Duyên Dáng Việt Nam

Trung Quốc không có dữ liệu chứng minh hiệu quả vắc xin với biến thể Delta và cách tỉnh đông dân nhất chặn dịch

Nhân Hoàng • 29-06-2021 • Lượt xem: 400
Trung Quốc không có dữ liệu chứng minh hiệu quả vắc xin với biến thể Delta và cách tỉnh đông dân nhất chặn dịch

Nhiều quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin từ Trung Quốc để tiêm cho người dân chống lại COVID-19, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về việc liệu vắc xin này có cung cấp đủ sự bảo vệ chống lại biến thể Delta (lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ) hay không.

Dưới đây là quan điểm của các chuyên gia y tế Trung Quốc về hiệu quả vắc xin nội địa khi chống lại biến thể Delta đang thống trị toàn cầu và các biện pháp phòng chống COVID-19 mà Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất nước này, thực hiện.

Các vắc xin Trung Quốc có hiệu quả với biến thể Delta?

Trung Quốc không cung cấp kết quả về hiệu quả của vắc xin với biến thể Delta dựa trên dữ liệu quy mô lớn trong các thử nghiệm lâm sàng hoặc sử dụng thực tế, cũng như không đưa ra thông tin chi tiết từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhưng các chuyên gia nước này đang kêu gọi mọi người tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Việc thiếu dữ liệu chi tiết về vắc xin của Trung Quốc chống lại Delta đã làm cản trở bất kỳ đánh giá có ý nghĩa nào từ các chuyên gia nước ngoài.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vắc xin Trung Quốc phần nào có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng và nghiêm trọng do Delta gây ra, Zhong Nanshan, nhà dịch tễ học nổi tiếng và Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Trung Quốc từ 2005 - 2009, nói với các phóng viên.

Điều này dựa trên phân tích các ca nhiễm bệnh ở thành phố Quảng Châu. Zhong Nanshan nói với Reuters rằng kết quả là sơ bộ và cỡ mẫu nhỏ.

Người phát ngôn của Sinovac - Liu Peicheng nói rằng kết quả sơ bộ dựa trên các mẫu máu của những người được tiêm chủng cho thấy tác dụng trung hòa chống lại Delta giảm 3 lần.

Liu Peicheng cho biết một mũi tiêm nhắc lại theo chế độ hai liều có thể nhanh chóng tạo ra phản ứng kháng thể mạnh hơn và bền hơn chống lại Delta. Tuy nhiên, ông không cung cấp dữ liệu chi tiết.

Feng Zijian, cựu Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói với truyền thông nhà nước tuần trước rằng các kháng thể được kích hoạt bởi hai loại vắc xin Trung Quốc kém hiệu quả hơn với Delta so với các biến thể khác.

Feng Zijian không cung cấp thông tin chi tiết, bao gồm tên cả của hai loại vắc xin. Xem chi tiết tại đây.

Các mũi tiêm vẫn có thể bảo vệ con người, vì chưa có trường hợp nào được tiêm vắc xin ở tỉnh Quảng Đông (trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn của Trung Quốc), nơi phát hiện những ca mắc biến thể Delta đầu tiên ở nước này, phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tất cả các trường hợp nặng là của những người chưa được tiêm vắc xin COVID-19.


Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc được nhìn thấy tại nhà hàng Biblioteka kod Milutina ở Kragujevac, Serbia, ngày 4.5

Jin Dong-Yan, nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, cho biết chỉ bình luận của Feng Zijian là không đủ để chứng minh cho tuyên bố rằng vắc xin Trung Quốc có hiệu quả với các trường hợp nghiêm trọng, vì cần thêm dữ liệu.

Indonesia, quốc gia đã báo cáo các ca bệnh hàng ngày kỷ lục do sự gia tăng của biến thể Delta, đã chứng kiến ​​hàng trăm nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm vắc xin Sinovac. Xem chi tiết tại đây. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các nhân viên y tế Indonesia có bị lây nhiễm biến thể Delta hay không.


Vắc xin COVID-19 của Sinovac được nhiều nước sử dụng như Brazil, Indonesia, Campuchia, Philippines nhưng hiệu quả không cao

Hiệu quả của vắc xin Pfizer và AstraZeneca với biến thể Delta

Một nghiên cứu của Public Health England (PHE) vào tháng 5.2021 cho thấy vắc xin Pfizer (Mỹ) – BioNTech (Đức) có hiệu quả 88% với bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai và 93% với biến thể Alpha (lần đầu tiên được xác định ở Anh).

Hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 60% với bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta so với 66% với Alpha, PHE cho biết.

Không có dữ liệu đáng kể nào cho thấy vắc xin COVID-19 tiêm mũi của Johnson & Johnson bảo vệ như thế nào và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ đang cân nhắc nhu cầu tiêm nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Xem chi tiết tại đây.

Trung Quốc làm gì để kiểm soát dịch ở tỉnh đông nhất?

Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, đã trở thành cụm lây nhiễm Delta lớn nhất nước này kể từ khi báo cáo trường hợp nhiễm biến thể này tại địa phương đầu tiên vào tháng 5.

Các ca nhiễm Delta bao gồm 146 trường hợp ở thủ phủ Quảng Châu của Quảng Đông và một số trường hợp từ Thâm Quyến (trung tâm công nghệ Quảng Đông) và thành phố Đông Quan gần đó.

Với 126 triệu dân, Quảng Đông đã nhanh chóng thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Quảng Đông đã sử dụng 39,15 triệu liều vắc xin vào ngày 19.5, nhưng con số đã tăng lên 101,12 triệu hôm 20.6.

Quảng Châu, Thâm Quyến và Đông Quan nhanh chóng phong tỏa các khu vực lân cận, nơi những người bị nhiễm bệnh và những ai tiếp xúc với họ đã đến thăm, tiến hành nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt, theo các quy trình được quan sát trong các đợt bùng phát trước đó.

Các thành phố cũng yêu cầu những người đi ra khỏi tỉnh xuất trình bằng chứng về kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Theo nhà dịch tễ học Zhong Nanshan, nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả như trên, 7,3 triệu người ở thành phố Quảng Châu có thể sẽ nhiễm bệnh trong 20 -30 ngày đầu tiên sau ca mắc biến thể Delta đầu tiên.

Theo 1thegioi.vn