Duyên Dáng Việt Nam

Tay cự phách

Thoại Vy • 25-06-2018 • Lượt xem: 1471
Tay cự phách

Bạn đọc mê tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung ai cũng thích bộ “Tiếu ngạo giang hồ”. Tên của tác phẩm đồng thời cũng là tên tuyệt phẩm do hai cao thủ thuộc hai môn phái đối lập trên giang hồ phối hợp sáng tác. Một là Lưu Chính Phong, sư đệ của chưởng môn phái Hành Sơn - danh môn. Người kia là Khúc Dương, trưởng lão của Nhật Nguyệt Thần Giáo - tà phái.

Điều kì lạ là nhạc khúc Tiếu ngạo giang hồ xuyên suốt tác phẩm lại là khúc tráng ca hào hùng ca ngợi hòa bình, tự do và phản đối những cuộc tranh đấu tương tàn trong giang hồ giữa hai trường phái “Chính giáo” và “Ma giáo”. Tuyệt phẩm bi tráng trên được cầm - tiêu hợp tấu. Khúc Dương trưởng lão sử (gảy) Thất huyền cầm (đàn có 7 dây; còn gọi là Cổ cầm hay Dao cầm. Ban đầu có 5 dây là “Cung, Thương, Dốc, Chủy, Vũ”; sau thêm hai dây Văn - Võ). Còn Lưu Chính Phong lại dụng (thổi) tiêu. Khi hai cao thủ song tấu: tiếng tiêu thanh thoát và khoáng đạt quyện với tiếng cầm mạnh mẽ và trầm hùng tạo nên tuyệt khúc. Theo truyền ngôn, Tiếu ngạo giang hồ được hai cao thủ đồng thời là hai nhạc sĩ tài hoa phát triển từ khúc “Quảng lăng/ Quảng Lăng tán” của hiền sĩ Kê Khang (nhạc sư cuối đời Tam Quốc – một trong “Bảy hiền triết trong rừng trúc”). Trong “Truyện Kiều” có nhắc đến tên nhạc phẩm này:

Khúc đâu Tư Mã - Phượng cầu

Nghe ra như oán như sầu phải chăng!

Kê Khang này khúc Quảng lăng

Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.

Quá quan này khúc Chiêu Quân.

Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia..

Chỉ trong một đoản thi mà Nguyễn Du điểm tên đến ba danh khúc và ẩn tàng một điển khúc. Theo “Tình sử”, để tán đổ được nàng Trác Văn Quân, Tư Mã Tương Như (còn gọi là Tràng Khanh/ Trường Khanh) là người đời Hán: văn hay, đàn giỏi … đã trổ tài bằng khúc “Phượng cầu Hoàng” nức tiếng. Còn Kê Khang vốn nổi danh trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” như là người sành cả “cầm, kì, thi, họa”. Khúc Quảng Lăng của Kê Khang tấu lên thoảng nhẹ như mây bay (hành vân), lưu loát như nước chảy (lưu thủy). Nhạc phẩm tiêu dao này lại nhắc ta nhớ đến tình bạn tri giao giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ - tương thông cũng nhờ ngón đàn. Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Tử Kỳ lại có tài thẩm âm (tai nghe) và nhạc cảm tuyệt vời. Bá Nha lúc đàn, chí nghĩ đến non cao, Tử Kỳ hình dung thấy mây bay ngang trời; lòng hướng về mênh mông sông biển, tri âm lại miên man bảo rằng thấy nước nhè nhẹ chảy xuôi … Thẩm thấu đến thế, người nghe cũng xứng bậc kì tài.

Lần đầu Kiều lấy cầm trăng (đàn nguyệt) gảy những nhạc khúc danh bất hư truyền cho Kim Trọng nghe, Tố Như tiên sinh có đề cập đến tình bạn tri âm này “Rằng: Nghe nổi tiếng cầm đài/ Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Khỏi phải bàn rằng được tai nghe tinh lắng như Tử Kỳ (Kim Trọng) thì Kiều đã đem hết ngón đàn tuyệt kĩ tinh anh phát tiết ra hầu người nghe thế nào. Bạn đọc nào đó bảo Nguyễn Du tả tình yêu Kim Kiều là kiểu “sét đánh” :) vào buổi chiều Thanh minh nọ nhưng người viết thì bảo đó là … tình cầm. Chỉ đến khi Kiều tấu khúc thần sầu thì mối lòng cả hai mới liền lạc “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời …”.

Còn danh khúc thứ ba - “khúc Chiêu Quân” - là khúc đàn ly biệt do nàng Vương Chiêu Quân, một trong “tứ đại mĩ nhân” có dung nhan lạc nhạn, tấu lên ai oán khi qua cửa ải Hán – Hồ, trên đường sang Hung Nô làm tỳ thiếp cho Thiền Vu.

Trong tác phẩm “Chùa Đàn”, Nguyễn Tuân đã để cho ba con người yêu cái đẹp là Bá Nhỡ, cô Tơ và Lãnh Út – chủ ấp Mê Thảo cùng giao cảm và thăng hoa trong tiếng tơ lòng của anh kép đàn tài hoa Bá Nhỡ. Để báo ơn Lãnh Út đã cưu mang mình, Bá Nhỡ quyết đánh đổi mạng sống của mình lấy những giây phút anh hoa phát tiết của nghệ thuật. Cả ba cùng phối hợp ăn ý: cô Tơ – một đào hát lừng danh đã giải nghệ (hát ả đào), lãnh Út cầm trống chầu và Bá Nhỡ đánh đàn (đàn Đáy) là đoạn hay nhất trong “Chùa Đàn”. Khi dựng phim “Mê Thảo”, nữ đạo diễn Việt Linh cũng lấy đoạn văn này dùng làm phân cảnh chính để phát triển mạch chuyện.  

Trở lại tuyệt tác “Tiếu ngạo giang hồ”, Lưu Chính Phong kết giao tri kỉ với người bên kia chiến tuyến (tà giáo) là Khúc Dương nên tiếng tiêu của ông lạc lõng ngay trong chính hàng ngũ của mình. Nhưng chí ít, thanh âm tiêu – cầm quấn quýt giao hòa của họ, dù bi thương vào phút cuối, cũng cùng nhau song tấu về cõi vĩnh hằng. Còn số mệnh đặt bày cho sư huynh của Lưu Chính Phong là Mạc Đại – chưởng môn phái Hành Sơn – suốt đời phải chịu lưu đày trong đơn độc. Giữa Lưu Chính Phong và Mạc Đại dù cùng chung môn phái nhưng lại không cùng tiếng nói có thể xuất phát từ bất đồng quan điểm về âm nhạc. Tiếng tiêu của Chính Phong sư đệ thanh thoát, lạc quan, sống động…; thanh âm hồ cầm của Mạc Đại sư huynh lại  trầm tư, nhiều phần thê lương, u uất …

 Danh cầm và danh kiếm có giống nhau khi đạt đến trạng thái “duy ngã độc tôn” theo kiểu Độc Cô Cầu Bại hay không ?. Chỉ biết rằng ngón đàn hay kiếm pháp chạm đến bất phàm khi đạt đến cảnh giới “vô ngã”. Nhưng buồn thay, lúc độc tấu khúc “Tiêu Tương Dạ Vũ” trong đêm, lỡ có chếnh choáng vấp, Mạc Đại tiên sinh chỉ biết ngã vào mình.