Duyên Dáng Việt Nam

Tìm quê

Thoại Vy - Ảnh internet • 08-02-2018 • Lượt xem: 2296
Tìm quê

Những cái Tết vèo trôi mà nắng giêng hai chưa kịp về. Về nhé ! Để giai thanh gái lịch xúng xính nón quai thao, áo mớ ba mớ bảy vào hội Lim, trẩy hội chùa Hương, Phủ Giầy,..., rồi ngắm trăng rằm tháng giêng tròn đầy như vành nón bạc chao nghiêng xuống dòng Hương thanh thanh.

Người viết từ lâu chẳng thèm tương tư hoa đào tháng hai như văn sĩ Vũ Bằng - người lưu lạc phương Nam thương nhớ 12 tháng đất Bắc: "Buồn vì một nỗi tháng hai/ Đêm ngắn ngày dài, thua thiệt người ta". Bạn ni cũng chẳng thèm nhớ cái tình cố thổ như văn hào Nguyễn Trung Ngạn đời Trần đi sứ đất Giang Nam - vốn nơi phồn hoa đô hội, của ngon vật lạ - mà vẫn hướng lòng về quê nghèo với những món "đặc sản" dân dã đạm bạc "Dầu vui đất khách chẳng bằng về". Cũng chẳng màng nhủ lòng mối mọt rệu rã qua những thứ quà kí ức "để cho mùa xuân kia có trở lại cũng thừa".


 

Những ngày cận Tết, phố xá vướng hơi xuân đến lạ. Hơi xuân đến trong nét vui của hoa cỏ. Lẫn trong tiết trời hanh hao, khô nẻ. Đến hân hoan trong dòng người xe vội vã ngược xuôi. Và cả trên mặt người lo toan lẫn hớn hở. Hớn hở của no đủ. Lo toan của thiếu thốn. Trong dòng chảy tất tả đó, có những vẻ mặt, nét nhìn âu sầu: người nghèo toan lo, công nhân xa quê tìm việc, người già không nơi nương tựa … Nên Tết nào ra chợ cũng tự dặn lòng: Đắn đo trong chi tiêu, nhất là những nhu cầu liên quan đến cái ăn cái mặc của bản thân. Vẫn còn nhiều những người phụ nữ xế bóng, tay cầm xấp vé số, tay kia là mẩu bánh mì khô khốc, chưa kịp nhai, đưa ánh mắt buồn bã nhìn dòng người tấp nập mua về nhà bao nhiêu là thứ, mà có khi dùng không xuể. Vẫn còn những trò nhỏ òa khóc ngon lành khi nghe hỏi: Tết này em có xúng xính áo quần mới thăm nội ngoại không. Nên càng ngậm ngùi nhớ câu thơ của Chế Lan Viên "Có một người nghèo không biết Tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn", trong hình hài cậu bé đánh giày rưng rưng của mùa Tết cũ.

Năm nào người viết cũng chứng kiến những hồn quê vất vưởng nơi phố thị. Công nhân tăng ca để có tấm quà dành dụm về quê nhà. Chân bước xải hơn, gấp hơn để đón đầu thời gian. Trên bàn tay khẩn nài là xấp vé số có kèm cuốn sổ dò nhàu nhĩ, vài phong kẹo chewing-gum … Vòng xe bán các thứ hàng rong, quà vặt của những người xa xứ cũng chao chát, hổn hển và trăn trở hơn khi lần đường. Đếm từng vòng xe lăn cũng là một kiểu giác ngộ. Bánh xe đôi khi không lăn trọn một vành thương nhớ hương đồng gió nội. Nên kẻ tha hương như Vũ Bằng phải tương tư hoa đào tháng hai, mơ về những ngày “Hoa rét còn đọng ở lộc cây, ngọn cỏ”. Tìm quê qua những ánh mắt ủ tình đồng hương hay chan chứa một cái nắm tay, quàng vai an ủi. Những gặp gỡ, hội tụ và những bàn tay vẫy như cười. Nhưng đáy mắt thì mênh mênh mang mang ... Đây đó, còn những tấm lòng thơm thảo luôn hướng về quê nhà của kiều bào mỗi dịp tân xuân. Họ tìm hồn quê qua nếp nhà, trong phong tục cổ truyền ngày Tết. Hồ như, Tết không vui với những ai còn đau đáu tìm quê.

Lâu rồi, má vẫn thích con cái chở ngang qua thị trấn, nhìn lom lom tìm nền nhà cũ nép bên góc phố đường ngang ngõ dọc, như đường chỉ tay của một cô gái nhỏ kiêu kỳ. Tìm hoài tìm hủy vẫn không thấy mấy cây mai thiệt đẹp, thiệt quý má từng nâng niu cất giữ dưới tầng tầng lớp lớp ký ức tuổi thơ. Có lần đến tận nơi hỏi thăm, thì nhà xưa đã chia năm xẻ bảy. Còn đâu cây xoài sai trái mà vì nó cô nhóc nghịch ngợm là má suýt bị ông ngoại cho trận đòn nên thân. Gần đây, người ta có dấu hiệu lẩm cẩm thì phải. Nếu không, sao cứ tự hỏi: sau này má đi, biết tìm quê nơi đâu. Hôm trước về thăm nhà. Má đi vắng. Không dưng căn nhà rộng mênh mông. Mấy bậc cầu thang lên gác gỗ cũng dài hơn. Và khói từ nén nhang trên bàn thờ cũng ngun ngút mênh mang.

Nếu có ai cắc cớ hỏi: Sao ít thấy cười nói và câu chữ, đôi khi, không tủm tỉm “tấu hài” mà nhão như cháo. Thì người viết có thể vin vào Thôi Hiệu để đáp lời “Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?...”. Hoặc chỉ cần thinh lặng vì đang còn mải mốt tìm quê.

Tag: