VĂN HÓA

Triển lãm 'Tranh dân gian kính Việt Nam' - Nét đặc trưng trong dòng chảy lịch sử

Diễm Chi • 23-07-2023 • Lượt xem: 4334
Triển lãm 'Tranh dân gian kính Việt Nam' - Nét đặc trưng trong dòng chảy lịch sử

Là một trong 30 dòng tranh dân gian của Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, triển lãm “Tranh dân gian kính Việt Nam” hiện đang nhận được sự chú ý đông đảo từ phía giới mộ điệu.

Xem thêm:

'Tái ngộ' hơn 100 tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại triển lãm 'Họa duyên tương ngộ'

Khám phá triển lãm “Tranh dân gian kính Việt Nam”

Tranh kính là một trong 30 dòng tranh dân gian của Việt Nam, được tạo nên từ chất liệu tranh kính hoặc kiếng. Các tác phẩm tranh dân gian kính Việt Nam tượng trưng cho các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo của từng vùng miền khác nhau, có lẽ vì vậy mà tranh dân gian kính cũng được phân chia theo các khu vực địa lý như tranh dân gian kính Hà Nội, tranh dân gian kính Huế và tranh dân gian kính Nam Bộ.

Tại vùng đất Nam Bộ, tranh kính cũng được chia thành 3 loại tượng trưng cho 3 dân tộc nơi đây là tranh dân gian kính người Kinh, tranh dân gian kính người Khmer và tranh dân gian kính người Hoa.

Có thể nói, tranh kính dân gian Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, tuy nhiên lại có khá ít nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này, trong dòng chảy lịch sử cũng có nhiều chỗ cần được xác minh và làm rõ. 

Trong lịch sử thế giới, tranh dân gian kính phát triển ngay từ những năm đầu công nguyên. Dù cho thời kỳ nào thì sự tồn tại của tranh dân gian kính luôn gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng của con người và mang nét đặc trưng văn hóa trong từng thời kỳ. Có thể nói tranh dân gian kính Việt Nam chỉ là một con sông nhỏ trong dòng chảy của một đại dương bao la về những tác phẩm tranh kính độc đáo trên thế giới. Dẫu vậy, sự phát triển rực rỡ của tranh dân gian kính Việt Nam ở khắp Bắc, Trung và Nam Bộ luôn là niềm tự hào của người dân.

Đến thăm triển lãm, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng tận mắt hơn 70 bức/bộ tranh kính với các đề tài khác nhau như thờ cúng, trấn trạch và trang trí,... từ 8 nhà sưu tầm được sáng tác từ năm 1940.

Trong các loại tranh thì tranh kính là tranh khó chụp ảnh để ghi lại do tranh được làm từ các chất liệu phản quang lớn, bóng.

Do một vài tác phẩm có kích thước to lớn và được chế tạo từ những chất liệu đặc thù, điều kiện di chuyển bị hạn chế nên triển lãm tranh dân gian kính lần này chỉ quy tụ và trưng bày các tác phẩm tranh kính dân gian Huế và tranh kính dân gian Nam Bộ. 

Để tạo không khí cho du khách có thể thưởng thức triển lãm một cách trọn vẹn, ban tổ chức đã bố trí và mô phỏng hẳn các bàn thờ gia tiên gắn liền với các gia đình Nam Bộ xưa, phía sau treo những bức tranh dân gian kính thờ cửu huyền thất tổ một cách trang nghiêm. Các tác phẩm tại triển lãm cũng được sử dụng kỹ thuật sơn lạnh và vẽ ngược.

Nhà sưu tầm, nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ về mục đích bố trí và mô phỏng các bàn thờ gia tiên là mong muốn cho khách thưởng lãm có thể cảm nhận và phần nào hiểu được những giá trị của tranh dân gian kính.

Để tạo nên một bức tranh dân gian kính cần phải trải qua nhiều công đoạn với sự đầu tư một cách kỳ công, chăm chút và tỉ mỉ. Đầu tiên là tạo mẫu tranh, tạo bản nét trên giấy, có thể nói đây là một trong những công đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng bức tranh có chạm tới cảm xúc của người xem hay không. Công đoạn tiếp theo là đặt kính lên giấy, dùng cọ đồ theo từng nét vẽ và cuối cùng là tô màu. Tuy nhiên, để có một bức tranh dân gian kính thành phẩm thì cần phải đem phơi tranh để các nét vẽ và màu có thời gian định hình.

Hòa mình vào không khí của triển lãm, nhiều bạn trẻ lựa chọn trang phục truyền thống là áo dài để đến thăm quan như một phần muốn tỏ lòng trân quý những giá trị mà tranh dân gian kính mang lại trong sự phát triển văn hóa dân tộc.

Được thực hiện một cách công phu là thế, tuy nhiên, theo nghệ nhân Trần Văn Nhanh, tranh dân gian kính được chế tác thủ công hiện nay rất hiếm, lý do không chỉ nằm hoàn toàn do thị hiếu của khách hàng mà còn do tính chất của tranh dân gian kính vốn không bền, dễ vỡ.

Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm, quyển sách Tranh dân gian kính Việt Nam cũng được ra mắt, có thể nói, thông qua triển lãm và sự kiện ra mắt sách lần này, ban tổ chức cũng mong muốn gửi đến khách thưởng lãm về những giá trị của tranh dân gian kính trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc. 

Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, đại diện ban tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, trao đổi về cuộc triển lãm này, bà chia sẻ, thông qua triển lãm có thể thấy chúng ta vẫn sẽ luôn chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát huy và luôn tự hào về những di sản mà ông cha ta đã để lại. 

Triển lãm “Tranh dân gian kính Việt Nam” sẽ được diễn ra cho đến hết ngày 26/07/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật (97A P. Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). 

Một số bức/bộ tranh kính được trưng bày tại triển lãm

Bức tranh kính “Quan Âm Bồ Tát” được vẽ từ năm 1920. Có thể nói đây là tác phẩm xưa nhất được tìm thấy trong một ngôi miếu trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Các bức tranh mang đặc trưng Nam Bộ được ghép với nhau tạo thành một bức tranh lớn, bên ngoài là hai câu đối. 

Bộ bốn bức tranh với chủ đề Tứ đổ tường (Tài - Phiến - Tửu - Sắc) mang đậm những nét đặc trưng Nam Bộ do nhà sưu tầm Nguyễn Duy mang đến. Bộ bốn bức tranh nói về những thói quen xấu có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường là tan nhà nát cửa: Cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút chích. 

Tranh dân gian kính người Khmer được thực hiện năm 1993. Đặc trưng của tranh này là người nghệ nhân thường phác thảo sẵn trên kính hình ảnh phụ nữ hoặc nam giới mặc trang phục truyền thống nhưng không vẽ mặt, khi có người đặt vẽ chân dung thì họ mới thêm vào.