Duyên Dáng Việt Nam

Triển lãm tranh khoả thân "Cảm hứng bất tận" đang mở cửa tại Hà Nội

LP • 27-09-2019 • Lượt xem: 4362
Triển lãm tranh khoả thân "Cảm hứng bất tận" đang mở cửa tại Hà Nội

Chính thức khai mạc tối 26/9 và kéo dài tới 29/9, triển lãm hội họa điêu khắc mang tên "Cảm hứng bất tận" đặt tại toà nhà Bảo tàng, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ( 42 phố Yếu Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cái nôi của nghệ thuật hội họa với 60 tác phẩm của hơn 30 họa sĩ trên cả nước.  Triển lãm mở cửa tự do cho công chúng và du khách thưởng thức những tác phẩm hội họa vẽ về chủ đề tranh khỏa thân.

Đây cũng là triển lãm hiếm hoi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề này. Lý do là khỏa thân luôn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nghệ thuật nhưng cũng là trung tâm của nhiều cuộc tranh cãi trong lịch sử,. Mặc dù vậy, những tác phẩm mang hình tượng nghệ thuật này ngày nay vẫn được nhiều người đón nhận, được tôn vinh và nở rộ với những thành công ngoài mong đợi.

Bức tượng "Vệ nữ thành Milo", kiệt tác về thân hình phụ nữ do cơ quan Văn hóa Pháp tặng cho cố họa sĩ Trần Văn Cẩn được đặt tại trường Đại học Mỹ Thuật.

Ranh giới giữa nghệ thuật khoả thân và tranh khiêu dâm cũng rất mong manh, các hoạ sĩ phải thật sự đủ nghề, đủ tài và biết hài hoà mới có thể đưa những tác phẩm của mình đi đúng hướng. Trong lịch sử hội họa, năm 1800, họa sĩ Goya người Tây Ban Nha trình làng tác phẩm "Maja khỏa thân" quá đẹp mà gây tốn bao giấy mực ca ngợi.

Tại Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh ở tuổi ngoài tám mươi vẫn say mê vẽ thiếu nữ tắm trăng với nhan đề "trăng tỏ trăng lu", các nghệ nhân xưa cũng lãng mạn thể hiện trên tranh khắc Đông Hồ qua bức "đánh ghen".

Điều đáng chú ý, vẽ khỏa thân nằm trong môn học hình họa bắt buộc tại các trường mỹ thuật, sau ngày Việt Nam giành độc lập, nhiều họa sĩ đã thành danh trong chủ đề này.

Ngay từ thời điểm đất nước khó khăn, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng đã gây chú ý với tác phẩm "Thiếu nữ nằm", một hình ảnh chắt chiu cái đẹp của thời bao cấp khốn khó khi tiết trời vào hè, hình ảnh chiếc quạt nan phe phẩy gắn với cô gái nằm vắt chân chữ ngũ ngõ hầu tự thông gió, mang lại góc nhìn đầy đặn khối hình.

Nguyễn Bích thể hiện tình yêu ở tuổi "xuân thì" khi ông may mắn có mẫu đẹp nên vẽ liên hồi, tuy vẽ mực nho lên giấy báo nhưng ông nâng niu kẹp nó trong hai lớp kính ở cả trước và sau tranh, phòng mối mọt. Linh Chi vốn người nhỏ nhắn tao nhã nhưng kiếm được cô mẫu tròn lẳn căng đầy sức sống. Lê Năng Hiển sẵn nổi tiếng trong tranh "Maja phương Đông", nay vẫn tỏa hương khoe sắc trong "Thiếu nữ và hoa".

Trần Huy Oánh ở đầu năm 1960 đã nổi tiếng trong tác phẩm "Thợ mỏ tắm", trong cái đà ấy, ông cho ra đời nhiều tranh "Họa sĩ và người mẫu". Đầu năm 2019, ông đã có bức tranh được đấu giá đạt gần 400 triệu đồng (tranh cỡ 55 x 80).

Lê Công Thành là nhà điều khắc tài ba chuyên săn thờ phái đẹp ở cả tranh và tượng với cách tạo hình cách điệu mạch lạc, sống động, nhịp sáng tạo đồng điệu với vợ ông, nữ họa sĩ Kim Thái. Lê Trí Dũng không chỉ nổi tiếng vẽ ngựa, ông còn khéo kết hợp giữa người đẹp nóng bỏng với dáng ngựa dũng mãnh. Trần Khánh Chương bay bổng, phóng khoáng trong loạt tranh "Thiếu nữ và hoa", được ông thể hiện nhuần nhị trong chất liệu Tempêra trên lụa.

Vẽ khỏa thân cũng là niềm đam mê của các họa sĩ: Đoàn Hồng, An Chương, Trần Đốc, Lê Ngọc Hân, Phùng Di Thuần, Lê Đức Biết, Ngô Thành Nhân, Đặng Quý Khoa, Lương Xuân Trình, Tô Liên, Trịnh Minh Hướng, Hoàng Nguyên Đoan, Phạm Đức Phong, Lê Đình Quỳ, Cao Trọng Thiềm, Mai San, Trần Tuy....

Với người xem, những hình ảnh khỏa thân có thể làm cho nhiều người cảm thấy bối rối nhưng với các nghệ sĩ, tranh khỏa thân lại luôn là cảm xúc bất tận, là nguồn cảm hứng để họ tôn vinh cái đẹp nhân loại muôn thuở.