Đò đưa

Sơn Núi, chuyện đời quái dị và những câu thơ huyền thoại

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 29-07-2019 • Lượt xem: 14653
Sơn Núi, chuyện đời quái dị và những câu thơ huyền thoại

Tối Chủ nhật 28/7, trên facebook lan truyền thông tin nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, biệt danh Sơn Núi từ lâu đã lâm trọng bệnh và lần này trở nặng. Gia đình phải đưa ông từ Bảo Lộc lên bệnh viện Đà Lạt để có thể chữa trị tốt hơn. Ông sinh năm 1937. Như vậy, năm nay lão thi sĩ cũng đã ở tuổi 82. Những câu thơ và câu chuyện kỳ dị về cuộc đời ông vẫn còn đó…

Tin, bài liên quan:

‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’

Nhà văn nhìn từ phía sau lưng

Trần Vũ - phép lạ của văn chương (Kỳ 1)

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Tôi chưa gặp nhà thơ Nguyễn Đức Sơn nhưng tôi khá thân với nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Vân, tức Đại đức Thích Giới Lực, con trai ông. Tình bạn giữa hai chúng tôi cũng đã được gần hai mươi năm. Phải nói ngay rằng giống như cha mình, nổi tiếng lập dị và quái cuồng, Vân cũng điên rồ, “tiếu ngạo” không kém. Anh muốn lặp lại một phiên bản như cha ở trong nghệ thuật, thi ca. Khi Vân về Sài Gòn là quậy tưng bừng với thơ nhạc và chuyện trồng sim, tạc thơ vào đá núi. Tuy vậy, càng về sau, Nguyễn Đức Vân càng tỉnh lại. Giống như anh nghiệm ra một điều gì đó như không thể có thêm một “Sơn Núi” thứ hai được. Hoặc “toát ý” một điều gì cao siêu hơn “Mở miệng ra là đã sai” như lời dạy của Phật tổ. 

Chân dung thi sĩ Nguyễn Đức Sơn - Sơn dầu của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Nhà thơ Sơn Núi và nhà văn Trần Trung Sáng

Còn nhớ lần cuối chúng tôi đã cãi nhau suốt buổi bởi hiểu như thế nào những câu "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan". Phải chăng Kinh mà giải nghĩa từng chữ, từng lời thì oan cho chư Phật ba đời? Cần phải xem xét ý tứ trong cảnh giới thế nào đã! Hay câu "Ly kinh nhất tự, tất đồng ma thuyết". Nếu bỏ đi một chữ trong kinh thì tất thành điều ma nói. Rồi những câu “tháo khẩu” cửa miệng "Phật phật Ma ma, Ma ma Phật phật". Liệu có đúng xem xét văn chương, thi ca thì không nên chấp nhặt vào lời và cũng không nên lìa lời để xét đoán chân lý? Lúc đầu Vân tỏ vẻ không đồng ý với nhiều quan điểm của tôi. Thậm chí, Vân nổi giận lôi đình và đùng đùng quay lưng đoài đõa bỏ đi “bất phục phản”.

Hai cha con thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Đức Vân trên đồi sim cao dao (Ảnh: Trần Nguyên Anh)

Chúng tôi không gặp nhau suốt một gian dài chừng ba năm. Tôi vẫn dõi theo Vân. Sau khi in 2 tập thơ và ra mắt 2 CD nhạc (2 tập thơ "Người đẹp", "Cánh hoa vừa hé" và 2 CD “Đồi trăng Phương Bối”, “Màu yêu thương), Vân đã lui hẳn về núi. Anh không còn xuống Sài Gòn nữa. Anh lập một ngôi chùa trên đồi vắng Bảo Lộc trồng sim và tu hành nghiêm cẩn. Trong thời gian đó, ông Sơn Núi có gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm. Ông nói “Tôi nghe giang hồ đồn ông làm thơ cũng có tiếng lắm, vậy ông có hiểu thơ là thế nào không?”. Nhưng không để tôi trả lời, ông vặn luôn: “- Những câu này có phải là thơ không?”. Rồi cao hứng đọc oang oang trong điện thoại: “Sáng mênh mông/ Ta đi dạo/ Giữa vườn hồng/ Ồ bông/ Ồ mộng/ Ồ không...”. Và ông cúp máy. Vẫn không cho tôi nói gì cả. Sau đó một thời gian tôi mới ngộ ra. Tôi đã hiểu thơ thêm một cấp bậc khác. Đó là mấy chữ “bông”, “hồng”, “mộng” và “không”. Bài thơ hay rốt cuộc rồi vẫn… không thấy gì cả, không là gì cả! Nhưng làm thơ thì cứ làm thế thôi! Sơn Núi đã khiến tôi toát máu lạnh!

*

Sơn Núi và nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan

Thơ Nguyễn Đức Sơn hầu hết đều “về không” như thế! Bậc cao thủ chạm tay tới ngôn ngữ. Xuất chiêu. Rồi vẩy tay bỏ đi. Chạm như không chạm. Nhưng đã toát ý, đã chạm tới “Tính không”. Ông Phạm Công Thiện thường viết là “Tánh không”. Cảnh giới Tánh không! 

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

Bài thơ viết tưởng dễ dàng như đang đi chơi vậy. Ngao du sơn thủy. Đi ra đi vô. Luồn núi. Gặp bãi. Và câu chốt hạ: “Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô” rụng rời kinh hãi! Không “tánh không” là gì?
Tuệ Sỹ có một phát hiện về thơ Nguyễn Đức Sơn độc đáo, riêng một. Có lẽ chỉ duy nhất ông nhìn thấy do soi rọi ngôn ngữ thơ qua lăng kính triết học Phật giáo: “Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh  (Sơn Núi) với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? Làm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai”. Thân người, lạ bóng! Từ cổ chí kim tôi đọc chưa ai viết như thế! Chỉ có Tuệ Sỹ viết về thơ Sơn Núi và đọc ra như vậy quả là hết sức kính nể! 
Bửu Ý trong một tự truyện đăng trên Văn năm 1973 đã viết về Sơn Núi là “hình ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi. Húc bừa về phía trước không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Thêm thù và bớt bạn. Đơn độc quắt queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển…”. 
*

Cũng qua Nguyễn Đức Vân, thời giang hồ tung tẩy cách đây gần hai mươi năm, tôi cũng được biết khá nhiều chuyện lạ về thi sĩ Sơn Núi và gia đình. Hai ông bà Sơn - Phượng có chín người con, bảy trai, hai gái. Theo trình tự là Thạch, Vân, Thảo, Thủy, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê. Không một người con nào được cho đi học cả! Sống thuần du với mây trời và gió núi.
Một người bạn thơ của tôi và Vân là nữ sĩ Hàm Anh, tác giả của các thi phẩm “Màu tự nhiên”, “Gọi tháng Ba” trong một mùa hè lặn lội từ Hà Nội vào Bảo Lộc - Phương Bối thăm Vân và gia đình đã viết lại rất xúc động trên facbook như sau: 
Những đứa trẻ lớn lên cũng hoang dại như núi rừng, không cách chi sinh sống đươc nên tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Ngoại trừ Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình, Thảo nằm kia từ lâu lắm, nấm mồ chơ vơ trên ngọn đồi yên ả mây bay. Vân từ chối cơ hội sang Pháp tu học, tạm quay về để gom tất cả bốn người em trai, nuôi ăn học lại dưới một mái nhà tại chân Phương Bối. Trong đó, Thủy đang theo học cao cấp Phật học tại Sài Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà theo thế học”. (Mùa hạ về Phương Bối). 
Sơn Núi đoạn tuyệt một cách nghiệt ngã với những gì ông khinh rẻ và chối từ. Cho dù có thể đã từng có một quá khứ huy hoàng thì tương lai cũng khó chấp nhận một sự rũ bỏ quyết liệt, hủy hoại đến như vậy. Những người con của ông có trách cha không? Có! Thi sĩ, nhạc sĩ tài năng Nguyễn Đức Vân cách đây hai mươi năm đã nói với tôi như vậy! Nhưng bây giờ có thể đã khác!  

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn - Họa sĩ Đinh Cường vẽ

Một lần chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê quen gần Hồ con rùa, Vân có đưa cho tôi và thi sĩ Trần Nguyên Anh xem một số thi tập đã xuất bản của cha anh trước 1975 như “Đêm nguyệt động”. Tôi tìm thấy lá  thư gửi cha của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn viết từ Blao đề ngày 19/8/1972 thay lời tựa cho tập thơ “Tịnh Khẩu”. Thư viết:  
Con, một thằng sống bằng lửa tịch mịch, bằng hơi lạnh thiên thu. Đến cả mộng mơ đích thực còn không có, hay chỉ có toàn là mộng không…”.
Lại Tánh Không!
*
Bởi vậy, thơ ca Việt Nam ít ai có một đời sống “du du vân vân” như Nguyễn Đức Sơn. Ông sống một đời ở rừng núi Bảo Lộc nhưng lạc phách trong cõi mộng của thơ. Thơ luôn là ẩn ngữ huyền nhiệm cần phải giải mã của đời ông!
“Đi thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh” là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Đức Sơn nhưng rất ít người biết vì chưa từng được công bố trên báo chí, truyền thông. Bài thơ được truyền khẩu trong bạn bè. Tôi được nghe bài này do nhà văn Nguyễn Đạt, một trong số ít cây bút viết rất hay về vùng đồi núi cao nguyên Đà Lạt và cũng là một người yêu thơ Sơn Núi đọc cho nghe. Anh Đạt có một giọng đọc thơ thổ trầm, ấm, vang và sâu nghe hút lòng như đang lạc vào những vầng khói tỏa mờ trên chén rượu trong một khuya mưa. Bài thơ này kỳ lạ đến mức lúc nào cũng khiến kẻ đối ẩm sởn gáy, tê cứng!

Nghe nhà văn Nguyễn Đạt đọc bài thơ "Đi thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh" của Nguyễn Đức Sơn. Từ trái qua, các nhà thơ: Đinh Linh, Vi Ký, Ý Nhi, Nguyễn Đạt, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Hương, Nguyễn Quốc Chánh và tác giả. (Ảnh: Hoàng Thu An)

Lần mới nhất anh Đạt đọc cho chúng tôi nghe gần đây thôi. Giữa tháng 6/2019. Rất có ý nghĩa. Đó là lần chúng tôi tình cờ gặp lại ngồi với nhau giữa Sài Gòn bụi bặm. Khi nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh từ Vũng Tàu lên đón nữ sĩ, dịch giả Nguyễn Hương, cũng là giảng viên thỉnh giảng Đại học từ Mỹ về. Là Đinh Linh, một đột phá của thơ, là “cái que ngôn ngữ” cháy kỳ dị liên lục địa trong đêm tối. Bởi, Linh là nhà thơ Mỹ gốc Việt, hai lần đoạt giải những bài thơ hay của nước Mỹ (Best American Poetry 2000, Best American Poetry 2004, Great American Prose Poems from Poe to the Present). Nhưng từ hai năm nay anh đã chọn Việt Nam làm đất sống để viết. Là Nguyễn Tấn Cứ, Vi Ký & Ý Nhi, là Lý Đợi, là An… Là một lần nữa chúng tôi nghe nhà văn Nguyễn Đạt “nơi giá băng”, giọng thổ đọc thơ Nguyễn Đức Sơn. Là Sơn Núi, con tê giác cuối cùng dựng bờm húc vào đá. Ai đó nói, hình như Rimbaud thì phải, thi sĩ là kẻ đắm tàu, là kẻ tiên tri…
Đêm qua, tin báo của bạn bè, lão thi sĩ bệnh nặng từ Bảo Lộc đã chuyển lên Đà Lạt để tìm sự sống. Vẫn có những người mẹ trên giường sinh, những hài nhi như thần đồng ra đời. Những đứa trẻ sắp đẻ ở Di Linh…  Buồn ứa nước mắt!
Dòng cuối bài viết này, tôi muốn gửi hai câu thơ của Sơn Núi cho Nguyễn Đức Vân, người bạn tài hoa thơ - nhạc của tôi. Hai câu thơ của thân phụ anh, Nguyễn Đức Sơn:

Một ngàn tư tưởng xa xôi
rừng cao một khoảnh cha ngồi ru con

 

Tình của người cha xa xôi, như vầng mây ấm, Vân ơi!...   

*

Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh 

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát

Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm

Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một đĩa hát cũ
Oh my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá

Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân

Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
 
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết 

Nguyễn Đức Sơn

Nguyễn Đức Sơn là nhà thơ quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông được giới văn nghệ yêu nước miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong 3 kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện).
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận.Bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Tuổi còn trẻ nhưng thơ đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình. 
Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi. 
Các tác phẩm của ông: 3 tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang (chưa in). Thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966), Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập cuối cùng là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973).