Đò đưa

Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 01-08-2019 • Lượt xem: 12152
Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 2)

Đọc lại Trần Vũ, tôi bỗng có cảm hứng muốn trở lại việc tìm hiểu như thế nào là một truyện ngắn? Và thấy không dễ dàng chút nào. Thật rất khó có một quyết định khuôn mẫu cuối cùng.

 

Tin, bài liên quan:

Trần Vũ - phép lạ của văn chương (Kỳ 1)

‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’

Nhà văn nhìn từ phía sau lưng

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Những “Giáo sĩ”, "Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam", “Chết sau quá khứ”, “Giấc mơ thổ”, “Bên trong pháo đài”, “Cánh đồng mùa gặt khô”… cùng nhiều truyện khác của anh pha trộn giữa quá khứ - hiện tại, mộng - thực, hợp lý - phi lý và bất hợp lý. Sống - chết, chết rồi lại lộn trở về… Nhìn chung thời gian trong truyện anh lật nhào mọi khái niệm.

 

 

Hãy lưu ý một bày tỏ của Vũ viết trong tiểu luận “Lịch sử trong tiểu thuyết, một tùy tiện ý thức" để bước vào thế giới sáng tạo của anh dễ dàng hơn:

 

“Trong hình học không gian, đường cong khi cắt ra làm trăm triệu đoạn nhỏ, mỗi đoạn sẽ là một đường thẳng, và trên đường thẳng đó các giá trị không ứng nghiệm trên các mặt phẳng khác, sẽ có nghiệm số ở mặt phẳng tí teo này. Định lý toán học trên cũng có thể hỗ trợ cho các nhà văn đem nhân vật lịch sử ra cắt làm trăm triệu khúc và khảo sát phần nhỏ nhất”.

 

Như vậy ý thức “đem nhân vật lịch sử ra cắt làm trăm triệu khúc” và “khảo sát phần nhỏ nhất” chính là chỉ chọn những khoảng khắc, một khoảng khắc của cuộc sống. Khi viết Lời phán quyết  “sự vụ” của Kafka chỉ xảy ra trong vài tiếng. Truyện ngắn nổi tiếng Nhà chứa Tellier của Maupassant “sự việc” giải quyết tròm trèm một ngày.

 

 

Franz Kafka, một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Kiệt tác "Lời phán quyết" là một truyện ngắn đặc sắc của ông.

 

TS triết học Nguyễn Hữu Liêm trong cuốn “Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học” (Nxb Đà Nẵng & Domino Books 2018) đã sử dụng chữ (thuật ngữ mới của nhà nghiên cứu?) “Thời quán”. Tôi bắt gặp lại chữ này trong truyện ngắn Trần Vũ. Tuy cách tiếp cận, giải thích của hai người có khác nhau.

 

Từ “thời quán” Trần Vũ đã dựng một định đề như sau: "Vũ trụ là những thời quán, mà mỗi thời quán dài ngắn tùy theo ký ức. Kiếp ma vô tận nên tôi đầy ký ức" (Phép tính của một nho sĩ). Còn TS Nguyễn Hữu Liêm cho “thời quán” là một phạm trù của luận đề siêu hình. Đó là hai cách nhìn đối ứng khá thú vị giữa nhà văn và nhà nghiên cứu triết học.

 

 

Guy de Maupassant, một cây bút viết truyện ngắn có phong cách độc đáo.

 

Tôi lại nghĩ, “thời quán” cũng chính là “sử quán”. Thời gian chúng ta có được khi ở quán trọ. Chẳng ai giống ai. Dài ngắn khác nhau. “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở trọ - Trịnh Công Sơn).

 

Nhưng nếu đặt lịch sử chỉ là những “kiếp ma”, “kiếp ma vô tận nên tôi đầy ký ức” thì truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ” đã làm  một cuộc đảo lộn lịch sử, hay “cách mạng hóa lịch sử” bằng ngôn ngữ trong không gian truyện ngắn.

 

Hãy tìm chỉ dấu ấy qua cách xây dựng tính cách nhân vật Trần Thủ Độ trong truyện ngắn “Gia phả”:

 

“Độ lại nắm tóc kéo lôi Trần Thị lê lết trên mặt đất bắt nhìn quang cảnh. Hai cánh tay Độ hươi cao lắm, gân guốc, mạnh mẽ. Bản dao sáng lóa, suốt đời chưa bao giờ tôi trông thấy một thanh mã rùng rợn như thế, đôi mắt của Trần Thị mở căng khiếp đảm, đôi mắt của Độ hung bạo, đôi cánh tay vung lên rồi quất xuống bằng tất cả sức lực. Tiếng ngựa rống chói tai. Tiếng vó sắt đập tung như trống nện. Cần cổ con ngựa ô ngập lún bản dao vùng lên, từ chỗ vết thương thịt da máu me đổ trào ra như thác, máu ngập máng, máu lênh láng bắn phun lên nền đất. (...) Hình ảnh một kẻ trần truồng chém đầu ngựa trông thật kinh hãi. Chất thép rờn rợn. Hai chân trước của con vật khụy xuống, khoảng lưng đen nhẵn lềnh máu. (...) Độ bước trở lên thềm, người tắm máu, dáng dấp của tên khổng lồ cuồn cuộn thịt gân. Xét theo sách tướng, Độ có thiên mệnh, nhưng thần sắc lại nửa rắn, nửa rồng. Không làm vua mà lại coi vua. Độ nhìn Trần Thị say mê, vẻ say mê hung bạo: - Chị yêu tôi không?

 

Độ cúi xuống, hôn vào giữa đôi môi run rẩy của Trần Thị, một bàn tay sờ soạng xuống phần ức trắng, mân mê nơi đầu vú. Rồi một bàn tay trườn xuống bụng, Trần Thị thót người, co rút mình mẩy. Nhưng cử chỉ đối kháng chót cùng đó chỉ làm Độ giận dữ: - Trao thân cho tôi là trao thân cho đất nước! Hiến thân cho tôi là hiến thân cho tộc Trần! Cớ chi phải sợ? Hay chị muốn như con ngựa này? Độ quát.

 

Buổi chiều đó, tộc Trần khởi nghiệp trên thân xác Trần Thị.” (Gia phả).

 

Paul Bourget, nhà văn và nhà phê bình Pháp thế kỷ 20 có nhận định: “Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”. Văn Trần Vũ như những hòa âm nghịch. Viết đến đây tôi nhớ có lần Nguyễn Thụy Kha kể: “Văn Cao chơi nhạc bằng cùi chỏ”. Tôi chưa hình dung ra được ngồi trước cây piano, Văn Cao phải đánh như thế nào? 

Tọa đàm "Gai sắc trong truyện ngắn Trần Vũ" do Nhã Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) sẽ diễn ra ngày 6/8/2019.

Trần Vũ cũng vậy. Truyện ngắn của Vũ đôi khi ở giữa cơn điên bất chấp mọi lý luận giải thích. Thường trực gây bất ngờ không chỉ với những viễn cảnh tàn bạo phi thực, thậm chí phi luân (Bên trong pháo đài, Giáo sĩ), câu chặn, nhiều động từ, tiết tấu mạnh nhưng đôi khi cũng hấp dẫn vì độ lả lơi, buông thả, vô ngữ nghĩa, nhàn nhạt, phớ lớ, vô vị của nó. Tưởng nắm chặt là chắc chắn có được nhưng thả lỏng đôi khi lại có được nhiều hơn. Đó cũng là một nghệ thuật viết văn.

"Tôi sinh trưởng trong một gia đình tiểu tư sản thành thị miền Nam, không biết thế nào là đói, khổ, là oằn oại nhão người" (Cánh đồng mùa gặt khô).

 

Mấy chữ “oằn oại nhão người” trong câu này mới đọc ngỡ là vụng về, ngớ ngẩn, con trẻ không biết nói gì nữa phóng ẩu ra như thế nhưng nếu ngẫm kỹ hóa ra tinh tế, châm biếm. Dụng công và đầy kỹ thuật. Đã vậy nhịp văn như chùng xuống, chẻ ra vi tế.

 

“Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý." (Gia phả).

 

Câu văn không chuẩn về mặt ngữ pháp nhưng biến nhảy, ẩn hiện khác thường. Một siêu quần của chữ và nghĩa. Không quen viết và luyện kiếm pháp hằng ngày không viết được những câu “giải đãi” như vậy!

 

Và đưa đến những câu văn nhầy nhụa,  ghê tởm “vào đời giữa máu me hung bạo". Như ống macro quay cận cảnh:

 

“Kẻ suốt đời hành nghề tra tấn, không được đánh người thì không biết phải làm gì” (Mùa mưa gai sắc).

 

"Trên đất nước này, loài vật đẹp đẽ nhất cũng chỉ phục vụ cho mục đích phàm phu nhất".

 

Đôi khi một câu vô ý mà hàm cớ nói lên được rất nhiều ý nghĩa:

 

"Ăn ở đâu thì ăn. Cớ gì phải sợ hãi lịch sử?"

 

Với những truyện viết về đề tài lịch sử, và quan niệm “thời quán”  Trần Vũ rất gần với nhà nghiên cứu F.Schlegel cho rằng đặc tính giai thoại đã mang chất liệu mới đến cho truyện ngắn.

 

F.Schlegel đã đề ra một định thức có tính chất chơi chữ: “Một lịch sử mà lại không thuộc về Lịch sử” (“Une histoire qui n’appartient pas à l’Histoire”). Từ “lịch sử” đầu không viết hoa còn có nghĩa là “câu chuyện” hay “truyện”. Từ “Lịch sử” sau mang nghĩa thật của nó hay trong văn cảnh này ta có thể hiểu là Hiện thực đời sống. Truyện ngắn (câu chuyện) phải có độ gián cách với Hiện thực đời sống (l’Histoire) thông qua sáng tạo nghệ thuật…

 

(Còn tiếp)