Duyên Dáng Việt Nam

Sóng bạc đầu

Thọa Vy • 22-08-2018 • Lượt xem: 1710
Sóng bạc đầu

Ở đây đề cập đến hai hiện tượng: Tóc bạc và bạc tóc. Tóc bạc là hiện tượng bạc tóc theo quy luật tự nhiên khi con người bước vào mùa thu của cuộc đời. Tóc bạc do tế bào hắc tố (melanocyte) vào giai đoạn thoái triển, các tế bào hắc tố giảm dần rồi mất hẳn, gây nên hiện tượng lão hóa. Không bàn một số hiện tượng cá biệt như tóc bạc sớm (ở độ tuổi hai mươi hoặc trẻ hơn). Còn đột ngột bạc tóc chỉ sau một đêm như Ngũ Viên (người nước Sở) là hiếm.

Tương truyền, vì không bắt được Ngũ Tử Tư, nên Sở Bình Vương tức giận giết Ngũ Xa (cha ông) và Ngũ Thượng, đồng thời lùng bắt Ngũ Viên gắt gao. Nên ông định trốn sang nước Ngô. Qua một đêm ưu tư, râu tóc tướng phụ họ Ngũ bạc trắng (Hồi 72, tiểu thuyết lịch sử Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long cho rằng "Dụ hai con, Sở Bình Vương lập kế/ Nghĩ một đêm, Ngũ Viên bạc đầu). Có phải vì "Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”? (Tạm dịch:Thời vận qua, anh hùng đành nuốt hận trăm phần – Đặng Dung).

Ảnh minh họa từ Internet

Là nỗi đau của người anh hùng chiến bại hay danh tướng bị thất sủng cũng đều chạnh lòng. Đặng Dung là danh tướng, ôm ấp hoài bão phò vua Trùng Quang Đế dẹp giặc, khôi phục nhà HậuTrần. Nhưng lòng người ly tán, lương ít binh mỏng, ý nguyện không thành, bậc anh tài hóa ra kẻ thất cơ lỡ vận, mà trên đầu tóc đã điểm sương:

“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”*

 (Tạm dịch: Thù nước chưa trả được mà tóc đã bạc/

Bao phen mang gươm báu Long Tuyền mài dưới trăng)

Ý chí sắt đá dẹp giặc trong buổi mạt vận cùng chung nhịp đập với những trái tim vị quốc. Dẫu tan vàng nát đá cũng cam lòng. Khác với nỗi đắng cay chất ngất của Ngũ Viên: Công thần hàng đầu, từng giúp vua Ngô phục quốc, từng lên xe xuống ngựa, mũ cao áo rộng, được Phù Sai xem như thầy, như cha lại phải chịu thảm nhục. Thấy trước họa vong quốc, họ Ngũ sai người móc mắt treo nơi cổng thành Cô Tô (sau khi chết) để muôn đời căm hận nhìn quân Việt của Câu Tiễn kéo vào giày xéo nước Ngô. Cùng ôm hận bại vong, nhưng Ngũ Tử Tư thì ngùn ngụt lửa thù trước cái chết phi lý không tránh khỏi, còn danh tướng họ Đặng thì nỗi đau đằm lắng như sắt nguội đã nung qua lửa. Cả hai đều thừa ý chí, tài thao lược mà lực bất tòng tâm.

Có phải căn nguyên xảy ra bi kịch Ngũ Viên là do Tây Thi – một trong bốn mỹ nhân “trầm ngư” của Trung Hoa ? Mối thù không đội trời chung giữa mỹ nhân Tây Thi và danh tướng Ngũ Viên sao chẳng phù hợp với lời đúc kết của Triệu Yến Tuyết (có bản phiên âm là Triệu Diễm Tuyết) cũng là một giai nhân tài hoa: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Tạm dịch: Người đẹp từ xưa như tướng tài/ Không cho ai thấy mình bạc đầu).

Thật ra muốn cảm hai câu thơ trong “Tiêu hồn Hải Đường” thì phải viện đến Lý phu nhân – một sủng phi sắc nước hương trời của Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Tương truyền biết nàng ốm nặng khó qua khỏi, vua đến thăm. Nhưng Lý phu nhân kiên quyết không cho vua ngắm dung nhan, khiến Vũ Đế ra về trong tức giận.

Người thân trách phu nhân ương ngạnh làm phật lòng quân vương thì nàng bảo: “Đàn bà lấy sắc thờ người, sắc suy tình giảm. Nay ta không muốn cho hoàng thượng thấy mặt là muốn lưu giữ mãi vẻ đẹp của mình đối với hoàng thượng sau khi ta chết đi…”. Lý phu nhân đoản mệnh, nhắm mắt xuôi tay lúc tóc còn xanh. Vì thế sau khi nàng mất, vua thương nhớ mãi không thôi và người thân của nàng cũng được trọng dụng.

Sao phải “lấy sắc thờ người” là cả một câu chuyện dài từ xưa, gieo vào số mệnh giai nhân (Đã phiếm luận phần nào trong bài viết “Người đẹp”). Sự so sánh trên có hai cách hiểu: (1) Người đẹp sở hữu nhan sắc cũng như danh tướng tự hào về những chiến công lừng lẫy của mình, nên không muốn nhân gian thấy mình khi đã tàn tạ. (2) Hồng nhan bạc mệnh như số phận tướng tài phải gửi thân nơi sa trường, định mệnh ngắn ngủi khiến họ không thể sống đến đầu bạc.

Cách hiểu thứ nhất có thể thấy khá nhiều trong văn chương lẫn hiện thực. Người ca nữ trên bến Tầm Dương khi sắc hương tàn phai vẫn còn ngón đàn tuyệt kỹ nuôi thân. Như vậy đã là đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng vẫn không dám cho tác giả “Tỳ bà hành” tường tận dung nhan mình “Tay ôm đàn che nửa mặt hoa”. Dẫu tài thế ấy mà sắc tàn cũng chỉ dám nỉ non ai oán qua tiếng đàn, khiến Giang Châu Tư mã Bạch Cư Dị phải nhỏ lệ thương cảm kiếp hồng nhan mong manh.

Sau khi Cô Tô đài thất thủ, Phù Sai tử trận, sử sách để Tây Thi mất tích trong trùng vây binh lửa, là phải chăng muốn nàng giữ trọn vẻ đẹp khuynh quốc của mình ?! Không nỡ để người đẹp chết già trong xó nhà, nên Dương Quý Phi đành tự vẫn ở Mã Ngôi khi còn trẻ?

Vì Mai Phi yểu mệnh, Vương Chiêu Quân biệt vô âm tín ở Hồ quốc nên người đời vô cùng thương tiếc hay chăng !?. Để tiếng Hồ cầm, khúc đàn Xuất tái ở Nhạn Môn Quan và nhan sắc “lạc nhạn” ấy mãi bất tử. Từ Đông sang Tây, có người đẹp lừng danh Marilyn Monroe mất khi mới ngoài ba mươi. Về cuối đời, minh tinh/ huyền thoại màn bạc lừng danh nhan sắc như Brigitte Bardot, Greta Garbo sống ẩn dật vì "Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" ?. Xưa nay, mỹ nhân tuyệt sắc, danh tướng văn võ song toàn hay các bậc tài hoa xuất chúng đều là vưu vật của tự nhiên, tinh hoa của đất trời. Có khi phải trăm năm mới có rất ít người như họ xuất hiện.