Duyên Dáng Việt Nam

Sóng bạc đầu (tiếp theo)

Thoại Vy • 23-08-2018 • Lượt xem: 5495
Sóng bạc đầu (tiếp theo)

Để bình thản đến được tuổi già con người cần nhiều nỗ lực mới có thể ngoái nhìn tuổi trẻ một cách rộng lượng. Nhìn những vụng dại thuở đầu xanh bằng cái nhìn dung thứ và có phần trìu mến.

Trải qua những dặm dài thăng trầm, vượt qua bao nhiêu ngã rẽ của số phận, con người bé nhỏ ít hay nhiều đều đốn ngộ lẽ đời: hoa thì thường héo, cỏ thường tươi. Vì thế, mượn hình ảnh sóng bạc đầu để nói đến tuổi tác, thời gian là một cách ví von tinh tế và không hiếm gặp trong thơ ca: “Biển xanh nỡ phụ cười đầu bạc/ Đầu bạc mà chưng có thuở xanh” (Nguyễn Trãi).

Ảnh minh họa từ Internet

Để bình thản đến được tuổi già con người cần nhiều nỗ lực mới có thể ngoái nhìn tuổi trẻ một cách rộng lượng. Nhìn những vụng dại thuở đầu xanh bằng cái nhìn dung thứ và có phần trìu mến, bởi Ức Trai đã từng tỉnh thức trong thiện lương “Mắt hòa xanh đầu dễ bạc/ Lưng không uốn, lộc nên từ”. Từ lộc chẳng khác gì từ quan. Từ quan khi có bao kẻ khom lưng uốn gối trước mặt, người người xưng tụng ngợi ca (dù chả biết chân/ giả) đã là khó. Từ lộc khi đương thì lên xe xuống ngựa, mũ cao áo rộng càng khó gấp bội. Những nhà Nho chân chính/ bậc thức giả đã làm được.

Cũng cái nhìn chiêm - nghiệm - dâu - bể nhưng lại phảng phất nuối tiếc - xót xa vì những bồng bột trẻ dại, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại đứng ở một phía khác để quan sát tuổi trẻ của mình. Và bao nhiêu độc giả cũng gặp chính mình trong hai câu thơ: “Điều có thể đã hóa thành không thể/ Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”.

Thật ra "Vô đề" (Nguyễn Trọng Tạo) là một trong số ít những bài thơ mà câu thơ nào cũng như một vì sao đi lạc vào lòng người. Vì trót để ngôi sao bay khỏi cát nên thi sĩ không buông được những man mác hoài niệm một thời sôi nổi đã qua?.

Chỉ biết rằng người viết cảm ngôn từ giản dị của bài thơ như một đóa ly vàng kỳ ảo mà hồn hậu. Hình ảnh biển/ sóng biển như một ẩn dụ đa chiều trong thơ ca không phải hiếm. Biển thao thức đến bạc đầu ngọn sóng. Mà sóng lại không nguôi nhớ bờ bãi nên không lạ gì khi mấy câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh được ưa chuộng nhường ấy. Đến khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc lại càng khiến người hâm mộ nhạc sĩ tài hoa này yêu thêm bài thơ, bởi ca từ phối hợp rất ăn ý với giai điệu “Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ…” (Thuyền và biển).

Con thuyền ấy không chỉ bồi hồi lắng sóng từ hai phía mà dần nghiêng hẳn về phương em. Nên tóc hãy còn xanh đã tiên liệu được những năm tháng bạc tóc còn lại của đời người “Đã nghe trong ngọn sóng trào/ Tiếng thời gian lén bạc đầu/ Mà thương…”**.

Đôi khi những thủ thỉ tâm tình của người đang yêu tưởng vô lý lại hóa ra hợp lý khi quy luật tình cảm được nhìn nhận qua lăng kính của chủ thể trữ tình “Em vui anh sẽ trẻ lâu/ Em buồn anh sẽ bạc đầu như không” (Lời mơ). Nếu đã là quy luật, dù là quy luật sinh hóa của tự nhiên hay quy luật tình cảm thì tha nhân phải học cách lãnh nhận vì không thể thay đổi. Như đóa mai vàng kia bất chấp tiết xuân phân lai - khứ, vượt lên trên nỗi buồn tàn xuân của đời người trong mấy câu kệ thâm trầm như không “Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi” (Cáo tật thị chúng). Mãn Giác thiền sư đã đi gần hết lộ trình thời gian mới cảm nhận được sắc mai vàng thanh tao xa ngái.

Một cành mai (nhất chi mai) vượt qua những phân kỳ của mùa xuân hội ngộ (lai), rồi chia xa (khứ) và trở lại viên mãn (đáo) theo chu kỳ khép kín làm thành vòng tuần hoàn biến chuyển của vạn vật, đời người. Có thể xem bài thơ như một công án vô thanh của thiền. Nắm rõ quy luật vận động để ung dung vượt lên hoàn cảnh sống – chết, thịnh – suy… Hình ảnh thơ gây xúc động không kém chất thơ đa nghĩa, tầng tầng lớp lớp hàm ngôn trong mấy câu thơ cô đọng của thi hào Nhật M. Ba-sô. Về chịu tang mẹ, cái còn lại của hình hài yêu dấu chỉ còn là làn tóc sương thu (Tan trên tay tóc mẹ/ Làn sương thu).

“Sương thu” là quý ngữ (từ chỉ mùa) hay gặp trong thơ Hai-cư. Làn sương thu là giọt lệ trong ngần như sương ? Mái tóc của mẹ như sương khói bạc màu ? Hay cuộc đời như giọt sương vô thường đoản mệnh ?,… Món tóc bạc trắng như sương thu tan dần trên tay như chứng tích của hư vô, của tiếng muôn trùng thiên thu vọng lại. Đau đáu đến mức ngôn ngữ thơ cũng trở nên bất lực trước mất mát đang hiện hữu. Không một lời từ biệt, không nhỏ một giọt lệ đau đớn, tình cảm đặc sánh lại đúng phong cách thơ Hai-cư. Mái tóc bạc của mẹ đứng trên bậc thềm giông bão giữa biển đời tăm tối để nuôi lớn hình hài ta, rồi lặng lẽ dõi theo ta trong suốt hành trình nhọc nhằn làm người.

Ta có đôi lần nhìn lại nhưng chỉ là cái nhìn lướt qua cho đến khi Người yên giấc ngàn thu, cái nhìn đó mới chợt đóng đinh ám ảnh vào phận người. Mấy câu thơ hay nhất ở từ "Tan". Tan chảy như lệ nến còn để lại cặn vẩy. Còn tan ở đây là biến mất một cách chậm rãi và không thể tránh khỏi. Từ hữu triệt để thành vô. Thế nên tóc bạc và bạc tóc trong đời mẹ hòa quyện làm một. Tóc bạc vì thời gian trôi mãi. Bạc tóc vì những trăn trở trong hành trình còn lại của đời người, bạc tóc vì cõng dùm ta bốn mùa mưa nắng. Phải thế không mà tha nhân mong trải nghiệm một cuộc đời ý nghĩa cho khát vọng thanh bình:

Trời Điện Biên mây trắng
Màu mộ chí hàng hàng
Màu bạc đầu bạn cũ
Tìm nhau trắng nghĩa trang
(Trời Điện Biên mây trắng – Anh Ngọc)
Phải thế không mà má mình lúc năm mươi tóc vẫn còn đen nhánh, dài gần chấm gót. Rụng rơi và bạc màu nhanh quá khi bước sang tuổi sáu mươi, rồi bảy mươi. Và cứ thế… không cưỡng lại được màu bông lau một ngày nào đó. Nên không phải là bất chợt như lời Trịnh Công Sơn “Chợt một chiều tóc trắng như vôi…”. Trăm năm đời người tụ lại trong một buổi chiều mây trắng đấy thôi, như biển ngàn năm mây trắng soi vào lòng. Như mảnh trăng nhợt nhạt ngoài cửa sổ kia đang nhắc ta về lẽ vô thường miên viễn luôn song hành với cái đẹp mong manh.

Chú thích: *Cảm hoài – Đặng Dung.

**Hoài niệm – Triều La Vỹ.

( ĐN, viết nhân mùa Vu lan).