Duyên Dáng Việt Nam

Tác giả Vũ Minh Đức: Đặt mình vào vị trí của con để yêu thương trẻ đúng cách

Kim Phượng • 28-07-2020 • Lượt xem: 1306
Tác giả Vũ Minh Đức: Đặt mình vào vị trí của con để yêu thương trẻ đúng cách

Bác sĩ, tác giả Vũ Minh Đức đã gửi gắm những niềm yêu thương của mình vào những lá thư trong cuốn sách “Những lá thư ba mẹ dành cho con - Bao giờ cho hết yêu thương?”. Cuốn sách này anh gửi tới cho hai con gái nhỏ những tâm tình mà cha mẹ nào cũng muốn dành cho đứa con của họ.

 

Buổi giao lưu với bác sĩ – nhạc sĩ Vũ Minh Đức với chủ đề: "Những lá thư ba mẹ dành cho con - Bao giờ cho hết yêu thương?" do Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM tổ chức tại Đường Sách (TP.HCM) là dịp để những ai làm cha mẹ có thể cởi mở chia sẻ về cách yêu thương, nuôi dạy và thấu hiểu con cái của mình với mọi người. Chương trình có sự tham dự của đông đảo quý phụ huynh và các em nhỏ vào sáng Chủ nhật 19/7/2020.


Tác giả Vũ Minh Đức (phải) chia sẻ về cách đồng hành cùng con

'Tập tành' lãng mạn

Những người yêu nhau thường dành cho nhau sự lãng mạn trong buổi hẹn hò bằng ánh nến, đóa hoa… Nhưng đối với tác giả Vũ Minh Đức, sự lãng mạn không chỉ có trong tình yêu đôi lứa mà có cả trong tình cha con. Tác giả coi mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ là một mối quan hệ lãng mạn. Dù là giữa bố và con gái hay giữa mẹ và con trai hoặc ngược lại, tình cảm gắn kết giữa đôi bên không chỉ là tình máu mủ, huyết thống mà nó còn lồng ghép vào tình yêu thương và sự trân trọng của cả hai. Đối với tác giả Minh Đức, anh trân trọng mối duyên làm bố với hai con của mình.

Tác giả cho rằng anh cũng đã từng có những giây phút bối rối, vụng về, không giỏi giao tiếp với con cái như nhiều ông bố khác. Chính tình yêu với con đã làm anh trở nên biết kiên nhẫn lắng nghe và quan sát con nhiều hơn. Anh bắt đầu tập tành lãng mạn vì muốn dành cho con nhiều niềm vui và hạnh phúc. Với anh, tập tành lãng mạn ở đây có nghĩa là sự để tâm, tinh tế nhận ra từng cử chỉ, thói quen, nét mặt và cả buồn vui của con đều đặn từng ngày. Anh kể chuyện bản thân đã dành thời gian ra sao để tự tay làm thiệp, viết từng chữ nắn nót cho con nhân ngày sinh nhật. Anh thắt tóc cho con với thun nhiều màu trước khi đưa con đi học. Anh cùng con chọn lựa và mua những vật liệu để làm đồ chơi cho con. Mọi điều vụn vặt mà anh làm cho con đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương. Vì yêu con, anh luôn tìm cách vun đắp và sáng tạo mỗi giây phút ở bên con.

“Một đứa trẻ đã lớn vẫn thường hay vòi vĩnh ba mẹ sấy tóc, mua quà cho mình. Hành động ‘làm nũng’ đó chỉ là một cách thể hiện nhu cầu được yêu thương, quan tâm của con mà thôi. Ranh giới giữa yêu thương và nuông chiều luôn rất mong manh, quan trọng là bố mẹ đủ tâm sức và sự kiên trì mong muốn đồng hành cùng con”, tác giả chia sẻ.


Bác sĩ Minh Đức và Hồng An hợp tác xuất bản cuốn sách gồm 30 tản văn gửi con

Đặt bản thân vào vị trí của con

“Đồng hành cùng con”, “làm bạn với con” là những câu nói cửa miệng của nhiều ông bố, bà mẹ. Tuy nhiên, không phải ai làm bố mẹ cũng hiểu đúng và làm đúng ý nghĩa của những câu nói này. Tác giả Minh Đức cho rằng: “Vì bận rộn công việc, nhiều bố mẹ xem việc đưa con đi ăn hàng quán là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chính suy nghĩ này đã làm bố mẹ mất dần đi những khoảnh khắc yêu thương và đồng hành cùng con. Bố mẹ đã bao giờ tự hỏi mình đã dành bao nhiêu buổi trong tuần để nấu bữa sáng, cùng ngồi ăn và trò chuyện với con ở nhà?”. Đồng hành cùng con không phải là quá trình nhìn thấy con từng bước trưởng thành mà là sự có mặt của bố mẹ trong từng khoảnh khắc của quá trình mà con lớn lên.

Làm bạn với con chưa bao giờ là điều dễ dàng với bố mẹ. Con cái ở độ tuổi khác nhau thì có nhu cầu và hình mẫu làm bạn của riêng mình. Khoảng cách tuổi tác khá xa với con cùng quan điểm đã thành hình của một người lớn là những vật cản ngăn cách tình bạn giữa bố mẹ và con cái. Nếu bố mẹ làm bạn với con trong tư cách của một người lớn, luôn săm soi điều con làm, nói những điều con không quan tâm thì bố mẹ sẽ không bao giờ trở thành người bạn đúng nghĩa với con. Để làm bạn được với con, bố mẹ phải đặt mình vào tâm sinh lý ở độ tuổi của con để phát hiện nhu cầu của con là gì. Chỉ cần có lòng yêu thương, bố mẹ sẽ kiên nhẫn và tỉ mỉ nhiều hơn trong việc quan sát, để tâm đến suy nghĩ và sự phát triển của con, giống như là sự trân trọng dành cho người yêu của mình vậy.


Đông đảo quý phụ huynh và các em nhỏ tham gia buổi giao lưu với tác giả Minh Đức

Dạy con khoảng trước 20 năm con ra đời

Tác giả chia sẻ nên “Bắt đầu dạy con khoảng trước 20 năm khi con ra đời”. Điều này có nghĩa là bố mẹ phải học làm bố mẹ trước và nên dạy con từ thuở con mới lọt lòng mẹ. Mỗi cử chỉ của đứa bé như ngọ ngậy, tiếng khóc, tiếng cười đều là những ngôn ngữ giao tiếp vô hình với bố mẹ của chúng. Trẻ sẽ cảm nhận được người thân thuộc với mình.

Trẻ thường nhìn và bắt chước những điều mà bố mẹ làm chứ không nghe những lời bố mẹ nói. Bố mẹ phải chủ động làm gương cho con, muốn con làm gì thì trước hết bố mẹ phải làm điều đó. Tuy nhiên, bố mẹ nên nói cho con lý do mà mình nghiêm khắt với con khi thành quả của việc nghiêm khắc đã xuất hiện. Lời nói của bố mẹ lúc này đã có đủ cơ sở để thuyết phục con và làm con hiểu rõ hơn nỗi lòng của bố mẹ.

Trước khi làm cha mẹ, mỗi người cũng từng là người con. Tâm lý của mỗi người khi còn là một đứa trẻ như thế nào thì tâm lý của con cái bây giờ cũng có nét tương đồng như vậy. Bé trai hay bé gái trong độ tuổi nổi loạn thường chỉ quan tâm đến việc chứng tỏ bản thân đã lớn, có chủ kiến và ít nhiều tò mò những “điều thầm kín” về bản thân và bạn khác giới. Hiểu tâm sinh lý của con, bố mẹ sẽ chạm vào nó một cách tế nhị và duyên dáng hơn. Bố mẹ nên tạo cơ hội để con chứng tỏ bản thân đồng thời cũng kiểm soát con đúng mực trên cơ sở tôn trọng và yêu thương con.

Ông bố Minh Đức đã khéo léo lồng ghép giữa kiến thức y khoa và tình yêu của một người bố vào món quà sinh nhật cho con. Anh đã chọn cho con một đầu sách phù hợp để giúp con tìm hiểu được những khác lạ của bản thân trong thời kỳ dậy thì. Đây là một cách tinh tế và thầm lặng để anh thể hiện niềm yêu thương con cái.

Tác giả tâm sự: “Tôi không đọc nhật ký hoặc xem tin nhắn riêng tư của con, mặc dù quyển nhật ký hay chiếc điện thoại của con ở ngay trước mắt tôi”. Anh xem đó là một sự tôn trọng của bản thân dành cho đời sống riêng tư của con. Việc tò mò bí mật của con cũng như kỳ vọng vào con quá mức đến nỗi đem con so sánh với “con nhà người ta” là những hành động mà bố mẹ dễ dàng gây tổn thương con nhiều nhất. Những điều mà ngay cả bản thân bố mẹ đều không muốn người khác làm với mình thì cũng đừng nên để con cái phải chấp nhận những điều tương tự mà do bố mẹ gây nên.