ĐỜI SỐNG

Trầm cảm cười: Khi đứa trẻ bên trong bạn bị tổn thương

Ngọc Hân • 27-07-2023 • Lượt xem: 786
Trầm cảm cười: Khi đứa trẻ bên trong bạn bị tổn thương

Những người mắc chứng trầm cảm cười thường có cuộc sống xã hội năng động, trông có vẻ rất thành công và hạnh phúc. Nhưng bạn không bao giờ biết đằng sau lớp mặt nạ đẹp đẽ này, bản thân họ đang đối mặt với những vấn đề gì. Thậm chí, chính bản thân người đó cũng không biết mình có vấn đề, từ đó không tìm kiếm sự hỗ trợ hay giúp đỡ nào.

Trầm cảm cười là gì?

Trầm cảm cười hay còn gọi là Smiling Depression, là một dạng rối loạn cảm xúc rất đặc biệt, thường gặp ở những người bị rối loạn trầm cảm kéo dài (hay còn gọi là trầm cảm chức năng cao). Trầm cảm thường đặc trưng bởi sự buồn bã, chán nản quá mức, mất hoặc giảm hứng thú với những hoạt động xung quanh và luôn nhìn nhận mọi việc bằng cái nhìn bi quan.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân không bộc lộ rõ rệt những triệu chứng này mà cố tình che giấu nỗi đau thông qua nụ cười và trạng thái vui vẻ, lạc quan. Đây chính là những đặc điểm thường gặp ở người mắc hội chứng trầm cảm cười. Những người bị trầm cảm cười thường trông hạnh phúc với thế giới bên ngoài vì họ giữ bí mật về trầm cảm tận sâu bên trong. 

Dấu hiệu nhận biết

Một người trải qua trầm cảm mỉm cười bên ngoài sẽ vui vẻ hay hài lòng với những người khác. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy họ là người: Một cá nhân tích cực, hoạt động cao, có công việc ổn định, cuộc sống lành mạnh và nói chung là hạnh phúc. 

Tuy nhiên, bên trong, bạn sẽ không biết được người đó đang trải qua các triệu chứng đau khổ của trầm cảm. Họ sẽ thường xuyên cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày mà không rõ nguyên nhân. Miễn cưỡng thực hiện các hoạt động và cố gắng gượng dậy vào buổi sáng. Cảm thấy trống rỗng khi tham gia vào các buổi nói chuyện hoặc thảo luận. Hoàn thành công việc một cách khó khăn, mất tập trung. Cảm xúc luôn tiêu cực, hỗn lộn và không xác định. Không quan tâm đến sức khỏe, thay đổi khẩu vị ăn, giấc ngủ và rõ nhất là cáu gắt, mất hứng thú với những niềm vui ngày trước.

Chúng ta nên làm gì để giúp đỡ những người mắc triệu chứng này?

Bên cạnh quan tâm nhiều hơn

Bạn nên chủ động lắng nghe người bạn muốn giúp đỡ để người đó cảm thấy bạn đang thấu hiểu những gì họ nói. Bạn nên gọi bất cứ khi nào bạn nghĩ về họ, hỏi thăm xem đang làm gì. Tuy nhiên, đừng yên tâm một cách nhanh chóng mà hãy thường xuyên quan tâm và đảm bảo bạn không bỏ qua bất kỳ triệu chứng đáng báo động nào ở trên.

Giúp người đó nhận ra họ đang có vấn đề

Nhiều người không muốn thừa nhận rằng mình đang bị trầm cảm vì họ không muốn tỏ ra yếu đuối. Hãy cho bạn bè, người thân biết bạn luôn yêu thương và ủng hộ họ bất kể điều gì xảy ra.

Đề nghị người đó thử trị liệu

Rất khó để một bệnh nhân mắc chứng trầm cười có thể tự phá vỡ chu kỳ trầm cảm. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn bè hoặc người thân của bạn vượt qua căn bệnh tâm lý này nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hãy để người thân của bạn hiểu rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp không có gì là sai và cũng không làm cho họ trở nên yếu đuối, đáng thương.

Sự dồn nén lâu ngày sẽ dẫn đến những “vật cản” tâm lý, khiến bạn có nguy cơ của trầm cảm cười. Nếu khúc mắc chưa thể giải quyết, hãy mở lòng tâm sự với bạn bè, người thân hay bất kỳ ai bạn tin tưởng, hoặc đơn giản là giãi bày chúng bằng cách viết nhật ký. Đặc biệt, những người xung quanh cần phải có sự quan tâm đặc biệt để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Hỗ trợ họ tuân thủ chế độ ăn lành mạnh và bắt đầu tập thể dục

Các chuyên gia tin rằng một số loại trầm cảm là do thiếu một số yếu tố quan trọng trong cơ thể (ví dụ như serotonin hoặc vitamin D). Sự thiếu hụt này thường có thể được khắc phục với sự trợ giúp của chế độ ăn uống cũng như vận động lành mạnh.

Giúp tăng lòng tự tin

Người mắc chứng trầm cảm luôn tự ti, mặc cảm về bản thân và luôn cảm thấy mình đã phạm rất nhiều sai trái tội lỗi. Hãy luôn bên cạnh động viên, khen ngợi và tạo động lực để họ trở nên tự tin hơn. Gợi ý, tìm cho người thân của bạn một hoạt động hoặc dự án có ý nghĩa để giúp họ cảm thấy hăng hái và nhiệt huyết trở lại.