Duyên Dáng Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Ước mơ mang tôm sạch đến với thế giới

DDVN • 11-11-2020 • Lượt xem: 1336
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Ước mơ mang tôm sạch đến với thế giới

Năm 2019, xuất khẩu tôm mang về 4,2 tỉ USD, qua đó, giúp Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu tôm. Giá trị xuất khẩu tôm vẫn có thể tiếp tục tăng lên và có thể mang về 10 tỷ USD nếu ngành tôm làm chủ được công nghệ tiên tiến về nuôi tôm, đặc biệt là công nghệ nuôi tôm sạch. Có một doanh nhân vẫn đang sống trong giấc mơ ấy của ngành tôm.

Nút thắt của ngành tôm

Sở dĩ giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng nhanh trong mấy năm qua là nhờ các công ty thủy sản biết áp dụng kỹ thuật cao để nuôi tôm công nghệ cao với năng suất cao hơn nhiều lần so với cách nuôi tôm truyền thống.

Hiện tôm của Việt Nam xuất khẩu sang ba thị trường chính là Mỹ, Eu và Nhật Bản. Tuy đây là những thị trường lớn, sức mua cao nhưng đi liền với đó những thị trường này đòi hỏi rất khắt khe về các tiêu chuẩn, hàm lượng kháng sinh các loại. Vì thế, trong những năm qua, tôm Việt Nam không ít lần điêu đứng khi bị những thị trường khó tính này trả về - do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chủ yếu là do hàm lượng các loại kháng sinh vượt ngưỡng cho phép của bên nhập khẩu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do tôm Việt Nam nuôi theo quãng canh, thâm canh trong điều kiện tự nhiên kèm theo thay đổi thời tiết nên thường xuyên bị dịch bệnh. Để cứu vãn ao tôm, người nông dân không còn cách nào khác là phải sử dụng thật nhiều kháng sinh, vì thế, năm nào nắng nóng mưa bão nhiều thì năm đó tỷ lệ các lô tôm bị trả về do hàm lượng kháng sinh vượt tiêu chuẩn cũng cao.

Do đó, làm sao giải quyết được câu chuyện kháng sinh trong tôm là vấn đề “đau đầu” của cơ quan quản lý trong những năm qua.

Như vậy, chỉ cần giải quyết được điều này, ngành tôm Việt Nam sẽ chạm vào giấc mơ 10 tỷ USD. Điều này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam đang có hơn 600.000 ha nuôi tôm, lại hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi nhân hoà để phát triển con tôm thành một sản phẩm chủ lực của ngành thuỷ sản.

Mô hình nuôi tôm phức hợp CNC ở Bạc Liêu của tập đoàn Việt Úc - Hình minh họa: Internet

Có một người trở về gỡ nút thắt để khơi dòng

Một doanh nhân nhìn ra được cơ hội trên nên đã tập trung những nguồn lực tốt nhất để giúp ngành nuôi tôm giải quyết được vấn đề nói trên. Ông chính là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Việt kiều Canada, vốn là người luôn có suy nghĩ tích cực nên ông xem hoàn cảnh bất lợi là một cơ hội để khởi nghiệp nên đã quyết định trở về quê hương khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trở về Việt Nam ở tuổi 60 để thành lập Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) vào tháng 2/2010 với một trong những chính mục đích là đưa công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp. Khi trở về Việt Nam, vị tiến sĩ có hơn 200 bằng phát minh, sáng chế này vẫn đau đáu câu hỏi là làm gì để giúp nông nghiệp nước nhà cất cách trong tương lai bằng công nghệ.

Với bề dày nghiên cứu và ứng dụng, những sản phẩm công nghệ của Mylan Group đã giúp người nông dân giải quyết được nhiều vấn đề, mang lại một hướng phát triển mới cho lĩnh vực nông ngiệp, đồng hành cùng người nông dân vượt khổ để thoát nghèo.


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ 

Thông qua công nghệ, công ty của ông đã từng bước cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp thông minh như phân bón “socola”, phao quan trắc, công nghệ giám sát sâu rầy dịch bệnh… Trong từng bước phát triển, phao quan trắc trở thành một sản phẩm công nghệ giúp đỡ người nông dân rất nhiều trong việc nhận biết nhiệt độ, chất lượng (độ mặn) của nguồn nước, từ đó quyết định nuôi tôm hay trồng lúa.

Hiện công nghệ này đã được ứng dụng ở Trà Vinh, rồi như tiếng lành đồn xa, công nghệ của ông được nông dân các tỉnh ĐBSCL áp dụng và đã mang lại giá trị thiết thực cho người nuôi tôm. Ông Thanh Mỹ kỳ vọng, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, công nghệ của mình sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân nuôi tôm ở miền Trung, miền Bắc trong thời gian tới.


Mô hình tôm sạch từ ao nuôi đến bàn ăn

Giúp nông dân nuôi được những con tôm sạch nhưng chưa dừng ở đó, người đàn ông ở tuổi thất thập này còn muốn làm nhiều hơn nữa để nâng cao giá trị cho con tôm. “Từ tôm, mình có thể chế biến nhiều món như tôm kho tiêu, tôm cà ri, tôm xào đậu ve, đậu rồng… Thay vì bán lúa, tôi bán cơm. Thay vì bán tôm sống, tôi chế biến tôm thành món ăn để đem đi bán”, ông Mỹ chia sẻ.

Duyên Dáng Việt Nam đã có cuộc trò chuyện bên lề hội nghị về ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc xây dựng mô hình nuôi trồng, chế biến tôm sạch với TS. Nguyễn Thanh Mỹ.