Duyên Dáng Việt Nam

Tết nhà ngoại

Minh Minh • 23-01-2018 • Lượt xem: 1680
Tết nhà ngoại

Chẳng còn mấy nữa là đến tết. Mùa xuân là khởi đầu cho một năm mới trong vòng tuần hoàn của năm. Cũng có nhiều việc được vòng đi vòng lại như một vòng tuần hoàn trong cái tết cổ truyền dân tộc. Tôi nhìn ra ngoài trời lạnh buốt, sương mù lờ mờ bao phủ, vài búp non đang hé mắt ra nhìn làn sương mỏng bay bay trên mái tóc người đi đường. Nhẩn nha vào pha ấm trà độc ẩm bỗng nhớ tết xưa: Tết nhà ngoại.

Năm tôi 19 tuổi đi lấy chồng, tám năm sau bố tôi đột ngột qua đời do căn bệnh để lại thời chiến tranh. Tết năm ấy mẹ chồng tôi bảo vợ chồng con cái về nhà ngoại ăn tết cho nhà cửa bớt lạnh lẽo vì bố tôi mới mất. Thế là năm nay tôi không phải bần thần nhớ nhà mỗi khi giao thừa đến. Là con gái lớn trong nhà nên tết nào tôi cũng cùng mẹ làm biết bao nhiêu là việc. Hết dọn nhà, giặt giũ chăn màn rồi rửa lá cho bố gói bánh. Sau bố cũng chỉ có tôi biết gói bánh và trông bánh chưng cùng bố vì mẹ tôi vướng em bé. Mỗi giao thừa tôi đều để cho nước mắt lăn dài trên má với lời thầm thì: Con lấy chồng sớm nên không bao giờ được đón giao thừa cùng cả nhà và bưng mâm lễ cho mẹ cúng giao thừa nữa.

Năm nay là một ngoại lệ cho tôi có cơ hội được về ngoại ăn tết. Những ngày giáp tết tôi cùng các con trở về nhà. Dường như tôi thấy mình bé lại, tôi lại giành việc mang chăn chiếu ra sông giặt giũ, tuy trên ngực có đeo chiếc băng đen nhưng điều đó không làm tôi mấy quan tâm. Tôi lại được nghe tiếng các bà các chị rộn rã ở bến sông. Nước mùa này cạn nên mọi người phải xuống mãi dưới mới giặt giũ được. Ai ai thấy tôi cũng vui vẻ niềm nở, họ vui vì lâu lắm mới thấy tôi giặt giũ dưới bến khi năm hết tết đến. Mẹ tôi dù vẫn gầy guộc sau sự ra đi đột ngột của bố nhưng mắt mẹ ấm áp trở lại khi mẹ con tôi cùng về ăn tết với bà. Mấy đứa em tôi thì khỏi phải nói chúng vui mừng thế nào khi tết này có cả chị và các cháu ăn tết cùng.

Nhà tôi vẫn giữ tục gói bánh chưng, năm nay chỉ mình tôi gói bánh. Chỗ ngồi đối diện vắng bố. Tay tôi thoăn thoắt xếp lá, múc gạo, tra nhân. Tôi vẫn còn thấy hơi ấm của bố từ cái ghế đối diện nhắc tôi buộc thêm một lần lạt nữa để khi ép bánh cho vuông vắn, tiếng bố trầm trầm bảo tôi để vuông góc bánh cho gạo không tràn xuống lớp lá dưới. Mấy đứa em ngồi xuống học gói bánh, cả nhà xúm xít vui vẻ xua tan không khí buồn. Nếu không nhìn thấy mảnh băng đen trên ngực mỗi người thì có lẽ ai vào nhà lúc này cũng không biết nhà tôi có tang.

Chiều ba mươi mẹ tôi làm mâm cơm cúng bố. Không khí bỗng chùng lại khi mọi người chắp tay nhìn lên di ảnh bố. Bố tôi nhìn cả nhà với đôi mắt thân thương dịu hiền: Bố vẫn ở đây bên cả nhà, bố mừng vì con gái bố lâu lắm mới ăn tết. Nước mắt tôi ứa ra nhưng vội quay đi để không ai thấy. Tôi đoán cả nhà đang nhớ bố nhưng ai cũng cố nén vì năm nay chị và các cháu ăn tết ở nhà.

Giao thừa này tôi cùng mẹ sắp mâm lễ cúng, hai đứa con tôi cầm cái bánh chưng con nhảy tưng tưng. Chính chúng nó đã để không khí tết tràn vào nhà, tràn vào tâm hồn mẹ tôi. Mẹ mỉm cười ôm hai đứa cháu ngoại vào lòng rồi đứng trước bàn thờ nói gì với bố lâu lắm. Tôi ngắm ba bà cháu vái ông trong lòng thấy an nhiên vì thấy mắt mẹ không còn quá u buồn.

Đó là cái tết cuối cùng tôi được ăn tết trọn vẹn bên nhà ngoại.

Sau này tôi chỉ về thắp hương bố và lễ tết mẹ cuối năm. Thời gian trôi đi, các em tôi khôn lớn tung cánh bay xa. Mẹ về ở với vợ chồng tôi. Năm nào cả nhà cũng tập trung đón giao thừa nhưng cảm giác ăn tết nhà ngoại năm ấy vẫn in đậm trong tôi tới tận bây giờ./.