VĂN HÓA

Triển lãm 'Tụng ca vô thường' - Sự đồng cảm cá nhân và những tình cảm được gửi gắm

Diễm Chi • 09-08-2023 • Lượt xem: 1627
Triển lãm 'Tụng ca vô thường' - Sự đồng cảm cá nhân và những tình cảm được gửi gắm

Là một họa sĩ người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài đã lâu, trong triển lãm cá nhân "Tụng ca vô thường" lần này, họa sĩ Hoài Phương mang đến cho công chúng hơn 30 tác phẩm với nỗi nhớ nhung quê hương và nhiều thông điệp được gửi gắm.

Xem thêm:

Triển lãm 'Tranh dân gian kính Việt Nam' - Nét đặc trưng trong dòng chảy lịch sử

“Tụng ca vô thường” và những đồng cảm cá nhân

Là một trong những họa sĩ người Việt Nam đang sinh sống tại Bologna, Ý, Hoài Phương là một nghệ sĩ tự học với niềm đam mê mãnh liệt và sự yêu thích nghệ thuật. Dù trong gia đình không có truyền thống theo đuổi nghệ thuật, họa sĩ Hoài Phương luôn bộc lộ tình yêu nghệ thuật bằng cách cầm cọ vẽ mỗi khi có dịp, đó có thể là giờ ra chơi ít ỏi sau những tiết học căng thẳng, cô tận dụng những trang vỡ dư phác họa những nét vẽ, liên tục như vậy cho đến lúc lớn lên.

Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, việc sinh sống tại Bologna giúp họa sĩ Hoài Phương được quan sát, cảm nhận nhịp đập, hơi thở của thiên nhiên, từ đó tạo nguồn cảm hứng dồi dào cho những tác phẩm, đời sống và nội tâm của tác giả.  

Trong triển lãm “Tụng ca vô thường” lần này, họa sĩ Hoài Phương mang đến cho khách thưởng lãm với hơn 30 tác phẩm thuộc dòng tranh thủy mặc. Hơn hết, nữ họa còn đặc biệt lựa chọn minh họa những bài thơ Pháp Hoan với những nỗi đồng cảm cá nhân mình. 

Ở Việt Nam, khi nhắc về dòng tranh thủy mặc, có lẽ phần lớn mọi người đều suy nghĩ đến dòng tranh sơn thủy và dòng tranh tả ý, song vì tự cảm nhận chưa có sự đồng điệu trong tinh thần, Hoài Phương không tự nhận mình là một họa sĩ của dòng tranh thủy mặc. Nếu như nói thủy mặc là một điểm dừng chân thì hội họa là một khu rừng rộng lớn, chính vì vậy dù không hoàn toàn theo đuổi dòng tranh này, họa sĩ Hoài Phương vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, đôi khi cũng cho phép bản thân được thử sức chút ít.

Để có thể gặt hái được nhiều “quả ngọt” như ở tại thời điểm hiện tại, họa sĩ Hoài Phương khởi đầu với những bức tranh cho bộ Haiku, từng bước, từng bước phát triển, vượt qua những khó khăn, trong quá trình đó, cô cũng cho biết bản thân cũng phải tự tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật vẽ của Đông Phương họa và Internet là một công cụ hỗ trợ cho cô trong xuyên suốt quá trình đó. 

Chia sẻ về cuộc hạnh ngộ với thực hành minh họa thơ Haiku của tu sĩ Pháp Hoan, họa sĩ Hoài Phương chia sẻ, ngay khi Ý đóng cửa toàn quốc 3 tháng vì diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, suốt ngày cô chỉ biết đi đi lại lại trong nhà, cập nhật thông tin mỗi ngày có bao nhiêu người nhiễm bệnh, bao nhiêu ca bệnh không qua khỏi,... Ngay khi tưởng chừng bản thân bị nhấn chìm trong bầu không khí lo lắng, sợ hãi, hoang mang, cô tình cờ đọc được những bài Haiku của tu sĩ Pháp Hoan và bén duyên từ đó.

Vì Pháp Hoan là một tu sĩ nên những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cũng toát lên nhưng hơi thở tự nhiên về thiền định, làm nổi bật sự kết nối giữa con người với thế giới tự nhiên xung quanh, những sự thật đang bị che dấu và những bí ẩn về vũ trụ.

Chia sẻ về những bức tranh được trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Hoài Phương cho biết, vì mỗi bức tranh đều được chọn lọc dựa trên sự đồng cảm cá nhân nên cô đều thích. Nếu như “Tám vạn bốn nghìn cây” cho thấy tâm tư của người họa sĩ trước những bước chân chập chững vào nghề, bức “Đại tuyết” dựa trên một công án thì bức bức “Ruộng khô” là nỗi đồng cảm và xót xa của người họa sĩ khi thấy bà con đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình cảnh ngập mặn và hạn hán kéo dài... 

Đối với họa sĩ Hoài Phương, là một người con xa xứ, được đem những tác phẩm của mình về quê hương là một niềm hạnh phúc vô bờ. Bởi lẽ, trong thâm tâm của nữ họa sĩ luôn có một vị trí dành cho Việt Nam, vùng đất sinh thành, nuông dưỡng tình cảm và mỹ cảm phương Đông trong tâm hồn. 

Triển lãm “Tụng ca vô thường” sẽ được diễn ra đến hết ngày 03/09/2023 tại Annam Gallery. (371/4 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM).

Một số tác phẩm tại triển lãm “Tụng ca vô thường”

Dẫu mỗi bức tranh đều có sự đồng cảm cá nhân nhưng có lẽ bức tranh “Bốn núi” là tác phẩm được họa sĩ Hoài Phương yêu thích nhất. Bởi lẽ, bốn núi tượng trưng cho bốn nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử mà mỗi người đều phải đối mặt. Tác phẩm cũng minh họa cho bốn câu thơ “Bốn núi bủa vây/ Sáng nay thức dậy/ Thấy mình là cây” của tu sĩ Pháp Hoan.

Bức “Đại tuyết” minh họa cho các câu thơ “Tuyết đã xuống rồi/ Mau mang tượng Phật/ Chẻ làm củi thôi” của tu sĩ Pháp Hoan được vẽ trên giấy Fabriano Artistico 300gsm và được nhuộm thủ công.

“Miền Kinh Bắc” minh họa cho bài thơ “Tiếng vạc kêu sương/ Đâu rồi con đường/ Đi về Kinh Bắc”.