Khám phá

Trung thu ngập ánh trăng vẫn còn trong hồi ức của nhiều người

Cẩm Tú • 18-09-2020 • Lượt xem: 7709
Trung thu ngập ánh trăng vẫn còn trong hồi ức của nhiều người

Bao thế hệ từng đi qua các mùa trung thu tay lấm lem giấy màu xanh, đỏ, từng hì hụi cắt xẻ chiếc vỏ lon cắm nến làm đèn lồng, từng ngồi gọt hồng, bóc bưởi nôn nao chờ đến lúc phá cỗ trông trăng… Bao nhiêu cái đã từng là bấy nhiêu năm tháng. Giờ đây, một Trung thu ngập ánh trăng vẫn còn trong hồi ức của nhiều người.

Chưa đến Trung thu nhưng trên những con đường lớn đã thấy bóng dáng của rất nhiều đèn trang trí. Trên những con phố cổ của Hà Nội hay trong khu chợ của người Hoa Sài Gòn biết cơ man nào là đèn lồng điện sáng lấp lánh, trông thật rộn rã. Giữa quá nhiều thứ lấp lánh, sáng lòa ấy không biết đã bao lâu rồi người ta chẳng còn nhận thấy sự hiện diện của ánh trăng. Trung thu nay khác ngày xưa, trẻ con đi ngắm đèn chứ nào có thấy trăng đâu.

Trung thu khi xưa có ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là dịp hiếm hoi trẻ con được ăn bánh, phá cỗ, được xem múa lân, được hát hò, rước đèn. Bánh Trung thu ngày xưa chỉ có một loại nhân truyền thống nhưng dường như cũng ngon hơn bây giờ. Cái bánh được cắt làm tám phần nhỏ, mỗi đứa chỉ được một miếng xinh xinh, đứa nào nhanh tay còn nhặt được mấy miếng thịt sót lại trong vỏ hộp, tranh nhau rồi cười hả hê.

Ngày ấy, trẻ em được làm nhân vật chính trong mỗi đêm Trung thu, người lớn dường như chỉ đứng nhìn lũ trẻ đến hát hò và đứng đợi chúng rồng rắn đi rước đèn về. Con đường rước đèn có chỗ bằng phẳng, rộng rãi, có chỗ phải đi men theo bờ ruộng, thoai thoải trên triền đê… duy chỉ có một điều tuyệt nhất là ánh trăng dịu dàng âm thầm dõi theo bọn trẻ.

Với những người thế hệ 8x trở về trước, những Việt Kiều xa tổ quốc lâu năm, những đứa trẻ từng lớn lên cách xa phố thị, hẳn sẽ nhớ lắm những lần rước đèn dưới ánh trăng. Nhớ tiếng hạt bưởi nổ lép bép thay pháo, nhớ lũ bạn từng xuýt xoa ngưỡng mộ cô gái nào làm chú chó bưởi tài tình, nhớ buổi chiều ngày rằm tháng tám còn ríu rít theo cha đi vót tre, theo mẹ dán giấy làm đèn ông sao, nhớ dáng ông ngồi lụi cụi cắp cái hộp xà bông, khoét cái lon bia đã hết, cắm một cây nến nhỏ là thành đèn lồng…

Có những nỗi nhớ khiến người ta xuyến xao, náo nức dù đã trưởng thành, dù mái tóc đã điểm sương.

Trung thu năm trước, tại “Nhà của thời thơ ấu” (280/10 Cách mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3) đã tổ chức đêm hội “Chuyện kể ông Trăng - Tấm vé về với tuổi thơ” xúc động. Rất nhiều ký ức đã được gợi lại, xâu chuỗi thành những câu chuyện đẹp về Trung thu bên gia đình, người thân về tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên, điều khó tìm trong cuộc sống sôi động hiện nay. Nhiều bạn trẻ tại TP Hồ Chí Minh đã được tận hưởng một Tết Trung thu xưa đúng nghĩa với các hoạt động thú vị.

Tại đây Th.S Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên bộ môn Văn hóa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, khi mang những câu chuyện về Trung thu đến đây, điều anh mong muốn là giúp các bạn trẻ hiểu đúng, hiểu đủ hơn về nét đẹp văn hóa này của người Việt Nam.

“Bằng những câu chuyện tươi vui, thú vị cùng cách trao đổi nhẹ nhàng, tôi muốn chứng minh cho các bạn trẻ thấy rằng người Việt có bản sắc văn hóa rất rõ, Tết Trung thu là một thí dụ điển hình. Trong sự giao thoa văn hóa chúng ta có những nét rất riêng, không nhầm lẫn vào đâu được. Giới trẻ bây giờ rất thông minh và đam mê khám phá cái mới. Nhưng cái cũ cũng có giá trị và vẫn cần được lưu giữ. Cái cũ cùng cái mới sẽ giúp các bạn hiểu về văn hóa nước nhà rõ hơn, chuẩn hơn và biết đâu là bản sắc để giữ gìn, phát triển”.

Ngày càng có nhiều người trẻ tìm hiểu và hướng về những giá trị truyền thống, có lẽ bởi vậy mà, dù có thiếu đi ánh sáng của trăng thì Trung thu vẫn lưu giữ được cái hồn của văn hóa lâu đời. Trung thu luôn là dịp khiến người lớn nôn nao, trẻ con háo hức.