Duyên Dáng Việt Nam

Tác hại khi ăn quá nhanh

DDVN • 13-05-2020 • Lượt xem: 1104
Tác hại khi ăn quá nhanh

Ăn quá nhanh không những không thưởng thức được hết vị ngon của món ăn mà còn gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe mà có thể bạn không ngờ đến.

Tin, bài liên quan:

Bài thuốc Đông y trị khàn tiếng

Ăn nhanh làm tăng nguy cơ béo phì

Nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ thừa cân lên gấp 3 lần. Trên thực tế, những người ăn nhanh thì khả năng mắc bệnh béo phì cao gấp đôi so với người ăn chậm.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, phụ nữ trong độ tuổi 40-50 nếu ăn quá nhanh sẽ có nhiều khả năng bị béo phì hơn so với những người ăn chậm. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra đàn ông có thói quen ăn nhanh có thể bị thừa cân cao hơn tới 84% so với người ăn chậm, con số này ở phụ nữ là 50%.

Gây ra chứng khó tiêu

Ăn quá nhanh có thể dẫn đến hiện tượng khó tiêu, vì ăn quá nhanh, việc tiết dịch tiêu hóa dạ dày không thể đủ cung cấp cho các hoạt động tiêu hóa trong 1 khoảng thời gian ngắn, sẽ dẫn đến sự tích tụ của thức ăn trong dạ dày, gây ra hiện tượng khó tiêu. Đặc biệt là nếu bạn ăn quá nhanh trong bữa tối, nó sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giấc ngủ.

Ăn nhanh gây đau dạ dày

Thông thường, khi nhai thức ăn sẽ khiến các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể sẽ được thông báo cung cấp thức ăn, có thêm thời gian để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Nhưng nếu như bạn ăn quá nhanh sẽ khiến não bộ chưa kịp nhận tín hiệu từ dạ dày và kết quả là dạ dày không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hóa thức ăn, lâu dài có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày.

Ngoài ra, ăn quá nhanh cũng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, cơ thể không hấp thụ được các dinh dưỡng cần thiết, làm tăng cảm giác chướng bụng sau khi ăn.

Gây ra bệnh đường ruột

Nếu bạn ăn quá nhanh, đương nhiên sẽ có tác động không tốt lên dạ dày và các cơ quan tiêu hóa. Thời gian trôi qua sẽ dẫn đến bệnh tiêu hóa xuất hiện, vì vậy chế độ ăn uống nên chú ý, hãy duy trì tốc độ không nên quá nhanh để tránh hoặc làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường ruột.

Làm thế nào để ăn uống đúng cách

- Để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần ăn chậm nhai kỹ để thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn. Các chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn và dạ dày cũng làm việc bớt cực nhọc hơn. Từ việc nhai kỹ thức ăn, có thể tiết kiệm được lượng thức ăn mỗi ngày, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm bớt gánh nặng cho dạ dày mà vẫn đảm bảo đủ năng lượng.

- Tránh xa điện thoại, tivi và các thiết bị khác trong khi ăn. Việc tập trung tất cả các giác quan trong quá trình này sẽ giúp bạn ăn chậm và thưởng thức món ăn ngon hơn.

- Bạn cũng có thể ăn bữa chính và ăn nhẹ trong suốt ngày với sự cân bằng dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh về protein, chất xơ, tinh bột, chất béo,... Đừng để khoảng 3-4 giờ mà không ăn gì bởi vì như thế bạn sẽ bị đói, nó sẽ kích thích cơ thể ăn nhanh, ăn nhiều hơn dẫn đến tăng cân và các vấn đề về đường tiêu hóa.

- Ăn cơm không nên chan canh. Nhiều người có thói quen ăn cơm chan canh, tức là cho nước canh trộn lẫn vào cơm rồi ăn. Có thể bạn không biết, việc chan canh ăn như vậy dù là "dễ nuốt" nhưng cơm và thức ăn lại chưa được nhai kỹ. Khi chan cơm vào canh, chúng ta cho vào miệng và chỉ nhai vài lần là có thể dễ dàng nuốt trôi theo quán tính.

Khi cơm nguyên hạt trôi vào dạ dày, cơ quan này sẽ phải làm việc rất vất vả để tiêu hóa thức ăn, tạo ra gánh nặng quá lớn, dẫn đến tiêu hóa kém, và sinh ra bệnh dạ dày.

(Theo Một thế giới)