VĂN HÓA
Son sắt vị bánh phu thê đất Việt
An Nhiên • 15-05-2022 • Lượt xem: 705

Bánh phu thê là một trong những loại bánh truyền thống lâu đời của Việt Nam, là loại bánh không thể thiếu trong mâm lễ cưới hỏi và lễ, tết, của dân tộc Việt. Nhắc đến bánh phu thê là nhắc đến sự thủy chung, gắn bó trong tình cảm vợ chồng, một loại bánh mà đã ăn rồi thì vị ngon và cái tình còn lưu luyến mãi.
Bánh phu thê hay còn được gọi là bánh xu xê theo cách biến âm của một số vùng. Đây là loại bánh khá dễ ăn, ngon miệng và còn đậm nét văn hóa của người Việt về tình cảm vợ chồng. Nơi làm bánh phu thê nổi tiếng nhất đó là phường Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh.
Những câu chuyện truyền miệng về tên gọi bánh phu thê
Có người kể tên gọi bánh phu thê xuất phát từ việc vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thường nghĩ đến chồng vất vả, đã tự tay vào bếp và làm loại bánh này gửi ra biên cương cho chồng. Khi vua ăn cảm thấy rất ngon, ngẫm nhớ đến vợ ngày đêm trông ngóng, và tình cảm vợ chồng dù cách trở vẫn thủy chung, bền chặt. Nên vua đã đặt tên cho món bánh ấy tên là bánh phu thê.
Nhưng cũng có người nói tên gọi của bánh phu thê gắn liền với câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ, vì nghèo khó nên người chồng phải lên đường đi buôn ở nơi xa. Trước lúc đi, người vợ có làm bánh tặng chồng và thề rằng dù có xa nhau nhưng lòng người vợ vẫn sẽ luôn thủy chung, đậm đà như bánh. Người chồng vô cùng cảm động và đặt tên cho bánh ấy là phu thê. Nào ngờ ở nơi xa, người chồng bị say đắm trước nhan sắc của những cô gái lạ đến quên lối về. Người vợ hay tin bèn làm bánh gửi đến chồng kèm với lời nhắn:
“Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh sầu bấy nhiêu”.
Người chồng nhận được bánh, cảm thấy vô cùng hối hận liền quay trở về nhà sum họp bên vợ.
Từ đó, mọi người đều truyền nhau rằng bánh phu thê tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng. Vì thế nên cũng thường xuất hiện trong các dịp cưới hỏi. Bánh phu thê cũng được buộc thành cặp với hàm ý thể hiện sự gắn bó son sắt của tình cảm lứa đôi.
Cách thức là nên bánh phu thê
Bánh được gói bằng hai thứ lá, bên trong là lớp lá dong hoặc lá chuối, bên ngoài là lớp lá dừa. Lá dong sau khi rửa sạch thì để ráo nước, tước bớt cọng để khi gói bánh dễ dàng hơn. Lá lót trong là lá chuối, được luộc chín và hong khô.
Gạo dùng để làm bánh là loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã. Sau đó lọc lấy tinh bột gạo đem xay nhuyễn, sấy khô để trong vòng 15 ngày mới đem làm bánh. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, luộc chín, giã nhuyễn trộn với đường trắng, nước cốt dừa và dừa nạo.
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu, người thợ làm bánh sẽ dàn mỏng bột làm vỏ bánh lên khuôn, sau đó đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên để che kín nhân, cách làm đó như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê.
Trong lúc gói, người làm bánh còn quết lên lá một lớp dầu để khi bóc bánh không bị dính.
Sau khi gói xong, bánh sẽ được luộc bằng bếp củi, đun lửa vừa. Đến khi chín thì vớt ra buộc lại từng cặp bằng một chiếc lạt màu hồng với ý nghĩa cầu mong cho tình cảm vợ chồng mãi thắm thiết, bền chặt.
Hương vị bánh phu thê
Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được hương thơm của nước cốt dừa, độ dẻo từ gạo nếp cái hoa vàng, vị giòn sần sật của đu đủ, vị ngọt của đường cộng với độ béo bùi của đậu xanh, dừa... tất cả hòa quyện với nhau tạo thành hương vị rất riêng mà chỉ bánh phu thê mới có được. Từng chiếc bánh e ấp qua lớp lá gói, thông qua độ trong suốt của bánh ta có thể thấy được phần nhân bên trong hệt như sự chở che và bao bọc của tình cảm vợ chồng.
Không chỉ là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam mà bánh phu thê còn ẩn chứa triết lý về tình cảm vợ chồng sắt son, gắn bó. Ngày nay, bánh phu thê không những chỉ dùng trong dịp lễ, hay cưới hỏi mà bánh còn được mua làm quà để tặng người thân, bạn bè. Ý nghĩa và giá trị của bánh cũng vì thế được nâng cao, gắn kết tình cảm thêm bền chặt.