Duyên Dáng Việt Nam

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kế hoạch sắp tới hết sức khó khăn

Lam Thanh • 02-07-2021 • Lượt xem: 338
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kế hoạch sắp tới hết sức khó khăn

Trả lời báo chí về việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết kế hoạch sắp tới sẽ hết sức khó khăn.

Không để công việc trì trệ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1.7,Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, về kinh tế-xã hội, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực.


Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vắc xin được chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa làm đứt gãy các dòng đầu tư, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêm chủng vắc xin chưa đồng đều giữa các quốc gia.

Ở trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tại các địa bàn có dịch bùng phát; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức cao; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao... Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH.

Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu từng thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ.

Cụ thể, cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển KT-XH; chỉ thực hiện giãn cách, phong tỏa khi thật sự cần thiết và trong phạm vi phù hợp; triển khai chiến lược vắc xin theo hướng mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể: tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất và triển khai chiến dịch tiêm chủng bảo đảm an toàn, hiệu quả, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; theo dõi sát diễn biển giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ bình ổn giá cả, nhất là chính sách thuế xuất, nhập khẩu.

Chú trọng đạ dạng hóa thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới; khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hạ tầng logistics, giao thông; quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm gắn kết, hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực thi phương án cắt giảm các quy định; kiên quyết không ban hành các quy định không cần thiết, không hợp lý, cũng như không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

Kế hoạch sắp tới hết sức khó khăn

Trả lời báo chí về việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết trên cơ sở số liệu thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên cơ sở cập nhật phương án tăng trưởng 6 tháng năm 2021, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo các quý còn lại cụ thể như sau:

Kịch bản 1, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7.2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%. Trong đó quý 3 tăng 6,2%; quý 4 tăng 6,5%.

Kịch bản 2, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6.2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo NQ 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản 2, quý 3 dự kiến tăng 7%; quý 4 tăng 7,5%. Như vậy, có thể nói kế hoạch sắp tới sẽ hết sức khó khăn.

Về việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng do COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ trong phiên họp chiều nay, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm lao động tự do vì đây là 1 trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất.

Ông Dung cho biết thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố còn chia sẻ phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú; rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú. Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ rất khó khăn như vậy.

“Chúng tôi đã làm việc với TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do đều nhận được sự ủng hộ và hôm nay Chính phủ đã thống nhất có hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do. Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng kinh phí, xây dựng mức tiền, xác định đối tượng.

Chẳng hạn, trong gói hỗ trợ của TP.HCM hôm qua cũng xác định một số nhóm người lao động làm công việc lái xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo... hay ở Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho nhóm hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng”, ông Dung nêu.

Chính phủ đưa ra quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1.500.000 đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50.000 đồng. Những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh. Về ngân sách cho gói hỗ trợ lao động tự do sẽ do các địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng.

Theo 1thegioi.vn