Duyên Dáng Việt Nam

Taxi bay: Từ màn ảnh bước ra đời thực

Hòa Bảo • 29-09-2020 • Lượt xem: 1872
Taxi bay: Từ màn ảnh bước ra đời thực

Di chuyển trên bầu trời bằng taxi bay: Điều viển vông hay giấc mơ sắp thành hiện thực?

Theo đánh giá của Morgan Stanley Research, thị trường taxi bay sẽ phát triển nhanh chóng trong thập niên này, sau đó bùng nổ trên toàn cầu và có thể có giá trị tới 1,5 nghìn tỉ USD vào năm 2040.

Một nghiên cứu khác của Công ty Frost và Sullivan cho thấy taxi bay sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2022 tại Dubai và phát triển với tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm 46% cho đến khi đạt trên 430.000 phương tiện hoạt động vào năm 2040.

Thúc đẩy xu hướng này là sự phát triển của nhiều công nghệ như máy bay không người lái, lái xe tự hành, pin và các kỹ thuật sản xuất tiên tiến khác

Taxi bay 5 chỗ của Lilium có thể bay gần 300 km/h.

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty, từ các công ty khởi nghiệp cho đến các công ty ô tô và hàng không lớn đang gấp rút giành lấy chỗ đứng trên thị trường non trẻ này. Họ bị thu hút bởi thực tế là taxi bay có khả năng giảm đáng kể chi phí vận hành và bảo trì.

Taxi bay đã sẵn sàng để thay đổi cách di chuyển trên toàn thế giới

Taxi bay hiện có nhiều hình dạng và kích cỡ. Hầu hết mang dáng dấp của máy bay nhưng động cơ điện thay thế động cơ phản lực, có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) để tránh sự cần thiết của đường băng dài... Chỉ có một vài công ty đang chế tạo những chiếc taxi bay trông giống như những chiếc xe có cánh.

Tháng 1 vừa qua, Toyota cho biết, họ đang đầu tư 394 triệu USD vào Công ty Joby Aviation (có trụ sở tại Thung lũng Silicon), nơi đang nghiên cứu phát triển một mẫu taxi bay VTOL. Sự đầu tư này sẽ giúp Joby Aviation có thể triển khai dịch vụ taxi bay vào năm 2023 với mong muốn giúp khoảng 1 tỉ người tiết kiệm hơn 1 giờ đi lại mỗi ngày.

Mojgan Khalili (người phát ngôn của Joby Aviation) cho biết: Joby đã phát triển công nghệ tiên tiến, thiết kế tinh tế và tích hợp lại để tạo nên chiếc máy bay tuyệt vời. Chiếc máy bay của chúng tôi được thiết kế cho 4 hành khách và 1 phi công. Nó có thể di chuyển hơn 240 km trong một lần sạc, đặc biệt khi cất cánh và hạ cánh nó yên tĩnh gấp 100 lần so với máy bay thông thường.

 

Mẫu taxi bay của Joby Aviation.

Trong khi đó, Uber cho biết họ muốn bắt đầu thử nghiệm các phương tiện VTOL trong năm nay và ra mắt chuyến đi chính thức đầu tiên sau 3 năm nữa. Dự kiến các nơi họ sẽ triển khai dịch vụ đầu tiên là: Dallas, Los Angeles và Melbourne.

Hiện tại, Uber đang có kế hoạch hợp tác với Hyundai. Ông Eric Allison - người đứng đầu Uber Elevate cho biết: Chúng tôi tin rằng, sức mạnh cơ khí của Hyundai kết hợp với nền tảng công nghệ của Uber sẽ mang lại sự đột phá về chất lượng và giá cả. Sự kết hợp này sẽ là bước tiến dài trong việc hình thành một mạng lưới taxi bay sôi động trong những năm tới. Bên cạnh đó, Uber còn đang hợp tác với Boeing và đã bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm trên những chiếc taxi bay nguyên mẫu.

Ngoài các tên tuổi quen thuộc trên, lĩnh vực này còn thu hút rất đông các ứng cử viên khác. Lilium Aviation, một công ty khởi nghiệp, của Đức đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm đầu tiên đối với chiếc taxi bay VTOL điều khiển từ xa. Volocopter (Đức) đang được hỗ trợ bởi Intel, Daimler và Geely cũng đã thực hiện hơn 1.000 chuyến bay thử nghiệm với mục đích thương mại hóa trong vòng 5-10 năm tới...

Hầu hết mọi người đều tin rằng, khi taxi bay được thương mại hóa rộng rãi, chắc chắn sẽ giúp con người tiết kiệm thời gian và giảm bớt gánh nặng giao thông trên đường phố. Tuy nhiên, sự phát triển của taxi bay cũng phải đối mặt với nhiều rào cản. Trong đó nổi bật là mối lo ngại về sự an toàn. Bởi giai đoạn đầu, taxi bay có thể có người lái, nhưng tương lai đây sẽ là các phương tiện điều khiển từ xa, không người lái. Với việc ứng dụng các công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... đây có thể là mục tiêu tấn công của tin tặc. Ngoài ra, khi di chuyển, taxi bay còn có thể gây nguy hiểm cho các máy bay khác. Chính vì vậy, các quy định trong phát triển taxi bay phải bao gồm nhiều thứ, từ an toàn phương tiện, khả năng vận chuyển hàng không và kiểm soát giao thông đến ô nhiễm tiếng ồn, chứng nhận vận hành và bảo mật phần mềm.

Những chiếc ô tô bay giờ không còn là trên màn ảnh nữa!

Hôm 30/8, CNN đưa tin một công ty Nhật Bản tuyên bố đã thử nghiệm thành công việc lái một chiếc ô tô có khả năng bay được trên không trung.

Theo đó, công ty Nhật có tên Sky Drive Inc cho biết, cuộc thử nghiệm đã diễn ra vào ngày 25/8. Đây là lần đầu tiên họ trình diễn bay thử trước công chúng một chiếc ô tô có thể bay trong lịch sử Nhật Bản.

Chiếc ô tô đặc biệt này có tên SD-03, được lái bởi 1 phi công, đã cất cánh và bay lòng vòng trên không ở địa điểm bay thử khoảng 4 phút.

CEO Tomohiro Fukuzawa của công ty này nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thành công trong việc tiến hành chuyến bay đầu tiên từ trước đến nay ở Nhật của một chiếc ô tô bay, chỉ 2 năm từ khi thành lập SkyDrive”.

Chiếc ô tô bay SD-03 trong quá trình bay thử nghiệm - Ảnh: Reuters

SD-03 là phương tiện cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện nhỏ nhất thế giới, chiếm không gian khoảng hai chiếc ô tô đang đậu, theo công ty. Nó được trang bị 8 động cơ để đảm bảo "an toàn trong các tình huống khẩn cấp”.

Chiếc ô tô bay với phi công ngồi trên - Ảnh: Toru Hanai/Bloomberg

Công ty cho biết trong tương lai sẽ có nhiều chuyến bay thử nghiệm hơn trong các điều kiện khác nhau để đảm bảo độ an toàn và công nghệ của phương tiện đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành.

Công ty sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ để phóng chiếc ô tô bay vào năm 2023 một cách an toàn và chắc chắn. Hiện giá của phương tiện này chưa được công bố.

(Theo CNBC, Bloomberg)