Vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến một vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng một phụ huynh tát cô giáo chủ ý quay clip sau đó phát tán lên mạng xã hội. Duyên Dáng Việt Nam có nhận được bài viết của nhạc sĩ, guitarist Nguyễn Văn Nho viết về việc này dưới góc nhìn một đồng nghiệp bởi cô giáo cũng là một nghệ sĩ guitar nổi tiếng trong CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng.
Nữ nghệ sĩ Guitar Nguyễn Thanh Hằng, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Conservatori Liceu, Barcelona, Tây Ban Nha, đã biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, trước khi cô quyết định về lại Việt Nam để mở Trung tâm Âm nhạc và năng khiếu Nghệ thuật. Nơi đây, cô đã kết hợp nhiều giáo viên (trong đó có giáo viên người nước ngoài) nhằm giảng dạy cho thanh thiếu niên về Thanh nhạc, sử dụng các nhạc cụ, Hội họa và Kịch nghệ thiếu nhi. Mun Art cùng ý tưởng xây dựng như thế, mới hình dung thôi, chắc ai cũng sẽ cảm thấy phải đối diện nhiều khó khăn. Nhưng chẳng sao cả, nếu Hằng làm được điều mình thích, và nếu cô ấy nghĩ rằng, phần thưởng lớn nhất chính là niềm vui trong công việc, thì sự giảm thiểu của lợi nhuận cũng như bao vất vả lo toan mà cô ấy bỏ ra chỉ là những vệt sóng luân hoàn lăn tăn tầm thường trong “biển hồ sinh cuộc”.
Nữ nghệ sĩ Guitar Nguyễn Thanh Hằng đang biểu diễn
Trong câu chuyện không vui vừa xảy ra, mà đa số người đang đọc những dòng này đều có nghe loáng thoáng qua truyền thông Internet, ta bắt gặp một đoạn video diễn tả người đàn bà tên Thy đã tát cô Hằng một cú rất mạnh. Con của bà Thy được bà chở tới trong đêm biểu diễn nội bộ của Trung tâm Mun Art, đứa bé chơi ngoài hành lang không vào, đến giờ diễn, các giáo viên, một phần bận bịu, phần khác, nghĩ đây là sinh hoạt thường kỳ, nên cháu nào không đến, cũng là điều dễ hiểu. Vậy mà khi xem video của Trung tâm, không thấy bóng dáng con mình, bà Thy đùng đùng nổi giận. Trung tâm đã xin lỗi, nhưng trong cuộc họp để phân trần đôi bên, bà ấy đã thẳng tay tát mạnh cô Hằng. Xin vui lòng xem clip đính kèm. Một cái tát không phải vì đang giằng co, đang lớn tiếng. Một cái tát sau khi bà lớn tiếng phát biểu những câu đề dẫn cho chính hành động của mình.
Đoạn video Cô Hằng bị bà Thy tát
Cô Hằng, với dáng hình ốm yếu, tái mặt đến phải nghẹn ngào. Đó là một đòn đau toàn diện, từ thể xác đến tâm hồn. Hằng lĩnh đòn ngay trong cuộc họp, ngay trước các nhân viên mà mình đang điều hành, ngay trước máy quay (điện thoại) mà người nhà bà Thy đang dàn dựng ghi hình, ngay trước khuôn mặt già nua hiền hậu của cha mình. Bạn phải xem nó mới được. Cha của Thanh Hằng, từ Hà Nội vào thăm, chỉ làm được điều duy nhất, ôm lấy người tát con mình, như đang muốn chặn ngang một dòng nước cống rãnh tụ họp từ các cống rãnh nhiều nơi đang có tham vọng xói mòn hình ảnh duy nhất mà mình đã ân cần cưu mang từ tấm bé, đứa con mà mình luôn dõi theo, dù mình đã già yếu.
Nhạc sĩ, guitarist Nguyễn Văn Nho (thứ ba, từ trái qua) và các thành viên trong CLB Guitar Cổ điển Đà Nẵng.
Và tôi biết Thanh Hằng, tôi biết vị cha già, nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Xen-lô của nhạc viện Hà Nội. Tôi biết Hugo, con của Hằng, cậu trai đẹp nhu mì, thông minh, cần mẫn, quốc tịch Tây Ban Nha, mà tôi đang dạy Toán bằng Tiếng Anh, để bạn ấy tiếp tục con đường của mình khi về lại nơi mình sinh ra nay mai, như một cậu học trò có năng khiếu Piano, và như một cậu học trò không bị gián đoạn mọi môn học dù ở nơi nào trên trái đất.
Khi Thanh Hằng biểu diễn chung cùng nhóm chúng tôi tại Hội An, cha của Hằng, nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, cũng cố gắng đi vào, từ Hà Nội, ông có mặt ở Hội An đúng 1 giờ trước biểu diễn, vì mua không được vé máy bay, và phải đi tàu. Và mới đây, tại Diamond Suites Hotel (16 Lý Thường Kiệt), ông cũng phát biểu, rồi ngồi bên dưới lắng nghe Thanh Hằng trình bày tác phẩm ông viết “Chợ Tình Sapa”, tác phẩm viết cho đàn Guitar. (Xin xem video đính kèm). Và bạn phải nhìn thấy ông ôm kẻ đánh con mình, bạn phải nhìn thấy ông im lặng ra sao, và bạn phải nhìn thấy Nguyễn Thanh Hằng tái mặt, đau đớn, lặng im.
Nữ nghệ sĩ Guitar Nguyễn Thanh Hằng biểu diễn tác phẩm “Chợ Tình Sapa”
Nữ nghệ sĩ Guitar Nguyễn Thanh Hằng (ôm hoa) trong một chương trình biểu diễn với các nghệ sĩ quốc tế.
Phải mà, bà Thy cùng người nhà đã thắng. Trong phút chốc, họ hả hê, và với tấm lòng cùng suy tư không vượt khỏi đồng tiền họ kiếm, không vượt khỏi những tranh đoạt thắng lợi cùng người cô thế ở nhân quần. Chính họ đã tung video đánh người lên mạng, như một khẳng định với nơi chốn họ sinh ra, với môi trường nhầy nhụa mà họ đang thở, rằng, đó là chiến công hiển hách, là thắng lợi cụ thể khi đem sự đê hèn đối trị cùng kẻ suy tư thấu đáo, và rằng, hỡi mọi loài trên trái đất, không loài vật nào có thể kháng cự được trong cơn dâng trào của những cống ngầm bại hoại, cơn địa chấn lôi đình của cặn bã tồn sinh.
Và cô Thanh Hằng, sau hôm ấy, bình tâm, cô khiếu kiện. Phải làm như vậy, kiện, dù khó có người giải quyết, nhưng cô những mong, trong quá trình tìm hiểu, người ta sẽ nhận ra đen trắng, và để cô bớt tổn thương. Bản thân tôi vẫn cứ thầm mong muốn, rằng, nhà hữu trách, ít ra cũng bỏ chút thời giờ, tìm hiểu sự việc. Họ có thể kết luận, và họ cũng có thể hành xử theo những điều luật nào đó mà họ nắm vững. Khiếu kiện, chưa hẳn là để trả thù. Và cũng vậy, Luật pháp cũng không phạt tội ai với mục đích trả thù. Mà cái chính là để răn đe người đã từng, hoặc chưa từng phạm tội.
Về phần mình, tôi đã trao đổi với cô Nguyễn Thanh Hằng và cô cũng đồng ý rằng, người đau nhất là người phạm lỗi, nếu như người bị hại chẳng có lỗi lầm gì. Lẽ ra, hành động của Bà Thy sẽ khiến chính bà ấy đau đớn, nhưng việc đưa video của chính người nhà mình quay lên, phải chăng tấm lòng bà ấy đã chai sạn do những nhầm lẫn khi nhìn nhận ý nghĩa cuộc đời? Rất nhiều người trong chúng ta đã từng đau đớn khi trong trong cơn nóng giận phải đánh một người, thậm chí, ta phải tìm mọi cách xin lỗi cho bằng được và nếu cần làm nhiều thứ đền bù, để sau đó mới có thể ngủ ngon.
Nhưng bà Thy đã chẳng thấy đau vì chính hành động nhất thời khi gây tổn thương kẻ khác, vậy ai đó, nếu không muốn nói là nhà hữu trách, phải làm bà ta thức tỉnh?
Để kết thúc những dòng này, những dòng mà chính tôi cũng khó chịu khi phải viết ra, tôi xin trích dẫn lời của Thomas Paine (1737-1809), một văn sĩ người Anh: “I prefer peace, but if trouble must come, let it come in my time, so that my children can live in peace”. “Tôi thích bình an hơn. Thế nhưng, nếu phải đối diện cùng tai ương rắc rối, tôi muốn nó xảy ra cho đời mình, để các con tôi được sống trong an bình lạc phúc".
Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Xen-lô và các thế hệ học sinh của mình đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội. (Ảnh gia đình cung cấp)
Buổi biểu diễn mới nhất của Guitar Nguyễn Thanh Hằng với nhạc trưởng Olivier (Pháp) và dàn nhạc giao hưởng SSO (Sun Symphomy Oquesta) ở nhà hát lớn Hà Nội.