“Cái răng cái tóc là góc con người”. Sẽ không biết thế nào là đủ để nói đến tầm quan trọng của việc chăm sóc răng và nướu. Nhưng để hiểu được điều đó, trước hết chúng ta cần phải biết về tầm quan trọng của răng qua một tóm tắt sơ lượt sau đây: Răng góp phần cấu tạo nên cấu trúc khuôn mặt, chúng giúp chúng ta nhai và tiêu hoá thức ăn, giúp chúng ta nói và phát âm được nhiều âm thanh khác nhau. Răng cũng tạo nên một trong những “tài sản” tuyệt vời nhất ở mỗi người, đó là nụ cười khoẻ đẹp.
Gây các bệnh lý răng miệng:
Một số bệnh như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, hôi miệng, … hay nghiêm trọng hơn là nguy cơ ung thư miệng có thể sẽ xảy ra nếu bạn không biết cách giữ răng và nướu khoẻ mạnh. Từ việc ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt nhưng không vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng sẽ tạo thành các mảng bám, từ đây, các vi khuẩn sẽ gây hôi miệng cũng như tạo thành axit tấn công men răng gây ra sâu răng. Bên cạnh đó, mảng bám tích tụ gần viền nướu răng, dần cứng lại tạo thành cao răng, khiến nướu tụt khỏi răng, bị kích ứng và nhiễm trùng. Nghiêm trọng hơn, bệnh viêm nướu có thể khiến răng rụng.
Ảnh hưởng sức khoẻ tổng thể:
(Nguồn: Internet)
Những điều trên có thể là quá phổ biến để bạn biết đến. Vẫn còn một điều cực kỳ quan trọng và nghiêm trọng mà bạn cần biết thêm, đó là sức khoẻ răng miệng có tác động trực tiếp đến sức khoẻ tổng thể của bạn. Vệ sinh răng miệng kém tạo cơ hội cho vi khuẩn dư thừa trong miệng xâm nhập vào máu, gây đông máu cản trở tim hoạt động. Nó cũng có thể gây viêm mạch máu, chặn nguồn cung cấp máu lên não gây ra đột quỵ. Và đã có nghiên cứu mới chỉ ra rằng bệnh viêm nướu dẫn đến tiểu đường.
Tác động đến khả năng nhai và nói:
(Nguồn: Internet)
Khi răng và nướu không được chắc khoẻ thường gây ra hiện tượng chảy máu chân răng, buốt răng, dẫn đến răng nhạy cảm, dễ đau và khó khăn trong việc nhai thức ăn. Điều này sẽ khiến quá trình nhai nuốt và tiêu hoá thức ăn không còn hiệu quả. Những người có răng nướu yếu, răng thưa, răng rụng thì khi nói và phát âm cũng gặp nhiều khó khăn hơn, không thể phát âm tròn vành rõ chữ.
Giảm sự tự tin khi giao tiếp:
(Nguồn: Internet)
Khi bạn có hàm răng khoẻ đẹp, bạn có thể tự tin mỉm cười. Một nụ cười đẹp như một món trang sức giá trị, có thể giúp chúng ta dễ dàng điều hướng câu chuyện hoặc tăng tính thuyết phục khi đàm phán trong cuộc sống. Bạn sẽ không phải ngại ngùng về hàm răng của mình, có thể mỉm cười và giao tiếp một cách thoái mái, tự tin. Đó là điều mà bạn sẽ không thể làm được nếu hàm răng của bạn không thật sự ổn.
PHƯƠNG PHÁP CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐÚNG CÁCH:
Dù hệ luỵ nghe có vẻ kinh khủng, nhưng lại rất đơn giản để bạn có thể tránh nguy cơ mắc phải các vấn đề trên. Bạn chỉ cần chăm chỉ vệ sinh răng miệng hàng ngày thật tốt để giữ cho răng, nướu sạch sẽ và khoẻ mạnh. Tuy nhiên, các phương pháp vệ sinh của bạn phải đảm bảo đúng kỹ thuật thì mọi nỗ lực của bạn mới đạt hiệu quả.
Lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp:
Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và kem đánh răng có chứa fluoride với nồng độ phù hợp. Đánh răng theo hình tròn và nhẹ nhàng để tăng hiệu quả loại bỏ các mảng bám, đồng thời không gây tổn hại đến nướu, làm tụt nướu răng.
Không nên lạm dụng chỉ nha khoa:
(Nguồn: Internet)
Chỉ cần dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần, tốt là vào ban đêm. Nó giúp loại bỏ các hạt thức ăn và mảnh vụ còn kẹt lại giữa các kẽ răng mà bàn chải không thể chạm tới.
Vệ sinh kỹ hơn khi ăn đồ ngọt:
Khi nói đến đồ ăn và đồ uống, rõ ràng là có những món không tốt cho răng miệng, đặc biệt là đồ ăn chứa đường. Nhưng chúng ta cũng không thể tránh hết tất cả các món ăn ngọt trong ngày, vì vậy hãy nhớ đánh răng sau khi ăn hoặc uống nhiều nước hơn để rửa trôi hết chất đường còn dính lại trong khoang miệng.
Kết hợp bảo vệ nướu:
Bạn có thể dùng nước súc miệng hàng ngày để tăng khả năng loại bỏ các ổ vi khuẩn tích tụ dọc nướu. Không hút thuốc vì điều này gây hại rất lớn đến nướu và sức khoẻ răng miệng nói chung. Nếu nướu có biểu hiện sưng đau, tấy đỏ hoặc chảy máu, nó đang báo hiệu: “Tôi không được khoẻ”.
Thăm khám nha sĩ định kỳ:
(Nguồn: Internet)
Bạn nên đi kiểm tra răng miệng 6 tháng một lần để duy trì răng và nướu luôn ở trạng thái khoẻ mạnh nhất. Kế hoạch thăm khám định kỳ giúp tìm ra các dấu hiệu sâu răng, bệnh nướu và các vấn đề răng miệng tiềm ẩn khác nếu có. Nha sĩ cũng sẽ vệ sinh răng miệng giúp loại bỏ lớp vi khuẩn tích tụ, cũng như các mảng bám và cao răng cứng đầu khác sau một thời gian dài ăn uống.
Nếu bạn chưa có thói quen này, bạn thật sự nên bắt đầu lên kế hoạch vào thời gian tới. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn về răng miệng ngay từ ban đầu, còn hơn là bạn phải tồn nhiều thời gian và tiền bạc, thậm chí là chịu đau đớn để khắc phục các vấn đề không mong đợi.
KẾT LUẬN:
(Nguồn: Internet)
Chăm sóc răng và nướu, ngăn ngừa các rủi ro tiềm ẩn đến sức khoẻ không phải là điều khó khăn. Bằng cách nuôi dưỡng thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày, thăm khám nha sĩ định kỳ, bạn có thể sở hữu một hàm răng và nướu khoẻ đẹp. Một điều tưởng chừng đơn giản, nhưng đem lại cho bạn một nụ cười rạng rỡ, tự tin và nhiều lợi ích về sức khoẻ khác vô cùng to lớn.