Duyên Dáng Việt Nam

Thói quen chơi cùng vật nuôi, dễ gây bệnh!

A. K • 22-05-2018 • Lượt xem: 1026
Thói quen chơi cùng vật nuôi, dễ gây bệnh!

Mùa hè nắng nóng, chơi cùng thú nuôi như chó, mèo dễ sinh ra bệnh truyền nhiễm vì mùa hè là mùa bệnh dại của thú nuôi dễ phát triển.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một số bệnh nhi bị thú cưng (chó, mèo) tấn công có nghi ngờ mắc bệnh dại. Khi thú cưng (chó) chết, cha mẹ mới hoảng hốt đưa con đi tiêm vắc xin phòng dại và điều trị.

Bé Nguyễn Văn Nam hơn 20 tháng tuổi không may bị chó nhà cắn khiến tổn thương chằng chịt trên mặt. Người nhà bệnh nhi cho biết chó được nuôi trong nhà cách đây 5 năm. Gần đây, chó nhà đẻ con nên gia đình không cho bé Nam chơi cùng.

Ảnh minh họa

Vào cuối giờ chiều ngày 16/5, khi gia đình không chú ý, bé Nam đã ra chuồng chó bế chó con chơi. Khi đó, chó mẹ cắn vào mặt, đầu bé Nam. Sau khi nghe tiếng khóc thét, mẹ bé Nam vội vàng chạy ra thì phát hiện khuôn mặt của con đã chằng chịt vết thương, máu chảy quá nhiều. Sau đó, chị Nhung đã đưa con tới viện cấp cứu ngay lập tức. Bệnh nhi này được tiêm phòng dại ngay sau đó.

Bé Nam sau khi bị vật nuôi cắn phải đi điều trị tại bệnh viện

Vật nuôi chó, mèo nhiễm vi rút dại không sống quá một tuần, vì vậy khi vật nuôi chết cần phải đi tiêm phòng ngay. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Người và vật nuôi bị nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Người bị chó dại cắn có thời gian phát bệnh trung bình từ 3-6 tháng.

Đặc điểm của người bị nhiễm virut dại ở thể viêm não là mất ngủ, bồn chồn xuất hiện kích thích sợ nước, sợ gió. Bệnh nhân sẽ tử vong một tuần sau khi phát bệnh. Ở thể liệt, người bệnh bị liệt lan dần từ chân lên tới các bộ phận khác rồi tử vong. Đặc điểm bệnh nhân dại thường tỉnh táo, cảm nhận hết nỗi đau đớn tới chết.

Chuyên gia cảnh báo gia đình có nuôi vật nuôi như: chó, mèo, thú cưng cần phải tiêm phòng dại đầy đủ, hạn chế trẻ tiếp xúc hay chơi cùng vật nuôi, khi cho vật nuôi ra ngoài cần phải rọ mõm.

Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng sát khuẩn, rửa vết thương bằng cồn 70 độ, không băng kín vết thương và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế được được tư vấn tiêm phòng dại.