Làn da của cơ thể con người luôn có cơ chế tự phục hồi liên tục và thay thế những tế bào da mới.
Da của chúng ta trải qua một chu kỳ thay thế tự nhiên sau mỗi 30 ngày hoặc lâu hơn. Cơ thể loại bỏ khoảng 30.000 - 40.000 tế bào da chết mỗi ngày. Khi điều này xảy ra, lớp trên của da (biểu bì) sẽ bong ra, để lộ lớp da mới từ lớp giữa của da (hạ bì).
Tuy nhiên, chu kỳ luân chuyển tế bào không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy. Đôi khi, các tế bào da chết không được loại bỏ hết, khiến da sần sùi và lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn kết hợp với tế bào da chết, bụi bẩn, dầu nhờn trên da sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và nổi mụn trứng cá. Do vậy, nếu muốn da đẹp thì cần phải tẩy tế bào chết.
Hầu hết các chuyên gia tư vấn làm đẹp, nhân viên bán mỹ phẩm và nhà sản xuất đều khuyến cáo chị em nên tẩy tế bào chết cho da đều đặn từ 1 – 2 lần/ tuần.
Tẩy tế bào chết là một bước quan trọng trong quá trình chăm sóc da và mang lại nhiều lợi ích cho làn da mà phái đẹp không ngờ tới.
Làn da của con người luôn có cơ chế tự phục hồi và thay thế. Vì thế những tế bào da chết chưa bị bong ra có thể xuất hiện trên khắp cơ thể. Thông thường, mỗi ngày làn da của chúng ta sản sinh ra khoảng 5 tỷ tế bào mới và những tế bào cũ đã chết sẽ tự bong tróc. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà tế bào chết đó không rơi được mà bám vào bề mặt da, lâu dần thành một lớp sừng dày làm cho bụi bẩn dễ dàng bám vào, khiến da trở nên khô ráp, lỗ chân lông giãn to, sần sùi và xỉn màu. Khi chúng ta tẩy tế bào chết thường xuyên, giúp da mịn màng, tươi sáng và khỏe mạnh hơn.
Nếu làn da của bạn dễ bị mụn trứng cá, tẩy tế bào chết có thể giúp làm sạch lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu, vi khuẩn và bụi bẩn, cho da có khoảng “thở” điều hòa, qua đó hạn chế sự xuất hiện của mụn trứng cá. Ngoài ra tẩy tế bào chết còn giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào da, kích thích sản sinh collagen do đó giúp làm mờ sẹo và vết thâm hiệu quả.
Một lý do khác là vấn đề sức khỏe của làn da. Các tế bào chết góp phần ngăn cản sự tiếp xúc của các sản phẩm chăm sóc da, làm hạn chế tác động của các sản phẩm này lên da. Sau khi tẩy tế bào chết làn da được sạch sẽ, thông thoáng, đây là thời điểm tốt nhất để sử dụng các sản phẩm kem dưỡng da, các chất điều trị cũng như các loại mỹ phẩm khác. Da dễ dàng hấp thu các dưỡng chất trong kem và phát huy tối đa công dụng.
Theo các nghiên cứu cho thấy quá trình tự loại bỏ các tế bào chết trên da diễn ra mạnh mẽ ở giai đoạn trước năm 30 tuổi, còn từ 30 tuổi trở lên thì chu kỳ tái tạo da ngày càng chậm. Do đó, tế bào da chết càng khó bong tróc, lưu lại một lớp dày trên bề mặt da khiến da mất nước, hạn chế sự tái tạo tế bào mới, dẫn đến da sớm xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, sạm, nám, đốm nâu, tàn nhang và khô sần.
Tẩy da chết là quá trình loại bỏ các tế bào chết bằng cách chà xát lên da hoặc dùng chất hóa học. Có hai cách tẩy tế bào chết cho da tại nhà: tẩy tế bào chết hóa học hoặc tẩy tế bào chết vật lý.
- Tẩy da chết vật lý là sử dụng một công cụ, chẳng hạn như khăn, miếng bọt biển và các hạt nhỏ li ti để loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da.
- Tẩy da chết hóa học là sử dụng các hóa chất, chẳng hạn như axit hydroxy alpha và beta, để nhẹ nhàng hòa tan các tế bào da chết.
Tần suất tẩy tế bào da chết tùy thuộc vào loại da và phương pháp tẩy da chết. Không tẩy tế bào chết quá nhiều, vì điều này có thể dẫn đến mỏng da, mẩn đỏ và kích ứng.