Duyên Dáng Việt Nam

Trẻ bị chậm nói vì thói quen vừa ăn vừa xem màn hình

KP • 17-12-2020 • Lượt xem: 1593
Trẻ bị chậm nói vì thói quen vừa ăn vừa xem màn hình

Một số bà mẹ đã không lường trước được tác hại của việc cho trẻ vừa ăn vừa xem các thiết bị điện tử (tivi, smartphone, laptop). Trẻ có thể bị chậm nói vì thói quen ăn uống này. Bên cạnh đó, trẻ còn dễ bị mắc các bệnh về mắt và tiêu hóa. 

Vừa ăn vừa xem ti vi, laptop, smartphone là hiện tượng không chỉ gặp ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ. Trẻ hay hiếu động, quấy khóc trong khi các bà mẹ lại bận rộn công việc nội trợ. Điều đó dẫn đến việc họ cho trẻ xem các chương trình trực tuyến để thu hút sự chú ý của trẻ. Qua đó, trẻ chịu ngồi yên để ăn cơm mà không quấy phá. Tuy nhiên, về lâu dài, việc này dễ hình thành thói quen không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Nếu bố mẹ để mặc trẻ vừa ăn vừa xem màn hình trong thời gian dài, trẻ có thể bị một số vấn đề sau đây:

vuaan_vuaxem_1_171220
Trẻ không ý thức được lượng thức ăn đã đưa vào cơ thể

Đau dạ dày

Khi vừa ăn vừa xem, trẻ sẽ hình thành thói quen ăn thụ động. Mắt trẻ luôn nhìn chằm chằm vào điện thoại trong khi miệng thì vẫn nhai, nhưng nhai không kỹ hoặc chưa nhai đã nuốt. Vì thế, lượng thức ăn được đưa vào liên tục mà không được nghiền nát, khiến trẻ dễ bị nghẹn, sặc thức ăn. Bên cạnh đó, dạ dày cũng phải làm việc, co bóp nhiều hơn để có thể tẩm dịch vị tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Nếu dạ dày làm việc quá lâu trong thời gian dài như vậy sẽ dẫn đến viêm loét, gây co thắt dạ dày.

Thừa cân

Thói quen vừa ăn vừa xem hình thành ở cả bữa ăn chính và bữa ăn phụ. Khi xem chương trình phát sóng trên màn hình, trẻ dễ bị phân tán sự tập trung, dẫn đến đưa vào cơ thể một lượng thức ăn quá nhiều mà không ý thức được. Đặc biệt, các loại thức ăn nhanh (khoai tây chiên, gà rán…) là một trong những nguyên nhân gây tích tụ mỡ, thừa cân dễ nhận thấy nhất.

vuaan_vuaxem_2_171220
Trẻ dễ bị nghiện các thiết bị điện tử nếu tiếp xúc ngay từ bé

Giảm cảm giác thỏa mãn khi ăn

Trẻ sẽ không cảm nhận được cảm giác ngon miệng, no bụng khi vừa ăn vừa xem. Bởi vì, mọi sự tập trung của trẻ dồn hết vào màn hình. Trẻ không ý thức được mình đang ăn cơm mặc dù lượng thức ăn vẫn đều đặn đưa vào cơ thể. 

Thiếu giao tiếp với thành viên gia đình

Một số trẻ dễ bị nghiện các thiết bị điện tử vì được tiếp xúc ngay từ bé. Trẻ có thể dành thời gian cả ngày để nhìn vào màn hình thay vì nói chuyện, vui đùa với bạn bè và người thân. Điều này có thể là nguyên nhân tạo nên tính cách ù lỳ, ít nói của trẻ. Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ ra ngoài vận động, gần gũi với thiên nhiên và ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình. Sự tương tác của bé và các thành viên khác khiến trẻ linh động và mau biết nói hơn.