VĂN HÓA

Tác giả trẻ 16 tuổi trở thành diễn giả nói chuyện về sách Trong thế giới văn chương thiếu nhi

My Minh • 24-08-2023 • Lượt xem: 4291
Tác giả trẻ 16 tuổi trở thành diễn giả nói chuyện về sách Trong thế giới văn chương thiếu nhi

 

Vừa qua, tại Đường Sách Thành phố Cao Lãnh đã diễn ra buổi giao lưu trò chuyện cùng tác giả Quỳnh Trần với chủ đề “Trong thế giới văn chương thiếu nhi”. Đây là chương trình trước thềm chào năm học mới 2023-2024 do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy Ban Nhân dân Thành phố Cao Lãnh, Công ty CP Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn và Ban Điều hành Đường Sách Thành phố Cao Lãnh phối hợp cùng thực hiện.

Tin bài khác:

Thiên tài tập thể: Bí kíp khai phá tiềm năng sáng tạo của doanh nghiệp

Cứ mơ mộng và lên đường - Khai phá những giới hạn bản thân

Có thể nói, Quỳnh Trần là một trong các diễn giả trẻ tuổi nhất đến giao lưu tại Đường Sách Thành phố Cao Lãnh. Buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề khi thiếu nhi viết văn, một thế giới mới trong tưởng tượng sẽ được mở ra. 

Quỳnh Trần (sinh năm 2007) ra mắt quyển tiểu thuyết Ngài Kẹo đầu tay năm 15 tuổi. Năm 2022, tác phẩm được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đến rộng rãi bạn đọc gần xa. Có thể nói, Ngài Kẹo chính là chặng đầu tiên mà Quỳnh Trần thử sức bước trên hành trình viết lách, câu chuyện của em cũng mang đến cảm hứng kể chuyện thông qua trang sách cho nhiều bạn nhỏ khác. Bạn sẽ kể cho chúng ta nghe về hành trình viết sách của bản thân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cơ duyên trở thành tác giả nhí của dòng văn học thiếu nhi. Qua cuốn sách phiêu lưu kỳ thú này, trẻ em được bồi đắp tình yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn và mở rộng trí tưởng tượng của mình.

Tác giả trẻ 16 tuổi Quỳnh Trần, viết tiểu thuyết Ngài Kẹo năm em 15 tuổi.

Tại chương trình chương trình, nhiều chủ đề thú vị được đưa ra để cùng trao đổi như khuyến khích trẻ viết văn, sáng tác, trò chuyện, kể chuyện thông qua các hình thức diễn đạt khác nhau. Sự sáng tạo trong suy nghĩ của trẻ thơ là vô tận, vô cùng mới mẻ. Tiếp cận sách vở từ thuở nhỏ sẽ là nguồn vốn liếng về ngôn ngữ cho trẻ, phát triển tình yêu với tiếng Việt. Phụ huynh là điểm khởi đầu và là cầu nối quan trọng cho trẻ em bắt đầu hành trình đọc sách, rèn luyện thói quen, sự nề nếp từ nhỏ cho trẻ. Sách là kho tàng kiến thức vô hạn, sách luôn ở đó chờ người đọc khám phá. Sách là người bạn đáng tin cậy và hữu ích trong đời sống. Xây dựng văn hóa đọc vững chắc nhất vẫn là từ nền tảng gia đình, đến trường học, thư viện, không gian văn hóa,… và các môi trường công cộng. Văn hóa đọc không nhất thiết phải là phong trào mà nên đưa vào đời sống thường nhật. Sách là nhịp sống, là hơi thở cuộc sống.

Quỳnh Trần chia sẻ về cơ duyên viết sách: “Em bắt đầu viết tác phẩm vào lúc nghỉ dịch Covid-19 và em hoàn thành trong khoảng 3 tháng, cũng có những lúc em thức tới sáng để viết, và em thấy những lần đó khá vui. Nhưng vì nhiều nguyên do nên hơn nửa năm sau mới xuất bản sách. Từ nhỏ em đã thích viết, kể từ tiểu học em đã viết thơ và truyện ngắn, lên cấp 2 em bắt đầu viết truyện dài. Em cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi tác phẩm của mình được chọn xuất bản. Em không thật sự có một sự yêu thích đặc biệt đến một tình huống hay nhân vật riêng biệt nào cả. Vì phần lớn các nhân vật và chi tiết trong sách của em đều lấy cảm hứng từ những con người có thật mà em đã tiếp xúc vào thời điểm đó, nên tất cả đều có ý nghĩa tương đương với em cả”.

Chăm sóc và quan tâm tới những tác giả nhỏ tuổi trong việc sáng tác là việc làm ý nghĩa, nhân văn vì một cộng đồng đọc sách rộng lớn trong tương lai. Hình ảnh tại buổi giao lưu Trong thế giới văn chương thiếu nhi

Được biết, ông Trần Anh Khôi (phụ huynh tác giả Quỳnh Trần) đã tạo điều kiện cho con gái tiếp xúc với sách vở từ khá sớm. “Từ nhỏ Quỳnh đã được rèn luyện và phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Số lượng sách mà Quỳnh đã đọc thời tiểu học là rất lớn. Dần dần, kỹ năng ngôn ngữ đó được tập trung vào viết lách. Một phần cũng có cảm hứng từ các nhà văn nổi tiếng. Trước khi con đến trường, thì gia đình là nơi quan trọng nhất để tạo lập thói quen đọc. Trong đó có 3 việc chính: có sách cho con đọc, phụ huynh đọc làm gương và cùng nhau trò chuyện về sách. Từ khi mới sinh ra, Quỳnh đã được tiếp xúc với sách qua việc ba mẹ đọc cho con nghe (dù không hiểu) và cho con chơi với sách (lật sách, xem hình). Chưa biết đọc nhưng Quỳnh đã có thể thuộc lòng vài cuốn truyện tranh ngắn. Vào tiểu học, bắt đầu biết đọc thì Quỳnh luôn duy trì việc đọc như một thú vui vì gia đình hạn chế thiết bị điện tử. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội, tôi cho rằng nhà trường là yếu tố quyết định cho thói quen đọc sách của trẻ em. Bởi vì ở đó có sức mạnh của số đông cũng như áp lực bạn đồng lứa”.

Tiểu thuyết Ngài Kẹo của tác giả trẻ Quỳnh Trần

Ngài Kẹo làm một câu chuyện phiêu lưu giả tưởng về thế giới kẹo hấp dẫn đầy màu sắc, tuy ngọt ngào nhưng ẩn chứa nhiều hiểm nguy khiến con người không thể quay trở về chính mình được. Khởi đầu câu chuyện là sự xuất hiện của tiệm bánh kẹo “Candy shop - Best N Town” lớn nhất thị trấn và chủ là Ngài Kẹo. Cô bé Wendy (12 tuổi) và những suy nghĩ đấu tranh tâm lý chống lại sự quyến rũ của thế giới kẹo từ Ngài Kẹo đang xâm chiếm thị trấn này. Tiệm kẹo với hàng trăm loại kẹo đủ mày sắc với giá thành siêu rẻ. Ở đây không thiếu món gì cả: kẹo bơ, kẹo socola, kẹo dẻo, kẹo gấu, kẹo mút cầu vồng, kẹo que Giáng Sinh…bao la là kẹo. Còn nhà Wendy có cửa hiệu bán đồ dùng nha khoa. Bố mẹ của Wendy mong muốn cứu thị trấn này khỏi sự diệt vong của đồ ngọt, nhất là đối với trẻ con. Họ luôn căn dặn cô bé phải đánh răng cẩn thận, và tránh thật xa bánh kẹo nhất có thể. Còn Ngài Kẹo thì tràn ngập âm mưu hòng phủ sóng thị trấn bằng kẹo, làm mê hoặc từ trẻ em, thầy cô, các công dân trong thị trấn. Từng đứa trẻ trong trường học bắt đầu mất tích không để lại dấu vết nào. Từ đây, Wendy và cậu bạn thân Albert bắt đầu điều tra, giải mã những bí ẩn xung quanh tiệm Kẹo nhằm chống lại âm mưu xấu xa muốn hủy hoại thị trấn này… Dẫu biết kẹo là một thế giới ngọt ngào và hấp dẫn đối với tuổi thơ của các em nhỏ, nhưng không có gì là rẻ mạt hay miễn phí mãi cả, còn cả tác hại của kẹo ngọt nếu các em không chăm sóc răng miệng đúng cách. Truyện Ngài Kẹo là một cách ẩn dụ nhẹ nhàng hơn ẩn sau những âm mưu xấu xa đối với những đứa trẻ còn độ tuổi ngây thơ, non nớt.

Từ những chia sẻ trong chương trình, chúng ta có thể tiếp cận gần hơn những nghĩ suy, tâm sự của các bạn học sinh đồng trang lứa đang tham dự chương trình. Các bạn có thể thẳng thắn chia sẻ về học văn, viết văn hay thậm chí là sáng tác, viết lách theo cảm nhận, phong cách riêng và suy nghĩ của bản thân.