Duyên Dáng Việt Nam

TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 9.7

P.V • 07-07-2021 • Lượt xem: 454
TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 9.7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 7.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM sẽ phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7.

Ông Nguyễn Thành Phong nói: "TP cần phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Phải xem đây là cuộc chiến thật sự, hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân. TP dự kiến sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày trên địa bàn TP.HCM, từ 0 giờ ngày 9.7.2021".

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, được ban hành ngày 31.3.2020 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chỉ thị 16 quy định địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; Thôn bản cách ly với thôn bản; Xã cách ly với xã; Huyện cách ly với huyện; Tỉnh cách ly với tỉnh; Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; Đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động...

Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở, đồng thời tăng cường tổ chức họp trực tuyến.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Từ ngày 15.6, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố. Số ca nhiễm vẫn tăng. Do đó, ngày 20.6, chính quyền TP.HCM ban hành riêng Chỉ thị 10 (hay còn gọi là Chỉ thị 15+) với yêu cầu giãn cách 1,5 m; không tập trung quá 3 người nơi công cộng; tạm dừng chợ tự phát...

Ngày 28.6, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ 0 giờ ngày 29.6.

UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 từ 29.6 đến 10.7 với nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...

TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP.Thủ Đức. Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp và một phần của TP.Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận.

Theo 1thegioi.vn