độ CO2 trong khí quyển ngày càng tăng, kết hợp với sự biến đổi trong môi trường và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc rừng của hành tinh “xanh”.

Những thay đổi này khiến các khu rừng già đặc biệt dễ bị tổn thương. Trong quá trình tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã ghi lại các dữ liêu được đo bằng vệ tinh về rừng toàn cầu và cùng với một cuộc khảo sát các tài liệu khoa học về “sức khỏe” của rừng trong vài thập kỷ qua.

Nghiên cứu của họ cho thấy tỷ lệ chết của những cây già tăng lên khiến nhiều khu rừng dần bị chiếm lĩnh bởi những cây trẻ với kích thước nhỏ cũng như chiều cao thấp.

“Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục với sự ấm lên toàn cầu” – ông Nate McDowell - tác giả chính của nghiên cứu và là một nhà khoa học về trái đất thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương - cho biết.

Ông McDowell cho biết: “Một hành tinh trong tương lai với ít rừng già rộng lớn hơn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đã quen thuộc. Rừng già thường có tính đa dạng sinh học cao hơn cũng như khả năng điều hòa khí hậu tốt hơn rừng trẻ”.

Theo nghiên cứu, việc chặt phá, đốt rừng, côn trùng và dịch bệnh đã làm mất đi sự ổn định các khu rừng trên toàn cầu, làm tăng tỷ lệ cây chết và giảm sinh khối chung của các khu rừng toàn cầu. Những thay đổi môi trường sống hiện nay đặc biệt có hại cho sự phát triển già cỗi đồng thời tạo cơ hội cho cây non.

“Tỷ lệ chết của cây lâu năm đang tăng lên ở hầu hết các khu vực, trong khi quá trình tái tạo cũng như sinh trường của cây non không theo kịp tốc độ này, dẫn đến sự suy giảm thực sự về tầm vóc của các khu rừng.” - Ông McDowell cho biết.

“Thật không may, các tác nhân gây chết cây như nhiệt độ tăng và những sự kiện như cháy rừng và bùng phát côn trùng đang gia tăng và dự kiến sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn trong thế kỷ tới” - ông McDowell nói thêm. "Vì vậy, sự suy giảm tuổi và chiều cao rừng trung bình đã và đang là một vấn đề nan giải và chúng có thể sẽ tiếp tục xảy ra".

Khi rừng trải qua những thay đổi mạnh mẽ về thành phần của chúng, sẽ khiến cho toàn bộ hệ sinh thái trở nên mất ổn định, đe dọa các loài thực vật khác và động vật cư trú ở đó.

Mối đe dọa đối với sức khỏe rừng cũng là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, và nghiên cứu cho thấy đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu - hai trong số tác động sinh thái quan trọng nhất của những cánh rừng. Rừng già, là những đối tượng bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và các hoạt động có hại khác của con người, nơi có tính đa dạng sinh học cao vì vậy chúng ta nên có sự quan tâm nhất định đến vấn đề này.

(Theo Upi)