Khám phá

Trải nghiệm sự khác biệt của món bún cá ba miền

Tam Nguyên • 21-04-2023 • Lượt xem: 4568
Trải nghiệm sự khác biệt của món bún cá ba miền

Đối với nhiều người, bún cá là một món ăn không bao giờ ngán và có thể ăn quanh năm. Để có một tô bún ngon, bạn cần biết cách chế biến chuẩn xác và thực hiện từng công đoạn để nước dùng có hương vị đậm đà, cá giòn giòn, không bị tanh.

Và bún cá của mỗi miền sẽ có hương vị và cách chế biến hoàn toàn khác nhau, mang đậm bản chất của vùng miền đó.

Sự tinh tế của người miền Bắc

Những món bún xứ Bắc được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế, pha trộn nhiều các nguyên liệu với nhau để món ăn đẹp mắt, hấp dẫn và luôn ngon miệng. Đại diện cho bún cá ở miền Bắc chính là món bún cá rô đồng và những nguyên liệu dân dã, mộc mạc của làng quê Việt Nam như cá rô, thì là, dọc mùng,… món bún này được lòng du khách khắp nơi. 

Cách chế biến cũng không cầu kì, công phu nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ. Nước dùng mang vị ngọt thuần tuý đến từ việc hầm cá rô với tỉ lệ nước chuẩn xác để sau khi thịt và xương cá rã ra, người nấu đem đi lọc để được phần nước cốt ngọt thanh tinh tế. Đập dập những lát gừng, ớt để át đi mùi tanh và kích thích thêm vị giác. Sau đó cho thêm gia vị, rồi rau, cà để hoà lẫn hương vị cho nước lèo.

Điều khiến thực khách phải xuýt xoa là những miếng cá chiên giòn tan, thơm và béo bên trong mỗi tô bún. Thớ cá tươi, được ướp sơ cùng gia vị rồi đem đi chiên, áo bên ngoài là lớp bột mỏng mỏng, giòn giòn trông thật kích thích.

Không thể thiếu vị cay của người miền Trung

Món bún của người miền Trung đơn giản hơn nhưng cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay, nên món bún cá ở đây không thể thiếu đi vị cay được.

Điểm nhấn của món ăn là chả cá được chế biến từ cá thu, loại cá phổ biến của vùng biển nước ta. Để có chả ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay. Sau khi rán, chả sẽ thơm hòa quyện với vị cá và có màu vàng sậm nom rất đẹp mắt.

Nước dùng của món bún này hướng đến vị thanh, nhẹ tự nhiên nên người nấu hạn chế việc dùng gia vị mà chủ yếu mang cái ngọt đến từ việc ninh xương của đầu cá thu, cá cờ, vừa bắt vị mà lại không tanh. Tô bún chả  cá được dọn ra với nước lèo trong veo, có thể soi rõ từng sợi bún và cả các món ăn kèm. Những múi cà chua đỏ ửng, vài lát thơm thanh thanh điểm xuyết trên mỗi tô bún. Phần chả được xắt lát vừa miệng xếp đều trông thật hấp dẫn.

Đậm đà hương vị của người miền Nam

Nếu như món bún miền Trung mang vị biển thì bún cá miền Nam lại đậm đà hương sắc đồng ruộng. Loại cá dùng để nấu có thể là cá lóc hay cá bông, tuy nhiên, phải là cá đồng, thịt săn và ngọt mới tạo nên sức hấp dẫn cho món ăn. Món bún cá ở đây không cầu kỳ, được tạo nên từ những nguyên liệu gần gũi trong đời sống của người dân được đánh bắt trực tiếp từ sông, từ rạch hay hồ ao quanh nhà.

Bún cá miền Nam đa phần sử dụng cá lóc, loại cá ít xương thịt nhiều, thớ thịt săn chắc và có vị ngọt đặc trưng. Cá sau khi làm sạch thì sẽ được luộc chín qua nước sôi, rồi lọc kĩ bỏ xương và tách thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Vì thế, món ăn vẫn giữ được vị ngọt nguyên thuỷ của thịt cá. Cái quan trọng phải kể đến là nước lèo. Người miền Tây có công thức chế biến khá cầu kỳ và đậm đà. Gia vị đặc trưng nhất tạo nên hương vị riêng cho món là củ ngải bún và nghệ vàng.

Mỗi lát cá bắt mắt trong sắc vàng ươm khi thấm đượm gia vị. Món bún cá của người Nam sẽ cho bạn cảm nhận cái đậm đà, nhưng vẫn thanh ngọt vừa phải từ nước dùng cho đến sợi bún. Tuy chỉ đơn giản chỉ có bún và cá nhưng món ăn lại lôi kéo khẩu vị bởi phần giá, rau muống, bông điên điển thêm chút giòn, càng làm đậm thêm cảm giác dân dã mà khác biệt.

Một món bún cá nhưng ở từng vùng miền lại có cách nấu và hương vị khác nhau. Đây không chỉ là món ăn vùng miền, mà còn là đại diện cho tinh thần, cho bản sắc riêng của người dân nơi đó. Thưởng thức miếng đầu tiên thấy thú vị, miếng thứ hai thấy ấn tượng, đến miếng thứ ba sẽ làm bạn say mê hương vị đó và sẽ không thể nào quên.