Du lịch

Tại sao khách trên du thuyền MS Westerdam bị các nước 'truy tìm'?

Ngọc Nga • 18-02-2020 • Lượt xem: 1680
Tại sao khách trên du thuyền MS Westerdam bị các nước 'truy tìm'?

Niềm vui được cập cảng Sihanoukville, Campuchia chưa bao lâu thì hàng nghìn khách trên du thuyền MS Westerdam lại thấp thỏm lo lắng khi biết một nữ du khách Mỹ nhiễm Covid-19. Hiện, các nước đang truy tìm hơn 130 hành khách đã tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân này để cách ly, phòng ngừa dịch bệnh.

Tin, bài liên quan:

Du thuyền bị "hắt hủi" cập cảng Sihanoukville, dân Campuchia lo lắng

Số phận long đong của du thuyền bị 4 nước ‘hắt hủi’

Sau hơn 2 tuần lênh đênh trên biển, và bị 5 quốc gia, vùng lãnh thổ “hắt hủi”, sáng 13/2, hàng nghìn khách trên du thuyền MS Westerdam thở phào nhẹ nhõm khi được cập cảng Sihanoukville, Campuchia. Hơn 630 hành khách trên du thuyền đã rời Campuchia bằng đường hàng không.

Cơ quan Hàng không dân dụng Campuchia (SSCA) cho biết, trong số 2.257 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn của tàu MS Westerdam có 494 người đã đã rời sân bay quốc tế Phnom Penh, 145 người rời sân bay Sihanoukville để về nhà. Tuy nhiên, trong số 145 khách của tàu MS Westerdam đến Malaysia để quá cảnh về Mỹ, một nữ du khách 83 tuổi được xác định nhiễm covid-19 sau hai lần xét nghiệm. Đây là hành khách đầu tiên trên du thuyền MS Westerdam dương tính với virus corona. Chồng của nữ du khách này âm tính với covid-19.

Hành khách trên du thuyền MS Westerdam vui mừng khi xuống tàu tại Sihanoukville, Campuchia 

Khoảng 137 trong số 145 hành khách quá cảnh ở Malaysia đã đi đến các quốc gia khác từ ngày 16/2 vì không có triệu chứng nhiễm bệnh. Trong khi đó, hàng chục hành khách khác của du thuyền MS Westerdam đã bay sang Thái Lan và nối chuyến tới các nước khác. Malaysia tuyên bố không cho phép bất kỳ hành khách nào của du thuyền MS Westerdam quá cảnh, ba chuyến bay sơ tán đưa khách ra khỏi Campuchia cũng bị hủy.  

Công ty Holland America, điều hành du thuyền MS Westerdam, cho biết đang phối hợp với cơ quan y tế ở Malaysia, Campuchia, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để điều tra và theo dõi các hành khách có thể tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân trên nhưng đã rời tàu về nhà.

Hành khách rời du thuyền MS Westerdam sau khi kiểm tra y tế

Công ty này cũng cho biết không phát hiện thêm trường hợp nào khác có triệu chứng nhiễm bệnh trong số 1.454 hành khách và 802 người thuộc thủy thủ đoàn. Thông cáo từ công ty Holland America cho biết: "Những khách đã về tới nhà sẽ được cơ quan y tế tại địa phương liên lạc, họ cũng sẽ được cung cấp thêm các thông tin khác".

Việc có hành khách trên du thuyền MS Westerdam nhiễm covid-19 khiến nhiều người e ngại khi trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra đón tàu MS Westerdam mà không đeo khẩu trang. Thậm chí, mạng xã hội Campuchia còn dậy sóng khi tài khoản Facebook Neang Sokhun đưa thông tin khẳng định ông Hun Sen nhiễm virus corona.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra đón du thuyền MS Westerdam

Bộ Y tế Campuchia đã bác bỏ tin này. Ngày 17/2, Thời báo Khmer dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Or Vandine khẳng định: "Đây là tin giả. Chúng tôi đã yêu cầu cảnh sát có hành động pháp lý đối với họ". Các quan chức Bộ Y tế Campuchia cũng kiểm tra lại các mẫu xét nghiệm của 223 hành khách còn lại trên tàu Westerdam, nhằm đảm bảo họ không nhiễm virus corona và có thể bay về nhà.

Trong khi đó, chiều 17/2, 100 hành khách tại khách sạn Sokha được chính phủ Campuchia tổ chức tham quan thủ đô Phnom Penh miễn phí. Họ ngồi chung xe buýt, tươi cười, chụp ảnh và không đeo khẩu trang. Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết trên Facebook cho biết tổng cộng 500 du khách thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đang được bố trí ở tại khách sạn Sokha ở Phnom Penh sau khi trải qua các cuộc kiểm tra y tế và không phát hiệu triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp do nCoV.

100 hành khách của du thuyền MS Westerdam được tham quan Phnom Penh miễn phí

Du thuyền MS Westerdam của hãng Holland America, trực thuộc tập đoàn Carnival chở 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn, rời Hồng Kông ngày 1/2 với hải trình đi qua Đài Loan và Nhật Bản kéo dài 14 ngày. Tàu cập cảng Campuchia hôm 13/2 sau khi bị từ chối nhập cảnh tại Guam (Mỹ), Philippines, Đài Loan, Nhật Bản và Thái Lan do lo ngại Covid-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi động thái từ Campuchia “là một ví dụ điển hình của đoàn kết quốc tế mà chúng tôi liên tục kêu gọi”. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi hành động đến cảng Sihanoukville tiếp đón, bắt tay và tặng hoa cho hành khách của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.