Khám phá

Tinh tế nghệ thuật thưởng trà của người Việt

Thảo Nguyên • 15-11-2017 • Lượt xem: 14548
Tinh tế nghệ thuật thưởng trà của người Việt

http://www.trungnguyen.com.vn/Hình thành từ thế kỷ thứ 9, nghệ thuật thưởng trà của người Việt cứ thể trở thành nét đẹp văn hóa. Thưởng trà không chỉ là một cách “giải khát” thanh cao mà đó còn là cách giao tiếp, thể hiện phong độ văn hóa hay tìm đến sự tĩnh tại, bình yên trong tâm hồn.

Người Việt Nam vốn nổi tiếng ướp trà cầu kỳ, tinh tế

Người Việt Nam vốn nổi tiếng ướp trà cầu kỳ, tinh tế. Cái ngon của những búp trà tự nhiên quyện trong cái chăm chút của những lần ướp hoa, bỗng trở thành một hương vị trà quyến rũ, khó quên. Tùy những vùng miền khác nhau mà có những phương thức pha trà, hãm trà khác nhau. Nhưng phổ quát, có thể tóm gọn trong câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Vị đắng chát nơi đầu lưỡi, vị ngọt hậu dư âm quyện trong hương trà thoang thoảng, đó chính là sự tinh tế đến quyến rũ của nghệ thuật thưởng trà Việt Nam.

Quan trọng nhất của việc pha trà vẫn chính là nước. Ngày xưa, những tách trà dâng vua chúa phải dùng nước sương đọng trên lá sen, sau đó được đun chín trong nồi đất trước khi dùng để ngâm trà. Nhiệt độ để ngâm trà cũng khác nhau ở mỗi loại, đối với trà tươi, chỉ được nấu nước vừa lăm tăm sôi, còn với trà khô được ướp hương (trà lài, trà sen,…) thì phải nấu nước sôi già. Nước không đủ nóng hoặc quá nóng sẽ làm giảm độ đậm của trà hoặc làm “cháy trà”.

Tùy khẩu vị và tùy dịp mà những loại trà thích hợp sẽ được khéo léo lựa chọn – Ảnh: Internet

Tùy khẩu vị của từng người và tùy dịp mà những loại trà thích hợp sẽ được khéo léo lựa chọn. Nếu như trà nguyên (trà đen) được nhiều người yêu thích vì giữ được mùi vị truyền thống, chân chất của lá trà thì các loại trà ướp hương sẽ được chủ nhà ưu tiên dùng khi thiết đãi khách đến thăm.

Chén uống trà được gọi là “bôi”, thường được làm bằng sứ và có đường kính rất nhỏ, để có thể giữ được độ nóng cho trà. Người thưởng trà thường hay nhấm nháp nên không mấy ai uống vội, uống kham một tách trà.

Sự tinh tế khi pha một bình trà còn thể hiện ở việc tráng nóng cho bình. Bình trà trước khi dùng phải được tráng qua nước sôi, kể cả tráng nắp và quai để giữ bình luôn có độ ấm nóng nhất định.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng viết “nhà lá đơn sơ – tấm lòng rộng mở – nồi cơm nấu dở – bát nước chè xanh – ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau”. Sự thú vị nhất của việc thưởng trà còn nằm ở những bạn tâm giao. Bên tách trà ngon, được pha chế cầu kì, vẫn cần lắm những câu chuyện hàn huyên của bạn bè, góp thêm những cảm xúc vẹn tròn cho việc thưởng trà thi vị.

Bảo Lộc – Lâm Đồng nổi tiếng với những nương trà bạt ngàn – Ảnh: Internet

Ở nước ta, Bảo Lộc – Lâm Đồng cũng là một trong những vùng nổi tiếng với những nương trà bạt ngàn và nhiều loại trà thơm ngon hảo hạng. Từ ngày 23-27/12/2017 năm nay, thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng sẽ tổ chức Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII để thúc đẩy phát triển ngành trà của địa phương.

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7 – năm 2017 với chủ đề: Hoa Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành diễn ra từ 23/12 đến 27/12 tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng. Lễ hội có 15 chương trình, trong đó có 5 chương trình chính: Lễ khai mạc, Duyên dáng Việt Nam, Lễ công bố thương hiệu Đà Lạt, Tuần lễ thời trang Áo dài – Lụa, Lễ bế mạc – Đêm giã bạn
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên hân hạnh đồng hành cùng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7