VĂN HÓA

‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’

Đông Dương • 26-07-2019 • Lượt xem: 2574
‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’

Một bất ngờ với người yêu sách và với chính TS Nguyễn Hữu Liêm, tác giả cuốn sách “Cám dỗ Việt Nam” (Nxb. Hội Nhà Văn 7/2019) khi tác phẩm được yêu mến và làm một cú bứt phá ngoạn mục: trong vòng 20 ngày phát hành, cuốn sách đã có một hành trình gặp gỡ, giao lưu và ra mắt cùng người viết (từ Mỹ về) tại thủ đô Hà Nội và 5 thành phố lớn.

Tin, bài liên quan:

Nhà văn nhìn từ phía sau lưng

Nguyễn Ngọc Hạnh ‘phơi lòng chưa cạn cơn mưa’

Trần Vũ - phép lạ của văn chương (Kỳ 1)

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Bắt đầu bằng buổi giao lưu sáng 8/7 tại TP.HCM, sau đó “Cám dỗ Việt Nam” tiếp tục ra Huế, Quảng Trị vào Đà Nẵng, ra Hà Nội và vừa khép lại hành trình tại Đà Lạt vào ngày 24/7.  

Bìa sách "Cám dỗ Việt Nam" của TS Nguyễn Hữu Liêm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát biểu về "Cám dỗ Việt Nam" tại buổi ra mắt ở Huế.

Nhà thơ Đông Trình, BS Nguyễn Ngọc Minh, LS Lê Viết Cừ và TS Nguyễn Hữu Liêm tại Đà Nẵng.

Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo (đứng), nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (bìa trái) trong buổi ra mắt "Cám dỗ Việt Nam" tại Hà Nội.

 

Hành trình giao lưu, ra mắt sách "Cám dỗ Việt Nam" khép lại tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng.

Tại mỗi tỉnh, thành phố, TS Nguyễn Hữu Liêm đã gặp gỡ nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, bạn đọc… Trong đó có những tên tuổi như nhà văn Ngô Thảo, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (Hà Nội), nhà thơ, nhà phê bình Inrasara, thi sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, TS Nguyễn Thị Hậu, nhà văn Dạ Ngân, nhà báo Duy Thông (TP.HCM), nhà thơ Đông Trình, nhà báo Trần Tuấn, dịch giả Dự Án Sen  (Đà Nẵng), nhà biên khảo Nguyễn Đắc Xuân (Huế), nhà văn Bảo Cự (Đà Lạt)… và rất nhiều văn nghệ sĩ khác.

Tất cả đều cộng cảm, lắng nghe những vấn đề TS muốn chia sẻ qua thông điệp của “Cám dỗ Việt Nam”. Cuốn sách đã đánh thức được tình yêu quê hương xứ sở và những vấn đề thao thức, hiện tình của đất nước. Sự phản tỉnh của người trí thức bao giờ cũng cần thiết khi giải quyết những vấn đề nhức nhối của thực tại và nhìn tới tương lai. 

Nhà báo Trần Tuấn  dẫn chương trình "Cám dỗ Việt Nam" tại Đà Nẵng.

Nhà thơ Inrasara điều phối buổi giao lưu, ra mắt sách "Cám dỗ Việt Nam" tại TP.HCM.

Cây bút nghiên cứu Ngô Hương Giang trò chuyện với TS Nguyễn Hữu Liêm tại buổi ra mắt "Cám dỗ Việt Nam" tại thủ đô Hà Nội.

Trên báo Một Thế giới đã nhận định: Đối với TS Nguyễn Hữu Liêm, mỗi chuyến đi và về đều mang sứ mệnh hòa hợp, hòa giải vết thương của dân tộc. Một lần trong chuyến trở về miền Trung nắng gió, ông nhận ra: “Câu chuyện của thành phố và của sinh viên bây giờ không còn là chiến tranh, máu lửa, chết chóc - mà là cái khốn khó loay hoay của những nhà giáo cấp đại học đang thử nghiệm tình yêu nam nữ thay cho lòng yêu nước. Hận thù nay đã thành ghen tuông. Dân tộc nay là cá nhân. Tôi nhìn lên mái ngói đỏ của căn nhà lớp học nửa Tây, nửa Tàu mà thấy như có tiếng chim se sẻ cùng ca cho tôi nghe bài ngợi ca trong sáng và hồn nhiên về con người xứ Quảng”.

Vào năm 2018, cuốn sách Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học (NXB Đà Nẵng) của ông lần đầu tiên in trong nước. Điều này, hẳn tiếp thêm động lực cho ông trong việc in ấn tác phẩm của mình tại quê nhà, cũng như tạo điều kiện tương tác với độc giả nhiều hơn nữa.

Nếu Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ thời và ý chí, thì Cám dỗ Việt Nam lại đi vào từng mảng đề tài cụ thể (bằng bút ký, ghi chép) để kiến giải mệnh đề sử tính dân tộc Việt mà ông trăn trở.

Nguyễn Hữu Liêm là Tiến sĩ luật khoa, tiến sĩ triết học, hiện là giáo sư triết học tại San Jose City College, California, Mỹ. Ông từng chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000. Ông còn là tác giả của những cuốn sách Dân chủ pháp trị (1991), Tự do và đạo lý (1994), Sử tính và ý thức (2018), Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học (NXB Đà Nẵng & Domino Books, 2018)…