Duyên Dáng Việt Nam

Tin vui về vắc xin ngừa COVID-19 khiến nhu cầu đá khô tăng vọt

DDVN • 21-11-2020 • Lượt xem: 564
Tin vui về vắc xin ngừa COVID-19 khiến nhu cầu đá khô tăng vọt

Trong vòng 1 tuần qua, hai hãng dược Pfizer và Moderna lần lượt công bố tin vui: Thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 do họ phát triển đạt hiệu quả trên 94%.

Việc quan trọng tiếp theo chính là phân phối và bảo quản vắc xin. Đá khô giữ lạnh cùng tủ lạnh y tế trở thành mặt hàng cần sắm sửa ngay.

Mặc dù cùng sử dụng RNA thông tin (mRNA) kích hoạt phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, nhưng vắc xin Modema ổn định trong 30 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2 độ C đến 8 độ C, 12 giờ ở nhiệt độ phòng nên công tác phân phối và bảo quản không khó khăn lắm.

Mặc dù cùng sử dụng mRNA kích hoạt phản ứng miễn dịch, vắc xin Moderna và vắc xin Pfizer lại có yêu cầu về nhiệt độ bảo quản khác nhau - Ảnh: USA Today

Tuy nhiên, Moderna lại phát triển vắc xin chậm hơn Pfizer, năng lực sản xuất cũng không sánh bằng. Vì vậy, sản phẩm Pfizer dự kiến sẽ được tung ra sớm hơn - buộc giới chức y tế khắp nơi phải gấp rút mua trang thiết bị phù hợp.

Pfizer dự kiến sản xuất khoảng 50 triệu liều trong năm nay rồi 1,3 tỉ liều vào năm sau. Nếu được cấp phép, sản phẩm sẽ được phân bổ theo tỷ lệ giữa các quốc gia đã đặt hàng. Mỗi người cần tiêm 2 liều cách nhau 21 ngày.

Hãng dược sẽ cung cấp cho Mỹ 100 triệu liều. Thỏa thuận ký trước đó còn kèm điều khoản mua thêm 500 triệu liều nữa.

Giáo sư tiêm chủng học Paul Offit thuộc trường Y Perelman (đại học Pennsylvania) giải thích mRNA được bọc trong hạt chất béo rất dễ tan rã, muốn giữ ổn định phải bảo quản ở nhiệt độ -76 độ C đến -112 độ C. Theo hướng dẫn thì nên bảo quản vắc xin Pfizer ở -94 độ C trở xuống, mRNA ổn định 6 tháng. Cơ sở y tế sau khi nhận có thế trữ vắc xin ở -35 độ C đến -46 độ C tối đa 5 ngày.

Ông Tonya Kuhl - trưởng khoa Kỹ thuật hóa thuộc đại học California - cho biết nhiệt độ bảo quản mà vắc xin Pfizer đòi hỏi trong khoa học thì không hề lạnh, nhưng với cuộc sống bình thường thì ngược lại: từ -22 độ C trở xuống, nhiều đồ vật đều bị đóng băng rồi. Nhiệt độ cực lạnh cần thiết bị chuyên dụng cùng số lượng lớn đá khô.

Ông Dusty Tenney - giám đốc điều hành công ty sản xuất tủ siêu lạnh y tế Stirling Ultracold - cho biết: “Doanh số bán hàng đã tăng đến 250% so với quý 1”.

Tại thành phố Akron, ông Harry Gehm cũng nhận cuộc gọi từ Sở Y tế bang Ohio đặt gần 7.000 kg đá khô mỗi tuần. Hàng loạt bệnh viện và chuỗi cửa hàng dược phẩm Giant Eagle gọi hỏi về năng lực sản xuất.

Thùng cách nhiệt Pfizer sử dụng để vận chuyển vắc xin - Ảnh: USA Today

Thiết bị chuyên dụng

Tủ siêu lạnh y tế không hề rẻ. Mẫu tủ đứng kích thước bằng tủ lạnh gia dụng có giá khoảng 25.000 USD, giá tủ ngang dạng quầy khoảng 10.000 USD, mẫu gắn bánh xe kích thước thùng làm lạnh cũng vào khoảng 7.000 USD.

Nhiều cơ sở y tế cấp tốc mua hàng. Stirling Ultracold phải tăng giờ sản xuất cũng như làm việc 6 ngày/tuần để đáp ứng nhu cầu, vậy mà họ vẫn chưa thể đáp ứng hết mọi đơn hàng trong ít nhất 1 tháng.

May mắn là không ít cơ sở đã sở hữu tủ siêu lạnh, dùng trữ bệnh phẩm máu, vật liệu chẩn đoán, mẫu sinh học. Bà Azra Behlim - giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Vizient hỗ trợ cho hơn 60% bệnh viện ở Mỹ - cho biết: “Hơn 50% thành viên của chúng tôi có tủ siêu lạnh”.

Đá khô là mấu chốt cho khâu vận chuyển vắc xin

Đá khô là dạng rắn của CO2 khi được làm lạnh ở -78,5 độ C. Thùng cách nhiệt thiết kế đặc biệt mà Pfizer dùng để vận chuyển vắc xin có ngăn trên cùng chứa đá khô.

Vắc xin đặt trong ngăn phẳng, mỗi ngăn chứa được 195 lọ, mỗi lọ 5 liều nên 1 khay đủ sức chứa tổng cộng 975 liều. Thùng cách nhiệt để được 5 khay - tương đương 4.875 liều.

Quan chức Sở Y tế Michigan Bob Swanson cho biết đá khô giúp bảo quản vắc xin ở nhiệt độ cần thiết trong 10 ngày không mở thùng, 5 ngày nếu mở thùng (không mở quá 2 lần/ngày).

Thùng cách nhiệt cần khoảng 11 kg đá khô. Ông Gehm tại thành phố Akron đảm bảo năng suất gần 1.400 kg/giờ.

Hầu hết đá khô được sản xuất tại miền trung và miền tây nước Mỹ – nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất xăng ethanol lớn với khí CO2 là sản phẩm phụ. Chuyển CO2 vào thùng chứa, bơm vào buồng kín áp suất để làm lạnh sẽ cho ra băng khô.

Không phải địa phương nào cũng may mắn có nhà máy sản xuất đá khô trên địa bàn. Sở Y tế Bắc Dakota đang cân nhắc mua 1 nhà máy nhỏ tự sản xuất đáp ứng nhu cầu trong bang.

Mua được đá khô thì cơ sở y tế chẳng cần chi qua nhiều tiền mua tủ siêu lạnh nữa, do thùng cách nhiệt Pfizer sử dụng vận chuyển vắc xin có thể thay đá khô.

“Thùng vận chuyển một khi đến nơi sẽ được đổ đầy đá khô lại trong vòng 24 giờ. Chỉ cần không mở quá 2 lần/ngày, bạn có thể thay đá sau 5 ngày rồi sau 10 ngày. Như vậy ta có thêm 15 ngày”, quan chức Sở Y tế Michigan Bob Swanson lý giải.

(Theo MTG)