Khám phá

Sự trỗi dậy của 'vật liệu xanh' báo trước một kỷ nguyên mới trong ngành thời trang

Tam Nguyên • 01-08-2022 • Lượt xem: 474
Sự trỗi dậy của 'vật liệu xanh' báo trước một kỷ nguyên mới trong ngành thời trang

Quần áo là nhu cầu quan trọng đối với con người nhưng có một thực tế khắc nghiệt là ngành thời trang đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường rất lớn.

Sự nguy hiểm của vi nhựa trong quần áo

Ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Đặc biệt thời trang nhanh (fast fashion) đã thống trị và định hình lại ngành thời trang kể từ thập niên 1990. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

Quần áo gồm nhiều loại chất liệu, thường là kết hợp các loại sợi khác nhau – tất cả đều có ích lợi và nhược điểm xét về độ thoải mái với người mặc, độ bền và chi phí sản xuất. Riêng cotton có trong 40% tất cả các quần áo, còn các sợi tổng hợp  có mặt trong 72% số quần áo. Cả hai chất liệu này đều bị chỉ trích vì tác động xấu lên môi trường. Cả polyester và nylon đều phân hủy một phần trong các máy giặt thành các vi nhựa xả vào hệ thống thoát nước đổ ra môi trường. Các nhà khoa học giờ đã phát hiện ra rằng các vi nhựa đã xâm lấn vào chuỗi thức ăn của loài người – một vấn đề mà chúng ta hiện chưa lường hết mức độ hậu quả.

Vật liệu xanh ứng dụng trong ngành thời trang

Để bảo vệ môi môi nhưng vẫn đảm bảo, các doanh nghiệp ngành dệt may đang dần chuyển đổi sang “nguyên liệu xanh” để đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như mở rộng thị trường.

Vải sợi tre

Một trong những công dụng độc đáo của cây tre là tạo thành một sản phẩm cực kỳ mềm mại, thoải mái và thân thiện với môi trường - một loại vải từ cây tre. Trồng tre không cần đến hóa chất, tiêu tốn rất ít nước. Cây tre tạo ra nhiều hơn 35% oxy so với các loại cây khác và hấp thu một lượng lớn CO2 từ bầu khí quyển. Trong tâm thức nhiều người tiêu dùng, vải tre hấp dẫn bởi được xem là loại vải “sinh thái”, bảo vệ môi trường sống. Đặc tính của vải sợi tre là kháng khuẩn tự nhiên, khử mùi, thấm hút và thoát mồ hôi, không gây dị ứng, bền màu…

Vải sợi lá dứa

Vải sợi dứa hay còn gọi là vải Pinatex được làm từ sợi cellulose có trong phụ phẩm lá dứa. Theo ước tính của FAO, có khoảng 40.000 tấn lá dứa được tạo ra trên toàn thế giới mỗi năm, phần lớn trong số đó bị đốt cháy hoặc tự phân hủy. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu chúng không được sử dụng để tạo ra vải, môi trường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ lượng lớn rác thải ấy. Đặc tính của vải sợi dứa là thoáng khí, bền, mềm, nhẹ và khá linh hoạt. 

Vải polyester tái chế

Trong ngành công nghiệp thời trang, những chiếc chai nhựa cũ bị vứt đi có thể được tái sinh trở thành sợi polyester - một chất liệu quan trọng để sản xuất thành các sản phẩm thời trang thể thao. Recyled polyester hay vải/sợi polyester tái chế từ chai nhựa cũ không chỉ mang đủ ưu điểm về tính năng như sợi polyester truyền thống mà còn có ý nghĩa tích cực với môi trường và có thể tái chế liên tục nhiều lần mà không suy giảm chất lượng. Đặc tính của vải polyester tái chế là bền đẹp, ít nhăn, giữ form tốt, thông thoáng, không giữ lại nước/mồ hôi trên sợi vải…

Vải sợi cà phê

Bã cà phê được tái sử dụng trong nhiều trường hợp như bón cho cây, khử mùi, làm đẹp… Tuy nhiên, khối lượng được tái sử dụng còn khiêm tốn so với lượng bã cà phê thải ra trên toàn thế giới. Một công dụng bất ngờ khác của bã cà phê đó là để làm… quần áo. Việc này không chỉ góp phần tái chế nhiều hơn bã cà phê mà còn tạo ra được một loại sợi có nhiều tính năng ưu việt. Đặc tính vải sợi cà phê là hút mùi, chống tia UV, mặc mát hơn, nhẹ hơn và giặt nhanh khô hơn. 

Vải sợi vỏ cam

Công nghệ “dệt vải từ vỏ cam” của Công ty Orange Fiber (Italia) đã mở ra một “cuộc đời mới” cho hơn 700.000 tấn phụ phẩm từ vỏ cam của Italia mỗi năm. Cellulose có trong vỏ cam sẽ được tách ra, tạo thành một vật liệu kiểu polymer có thể dệt thành sợi và làm thành vải. Đặc tính của vải sợi vỏ cam là siêu nhẹ và rất mềm mại.

Thời trang là một ngành “mũi nhọn”, việc đảm bảo cho sự cân bằng của hệ sinh thái sẽ là một chiến lược cấp thiết với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Và như chúng ta thấy, những tính năng ưu việt mà vải sợi tự nhiên hay vải sợi tái chế mang lại đã mở ra một trang mới cho việc bảo vệ môi trường nói chung và ngành thời trang nói riêng. Trong tương lai, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có quyền hy vọng các nhà khoa học, các thương hiệu thời trang sẽ tìm ra nhiều chất liệu an toàn với môi trường hơn nữa để “thời trang xanh” có thể thay thế hoàn toàn “thời trang nhanh”.