Duyên Dáng Việt Nam

'Sinh viên ra trường chỉ muốn làm sếp, không muốn làm nhân viên'

Trang Nhung • 04-12-2017 • Lượt xem: 19944
'Sinh viên ra trường chỉ muốn làm sếp, không muốn làm nhân viên'

Nhận xét việc giới trẻ Việt Nam hiện nay còn đang ngộ nhận về khởi nghiệp, chỉ muốn làm sếp, làm chủ dù chưa có kinh nghiệm, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng cách hiểu về khởi nghiệp ở đây còn rất mông lung, phiến diện và hời hợt.

Việt Nam chưa tạo được “quả đấm” chiến lược về khởi nghiệp

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam vừa có buổi trò chuyện với nhiều bạn trẻ trong chương trình tọa đàm với chủ đề “Câu chuyện khởi nghiệp của một người xa xứ” vừa diễn ra ngày 2.12 tại TP.HCM.

Chương trình nằm trong Hành trình Lập chí Vĩ đại – Khởi nghiệp Kiến quốc cho Thanh niên Việt do Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức.

Buổi tọa đàm do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì. Ngoài ra còn có sự tham dự của ông Dung Tấn Trung, Tổng Giám đốc iCare Benefits.

Các khách mời trao đổi trong buổi tọa đàm “Câu chuyện khởi nghiệp của một người xa xứ”

Với câu hỏi “Việt Nam có nên cố gắng để trở thành một quốc gia khởi nghiệp hay không?”, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: “Nếu có tham vọng khởi nghiệp thì phải có Việt Nam nằm trong đó. Đây phải là tham vọng của cả nước, của dân tộc và cả lãnh đạo. Tiếc rằng chúng ta chưa tạo được ‘quả đấm’ rõ ràng, chiến lược.

Một quốc gia khởi nghiệp phải được dựa trên cơ sở lực đẩy mãnh liệt từ dưới đi lên. Và khởi nghiệp cá nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Ở nước ta, cách hiểu về khởi nghiệp còn rất mông lung, phiến diện và hời hợt”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh phân tích thực tế khởi nghiệp hiện nay ở nước ta

Bà chưa đánh giá cao phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam hiện  nay. Qua rất nhiều các cuộc thi khởi nghiệp đang phát triển rầm rộ, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho thấy: “Nhiều bạn trẻ còn đang bị ngộ nhận về động lực cá nhân. Ra trường là chỉ muốn làm sếp chứ không muốn làm nhân viên. Và nghĩ rằng như thế mới là khởi nghiệp”.

Khởi nghiệp bằng doanh nghiệp xã hội sẽ khó khăn hơn

Câu chuyện của Tổng Giám đốc iCare Benefits Dung Tấn Trung cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trong buổi tọa đàm.

Trở thành tỷ phú khi mới 33 tuổi, câu chuyện khởi nghiệp của ông được coi như một huyền thoại trong giới công nghệ cao ở Mỹ, và trở thành đề tài cho nhiều bài viết của những tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle... Ông cũng đã được chọn là 1 trong 17 tấm gương thành công của người nhập cư tại nước Mỹ trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ” của Dan Rather.

Tuy nhiên, sau đó doanh nhân này lại lựa chọn trở về Việt Nam để sáng lập iCare Benefits. Đây là một doanh nghiệp xã hội chuyên cung cấp “chương trình phúc lợi nhân viên” cho các khách hàng doanh nghiệp với gần 900 công ty trong nước tham gia.

Doanh nhân Dung Tấn Trung chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân

Theo quan điểm của ông Trung, để được xem là một doanh nghiệp xã hội cần phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: đối tượng hướng tới là những người có thu nhập tầm trung và thấp, doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận và các giá trị tạo ra phải có tính bền vững, lâu dài.

ICare Benefits cung cấp cho công nhân của các công ty một khoản tín dụng (hạn mức tiêu dùng) để khi mua một món đồ thông qua hệ thống có thể sẽ được trả chậm trong vòng 5 – 6 tháng không lãi suất, và được mua với giá thị trường.

Thay vì lựa chọn khởi nghiệp truyền thống, ông Trung đã lựa chọn khởi nghiệp bằng một doanh nghiệp xã hội, hướng tới phân khúc khách hàng có mức thu nhập trung và thấp. Đây là cách khởi nghiệp khó khăn hơn, thế nhưng những giá trị mà doanh nhân này mang lại cho xã hội rất đáng công nhận, giúp nâng cao chất lượng sống cho hàng triệu gia đình công nhân không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới.

Trước câu hỏi “Khởi nghiệp ở nước ngoài hay Việt Nam, ở đâu sẽ khó khăn hơn?”, ông Trung cho biết: “Đã là khởi nghiệp thì ở đâu cũng khó cả. Vì bản chất của khởi nghiệp là tạo ra giá trị mới. Chúng ta phải biết giá trị tạo ra là gì, có mới không và khác biệt như thế nào so với những thứ khác?”.

Doanh nhân Dung Tấn Trung không khuyến khích các bạn khởi nghiệp khi còn quá trẻ. Ông dành lời khuyên cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân nên học chuyên sâu về một lĩnh vực mà mình đam mê để có kiến thức thật căn bản, sau đó đi làm cho những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực đó. Điều này nhằm tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế giúp quá trình khởi nghiệp mang lại kết quả tốt hơn.

Hành trình Lập chí Vĩ đại - Khởi nghiệp Kiến quốc cho thanh niên Việt là hành trình do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng và triển khai từ năm 2012 đến nay. Hơn 2 triệu cuốn sách đã được trao tặng đến các tầng lớp thanh niên trên khắp cả nước. Hành trình cũng đã hỗ trợ nhiều chương trình khởi nghiệp và kết nối nhiều nhân vật truyền cảm hứng trong và ngoài nước. Mong muốn lớn nhất của Hành trình là chia sẻ Hệ thức thành công với 5 yếu tố: Khát vọng lớn - Xác định năng lực lõi - Lập kế hoạch thực thi - Kết nối nguồn lực - Dám thách thức thất bại, được đúc kết trong những cuốn sách của Tủ sách nền tảng đổi đời nhằm giúp các bạn trẻ định hướng được hướng đi và vững bước trên con đường đến với thành công.
Trong thời gian sắp tới, Trung Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan uy tín để đưa Hành trình Lập chí Vĩ đại - Khởi nghiệp Kiến quốc cho thanh niên Việt đến các trường đại học - cao đẳng trong cả nước. Các chương trình giao lưu - tọa đàm với các diễn giả và khách mời nổi tiếng nhằm chia sẻ những câu chuyện thành công, những kinh nghiệm thực tế và truyền cảm hứng cũng như định hướng khởi nghiệp cho các bạn trẻ cũng đang được diễn ra định kỳ vào các sáng thứ bảy hằng tuần tại các không gian Trung Nguyen Legend và Cà Phê Thứ Bảy ở TP.HCM và Hà Nội.