Duyên Dáng Việt Nam

Thừa vắc xin, Trung Quốc cung cấp 550 triệu liều Sinopharm, Sinovac cho COVAX để chia sẻ với các nước: Ai muốn nhận?

Nhân Hoàng • 13-07-2021 • Lượt xem: 299
Thừa vắc xin, Trung Quốc cung cấp 550 triệu liều Sinopharm, Sinovac cho COVAX để chia sẻ với các nước: Ai muốn nhận?

Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hôm 12.7 cho biết đã ký hai thỏa thuận mua trước với nhà sản xuất thuốc Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac để cung cấp tới 550 triệu vắc xin COVID-19 cho chương trình COVAX.

Các thỏa thuận mới bao gồm lên đến 170 triệu liều vắc xin Sinopharm và lên đến 380 triệu liều vắc xin Sinovac, cho đến giữa năm 2022. Sinovac xác nhận thỏa thuận trong một tuyên bố.

GAVI cho biết: “Các thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm biến thể Delta đang gây ra nguy cơ gia tăng với các hệ thống y tế, sẽ bắt đầu cung cấp ngay 110 triệu liều cho những người tham gia Cơ sở COVAX, với các tùy chọn về liều bổ sung”.

GAVI, đơn vị điều hành chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không cung cấp ngay thông tin chi tiết về quốc gia nào sẽ nhận được vắc xin Trung Quốc.

Giám đốc điều hành GAVI - Seth Berkley nói việc giao hàng có thể bắt đầu nhanh chóng vì cả hai loại vắc xin đều đã được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Ông nói thêm: “Đây là một ví dụ khác về chiến lược quản lý danh mục đầu tư tích cực của Gavi, đảm bảo cơ sở có các lựa chọn khi đối mặt với những hạn chế như sự chậm trễ của nguồn cung”.

COVAX, cơ chế phân phối vắc xin cho các nước nghèo hơn, đã phải vật lộn để đáp ứng các cam kết ban đầu trong bối cảnh xuất khẩu vắc xin của Ấn Độ bị gián đoạn, buộc nhiều quốc gia phải đóng băng các chương trình tiêm chủng trong giai đoạn đầu của họ.

Tuy nhiên, dự báo nguồn cung mới nhất của COVAX cho thấy chương trình đang trên đà cung cấp hơn 2 tỉ liều vào đầu năm 2022. Sinovac và Sinopharm tham gia COVAX cùng 9 loại vắc xin và ứng cử viên vắc xin khác trong chương trình, gồm cả của AstraZeneca và Moderna.

Một số quốc gia bao gồm Thái Lan và Indonesia đã sử dụng vắc xin Sinovac như liều đầu tiên đang chuyển sang mũi tiêm khác cho liều thứ hai để tăng khả năng bảo vệ chống lại COVID-19. Lý do vì vắc xin của Sinovac kém hiệu quả,nhiều người dù tiêm hai liều vẫn mắc COVID-19.

GAVI đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về việc liệu họ có lo ngại về hiệu quả của vắc xin Sinovac và Sinopharm hay không.

Cần lưu ý là trong 6 nước tiêm chủng nhiều nhưng tỷ lệ mắc COVID-19 cao, 5 quốc gia dựa vào vắc xin Trung Quốc. Xem chi tiết tại đây.

Khi Costa Rica và Triều Tiên từ chối nhận vắc xin từ Trung Quốc vì lo ngại về tính hiệu quả, liệu nước nào muốn nhận sản phẩm của Sinovac và Sinopharm? Ngoài những nước châu Á và Nam Mỹ đang sử dụng 2 loại vắc xin này, nhiều khả năng những quốc gia châu Phi chưa có liều vắc xin nào sẽ nhận hàng Trung Quốc qua COVAX.


Trung Quốc đồng ý cung cấp 170 triệu liều vắc xin Sinopharm và 380 triệu liều vắc xin Sinovac cho COVAX để chia sẻ với các nước

Hôm 12.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan - Anutin Charnvirakul cho biết chiến lược tiêm chủng hàng loạt chống lại COVID-19 của nước này hiện sẽ bao gồm việc tiêm vắc xin công nghệ vectơ vi rút của AstraZeneca sau một liều vắc xin Sinovac. 

Ông Anutin Charnvirakul nói với các phóng viên rằng động thái này nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các biến thể có khả năng lây truyền cao. Xem chi tiết tại đây.

Việc trên diễn ra sau khi hàng trăm nhân viên y tế Thái Lan vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm 2 liều vắc xin Sinovac (Trung Quốc).

Bộ Y tế Thái Lan hôm 11.7 cho biết hơn 600 nhân viên y tế được tiêm hai liều vắc xin Sinovac đã mắc COVID-19, khi các nhà chức trách cân nhắc việc tiêm thêm liều nhắc lại để nâng cao khả năng miễn dịch.

Trong số 677.348 nhân viên y tế Thái Lan được tiêm hai liều vắc xin Sinovac, 618 người đã mắc COVID-19, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này từ tháng 4 đến tháng 7. Ngoài ra, một y tá đã chết và một nhân viên y tế khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Hội đồng chuyên gia khuyến nghị tiêm liều thứ ba để kích hoạt khả năng miễn dịch cho các nhân viên y tế có nguy cơ mắc COVID-19, quan chức y tế cấp cao Sopon Iamsirithawon nói trong một cuộc họp báo hôm 10.7

Ông cho hay: “Đây sẽ là một loại vắc xin khác (liều thứ 3 – PV), vectơ vi rút AstraZeneca hoặc vắc xin mRNA, mà Thái Lan sẽ nhận được trong thời gian tới” và cho biết thêm rằng khuyến nghị sẽ được xem xét vào 12.7”.

Cũng phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin Sinovac, nước láng giềng Indonesia hôm 9.7 cho biết sẽ cung cấp vắc xin Moderna làm mũi tiêm tăng cường cho các nhân viên y tế.

Theo nhóm dữ liệu độc lập Lapor COVID-19, 131 nhân viên y tế Indonesia, hầu hết là người nhận vắc xin Sinovac, đã tử vong kể từ tháng 6, trong đó có 50 người vào tháng 7.

Theo 1thegioi.vn