Duyên Dáng Việt Nam

Thành phố biên giới Trung Quốc thiệt hại nặng vì Triều Tiên đóng cửa biên giới

Cẩm Bình • 11-05-2021 • Lượt xem: 626
Thành phố biên giới Trung Quốc thiệt hại nặng vì Triều Tiên đóng cửa biên giới

Hoạt động giao thương lẫn du lịch của thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) rơi vào cảnh kiệt quệ trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên đóng cửa biên giới chống dịch suốt hơn 1 năm qua.

Bước vào một nhà hàng Triều Tiên ở Đan Đông, hướng dẫn viên du lịch Simon kêu bia Taedonggang nhưng nữ phục vụ cho biết loại này hiện không có. Anh chắc chắn rằng bia hết hàng vì việc đi lại giữa 2 nước đang bị đình chỉ.

Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, trong năm ngoái bia Taedonggang cùng vài mặt hàng khác của Triều Tiên đều ngừng xuất sang Trung Quốc. Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới với nước láng giềng từ tháng 1.2020 – lúc dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tại Trung Quốc, việc đi lại cùng hoạt động giao thương bằng đường bộ, đường sắt lẫn đường biển gần như bị đình chỉ hoàn toàn. Khoảng 50.000 - 70.000 lao động Triều Tiên kẹt lại bên phía Trung Quốc.

Bất chấp kinh tế dần “thấm đòn” dịch bệnh và trừng phạt, Triều Tiên đến nay vẫn chưa mở cửa biên giới khôi phục giao thương.


Nay không thể tìm được bia Taedonggang tại Đan Đông - Ảnh: SCMP

Không phải toàn bộ hoạt động thương mại đều ngừng lại. Số liệu hải quan mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên trong tháng 3 đạt 12,98 triệu USD – lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu USD kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay.

Cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Triều Tiên chỉ đạt 48 triệu USD (giảm gần 78%) và nhập khẩu đạt 491 triệu USD (giảm gần 81%). Mặt hàng nhập khẩu chính suốt thời gian qua vẫn là phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Giáo sư Trương Huệ Trí thuộc đại học Cát Lâm lý giải: “Đây là những mặt hàng quan trọng phục vụ trồng trọt vụ xuân.

Theo học giả Lữ Siêu thuộc Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh: “Một số được vận chuyển bằng đường biển, hàng hóa cấp thiết hơn được vận chuyển bằng đường bộ qua cầu Đan Đông”.

Nhưng khi đến Đan Đông cuối tháng 4, phóng viên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) không thấy có xe lửa hay xe tải nào hoạt động trên cầu Hữu nghị Trung - Triều. Tác động của đóng cửa biên giới lên thành phố - cửa ngõ du lịch và giao thương giữa 2 nước - rất rõ ràng.

Tóc giả cùng lông mi giả là 2 trong số những mặt hàng mà người dân Trung - Triều hợp tác sản xuất và kinh doanh lâu nay. Một doanh nhân Trung Quốc tên Cui cho biết: “Toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng tôi vào năm ngoái gần như đình trệ”.

Như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn, Cui sẽ gửi nguyên liệu thô qua biên giới bằng xe tải cho đối tác Triều Tiên (lao động rẻ hơn) sản xuất bán thành phẩm, rồi đối tác gửi lại hàng cho họ hoàn thiện ra thành phẩm và đóng gói.

Từ cuối năm 2020, Cui phải thuê công nhân Trung Quốc để duy trì nhà xưởng ở Đan Đông. Sản phẩm làm ra chỉ bán trong nước.

Hàng loạt cửa hàng trong quận Chấn Hưng vốn sầm uất nhất thành phố đang đóng cửa im lìm. Nhưng đây đã là cảnh quen thuộc từ lúc dịch bùng phát cho đến nay.

Năm 2020, khu vực dịch vụ của nền kinh tế Đan Đông giảm 2,2%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thành phố chỉ tăng 0,4% – thấp hơn nhiều so với mức tăng cả nước là 2,3%.


Nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm - Ảnh: SCMP

Du lịch cũng chịu thiệt hại không kém thương mại. Bình thường nền kinh tế Đan Đông sẽ được hưởng lợi từ kỳ nghỉ Quốc tế lao động – khởi đầu mùa du lịch cao điểm sang Triều Tiên. Trước đại dịch, mỗi năm Triều Tiên đón khoảng 200.000 khách Trung Quốc.

Tour du lịch từ Đan Đông sang Triều Tiên được ưa thích đến nỗi một số công ty du lịch địa phương sẵn sàng trả gấp 3 - 5 lần tiền vé xe lửa để giữ chỗ cho khách. Cạnh tranh gay gắt khiến các công ty chấp nhận giảm lợi nhuận xuống mức 50 Nhân dân tệ/ khách.

Để tồn tại, công ty mà hướng dẫn viên du lịch Simon làm việc hiện chuyển sang bán trái cây trực tuyến qua mạng xã hội.

Kỳ nghỉ Quốc tế lao động lâu nay là cơ hội vàng cho nhà hàng và cơ sở bán lẻ tại Đan Đông, nhưng năm nay lại không như vậy.

Trang cung cấp dịch vụ lữ hành hàng đầu Trung Quốc Trip.com ghi nhận 200 triệu lượt đi lại trong nước nhân dịp kỳ nghỉ dài vừa qua – cao hơn 195 triệu lượt của năm 2019. Tuy nhiên rất ít người đến Đan Đông, mỗi ngày của dịp lễ chỉ có 3 - 4 chuyến phà cùng lúc chạy dọc biên giới giáp Triều Tiên tham quan (thay vì ít nhất 8 chuyến chạy cùng lúc trước khi dịch bệnh bùng phát).

Theo 1thegioi.vn