Duyên Dáng Việt Nam

Trường học trái đất và bài học trầm cảm

Châu Anh • 30-03-2020 • Lượt xem: 707
Trường học trái đất và bài học trầm cảm

Hoàng Nguyễn Phương Uyên - Tác giả của một bài viết chân thực, giàu cảm hứng, bước ra từ cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức đã lay động xúc cảm của nhiều người khi đọc bài viết của cô. là một người trẻ sống theo từng khoảnh khắc trôi qua của đời sống và cảm nhận nó theo một cách riêng. Mời bạn đọc bài viết Trường học trái đất và bài học trầm cảm.

Trường học trái đất và bài học trầm cảm

Thời gian gần gây, cả thế giới xôn xao vì tin tức về 2 ngôi sao Hàn Quốc bị trầm cảm và đã tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa quá ba mươi. Họ là những người nổi tiếng, là hình mẫu trong mắt giới trẻ, họ xinh đẹp, tài năng, giàu có, họ có tất cả mọi thứ mà những người bình thường vẫn luôn khao khát, làm việc ngày đêm để đạt được. So với người khác, họ có tất cả. Nhưng đối với chính mình, họ chẳng có gì cả. Những phục trang, hào nhoáng bên ngoài không giúp họ cảm thấy tốt hơn. Bóng tối đã bao trùm toàn bộ giác quan bên trong họ, để lại sự trống rỗng vô tận. Họ tuyệt vọng trong chính năng lượng của mình. Họ muốn giải thoát, đó là sự thật. Thế nhưng không chỉ có họ, mà hàng triệu con người ngoài kia cũng đang cố gắng đếm từng ngày để sống, để đấu tranh với ước mong chiến thắng bản thân.

Số lượng thống kê cho thấy 7% thanh thiếu niên tự tử ở Việt Nam năm 2014, trong khi con số này chỉ dừng ở mức 5% vào năm 2012. Bên cạnh đó, những người có ý định tự tử hoặc tự tử không thành thì còn nhiều hơn và không thể đếm hết được. “Dũng khí” tự kết thúc cuộc đời mình chưa bao giờ được đẩy cao đến vậy, con người đã và đang không còn trân quý mạng sống của mình nữa.

Vậy liệu rằng có phải chúng ta đang được cảnh báo phải chú ý hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỉ, hay sâu xa là những thông điệp về bài học trong thời đại mới của Đấng sáng tạo.

Theo dõi những tin tức này trên mạng xã hội hàng ngày, tôi nhớ về trải nghiệm của chính bản thân mình hơn một năm rưỡi về trước. Một chút chua xót dành cho những người đã khuất, nhưng phần nào tôi cũng cảm thấy may mắn vì mình đã hoàn toàn lành lặn sau những “trận bão” kéo dài dằng dẳng hơn ba năm. Một khoảng thời gian đủ dài để tôi có thể hiểu được những khó khăn và cảm xúc mà các bạn đã phải trải qua.

Tôi muốn chia sẻ một phần, dù ít nhiều tôi cũng muốn cất lên những tiếng nói không thể phát thành lời của các bạn. Tôi ước nguyện rằng các bạn sẽ đi qua căn bệnh này một cách nhẹ nhàng nhất. Vì hơn ai hết,  tôi biết các bạn là những thiên thần.

 

Chứng bệnh thời đại

Nếu như ông bà cha mẹ ta phải trải qua những khó khăn về vật chất trong thời kì chiến tranh, về cái ăn, cái mặc, thì ngày nay chúng ta đối diện với sự thiếu thốn ở khía cạnh tinh thần. Mỗi thời đại sẽ có một bài học khác nhau, thế hệ trẻ không nên so sánh với thế hệ trước, ngược lại thế hệ trước cũng cần tôn trọng những nỗi đau vô hình này vì những gì không nhìn thấy được bằng mắt không có nghĩa là chúng không tồn tại. Nó có thể không được biểu hiện nhiều ra bên ngoài, nhưng nỗi đau mà nó mang lại không khác gì những căn bệnh vật lí. Mọi người vẫn thường nói với nhau tên gọi khác của trầm cảm là ung thư tinh thần, mà ung thư thì đương nhiên là sẽ rất đau.

Trầm cảm không đến khi mọi chuyện không tốt đẹp, nó vẫn diễn ra kể cả khi chúng ta đã có tất cả mọi thứ. Trầm cảm từ từ len lỏi vào những khe hở cảm xúc, nó luôn túc trực bên cạnh, chờ đến khi ta không để ý mà lao vào bấu víu không buông.

Trầm cảm - hiểu một cách đơn giản nhất chính là những cảm xúc ở “nốt trầm” mà không có dấu hiện lên tông, những cảm xúc với năng lượng thấp hay còn gọi là tiêu cực. Con người bản năng vốn có thói quen phân tích những cảm xúc là tích cực hay tiêu cực mà không biết hành động này vô tình đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây nên trầm cảm. Cảm xúc tích cực thường được diễn tả như vui vẻ, phấn khởi, hân hoan, yêu đời, hạnh phúc… Ngược lại cảm xúc tiêu cực là buồn bã, tức giận, ganh ghét, tội lỗi, xấu hổ,…

Vì sao lại như vậy?

Khi chúng ta định nghĩa điều gì là tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, …chúng ta sẽ có xu hướng kìm nén và che giấu đi những điều mà được gọi là trái với qui chuẩn, đạo đức của xã hội. Chúng ta hàng ngày vẫn luôn đeo những chiếc mặt nạ: mặt nạ với gia đình, mặt nạ với bạn bè, mặt nạ với đồng nghiệp, và cả mặt nạ với bản thân… Có quá nhiều mặt nạ, chúng ta không có cơ hội để sống thật với chính mình và cũng không tự cho phép bản thân có được cơ hội ấy. Chúng ta bận so sánh mình với người khác. Chúng ta kìm nén sự giận dữ, chúng ta chôn vùi những nỗi đau và cách chúng ta thường làm là cố gắng quên đi vì quan niệm thời gian sẽ chữa lành tất cả. Đáng tiếc, thời gian không chữa được điều gì cả, thời gian chỉ làm chúng ta quên đi những sự kiện ấy mà thôi, rồi chỉ cần một tác động nhẹ nhất, tất cả mọi nỗi đau sẽ được đánh thức và bị xới tung lên.

Bên trong mỗi con người chứa một cỗ máy vi tính vô cùng thông minh, nó lưu trữ toàn bộ kí ức bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực, những kí ức ấy sẽ mãi mãi không biến mất trừ khi chúng ta chuyển hóa nó. Ở trạng thái bình thường, chúng được che đậy bằng một tấm màn được gọi là vô thức. Vì vậy, cái gì bị nén quá chặt cũng sẽ có lúc nổ tung, trực trào như dung nham núi lửa.

“Điều tệ nhất khi bị bệnh tâm thần đó là mọi người mong bạn hành xử như một người bình thường”

- Joker -

Vậy nên, lúc này tôi muốn cho các bạn biết một sự thật: Tất cả những cảm xúc đều như nhau và cần được tôn trọng. Cảm xúc không sinh ra để chúng ta giết chết nó, cảm xúc sinh ra là để con người học và thấu hiểu chính bản thân mình, chỉ cần đừng đồng hóa mình với những cảm xúc ấy.

Chúng ta sống trong thời đại mà mọi cảm xúc đang được lên ngôi và khuếch đại lên. Thứ chúng ta vươn đến không chỉ là những sản phẩm vật chất mà hơn cả là niềm hạnh phúc xuất phát từ bên trong mỗi con người. Tiền bạc, quyền lực và danh vọng - những thứ ấy không bền vững, con người đang hướng đến những giá trị tốt đẹp và sâu sắc hơn.

Đừng xem thường tuy nhiên cũng đường Drama hóa trầm cảm

Với tất cả những trải nghiệm mà mình có. Tôi xin được phép gói gọn tất cả những gì mà người trầm cảm cần đơn giản chỉ là: “Một sự nhận biết rằng bản thân mình tốt đẹp và tuyệt vời đến nhường nào”. Sự nhận biết tự nhiên đến từ sâu thẳm trái tim chứ không phải chỉ là lời nói dối nhằm huyễn hoặc chính mình. Bất cứ ai khi sinh ra cũng là một cá thể trong sáng, xinh đẹp và đáng tự hào, chúng ta đã dần đánh mất nó qua quá trình trưởng thành. Việc bạn cần làm bây giờ là tìm lại những phẩm chất tinh khiết ấy.

Mọi lời khuyên và biện pháp hữu hình sẽ hoàn toàn vô tác dụng nếu bên trong bản thân họ không có sự nhận biết đó, thậm chí đến cả thuốc cũng chỉ có tác dụng nhất thời. Ai mà chẳng biết thay đổi thói quen tốt và tự đưa bản thân mình vào kỉ luật sẽ giúp tình trạng chúng ta sẽ thay đổi ít nhiều. Nhưng mấy ai hiểu, người trầm cảm là những người cạn kiệt năng lượng, họ không đủ sức để làm những việc ấy, đối với họ ngay đến cả việc thở còn trở nên khó khăn kia mà. Họ cũng luôn mong rằng nếu bản thân có thể làm được những việc đó thì đã phần nào bớt đi cảm giác vô dụng, xấu hổ rồi.

Tuy nhiên càng không phải vì vậy mà chúng ta phó mặc cho những mặc cảm đó và đổ lỗi cho số phận. Trầm cảm không phải là một chứng bệnh nan y, nó có thể chữa được. Chúng ta có quyền, có đủ khả năng và có đủ sức mạnh để tự kiến tạo nên tương lai của chính mình. Hãy nhớ rằng bạn luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn. Ngưng xem mình là nạn nhân và đổ lỗi cho những người xung quanh, cả thế giới không có nghĩa vụ phải lắng nghe nỗi đau của bạn. Tôi biết bạn có thể đứng dậy, tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Chúng ta có quyền chọn và không chọn bất cứ điều gì mà chúng ta muốn. Chúng ta hoàn toàn có quyền được hạnh phúc.

Chúng ta có ý chí tự do, chúng ta chính là nhà Đồng sáng tạo nên cuộc sống của mình.

Tôi đã làm cách nào

Đầu tiên, tôi không dùng thuốc trầm cảm khi bản thân có bệnh. Có rất nhiều lí do để tôi quyết đinh như vậy. Nhưng đa số là vì thuốc trầm cảm có rất nhiều tác dụng phụ, tôi không muốn để hết bệnh này lại sinh ra thêm bệnh khác.

Thứ hai, hãy tháo chiếc mặt nạ của bạn ra, hãy chấp nhận rằng mình có bệnh. Nếu bạn không biết và không chấp nhận mình có điểm yếu, vậy thì làm sao bạn có thể sửa đổi. Chấp nhận chính là bước đầu của việc chữa lành. Vì vậy, khi đã chắc chắn về những triệu chứng, hãy chấp nhận nó. Hãy tự cho mình một chút rủi ro để được thay đổi. Chấp nhận không có nghĩa là đầu hàng, chấp nhận là để khắc phục.

Thứ ba, hãy đặt câu hỏi, hãy mong muốn được giúp. Câu trả lời sẽ chẳng bao giờ xuất hiện nếu không có câu hỏi nào được đặt ra. Hỏi bất cứ điều gì mà bạn thắc mắc: về căn bệnh, về cuộc sống, về bản thân, về hạnh phúc,.. với bất cứ ai mà bạn muốn, ngay cả với chính mình. Dần dà, bạn sẽ có khả năng đặt câu hỏi đúng. Bạn sẽ thấy tự đặt câu hỏi và nhân được câu trả lời cho bản thân là một điều vô cùng hiệu quả. Lúc đó cũng là lúc bạn biết kết nối với bản thân và tự đứng trên đôi chân của mình trước mọi giông bão.

Với những người muốn tự tử, tôi biết không phải các bạn không muốn sống, các bạn muốn chết vì bạn các bạn thật sự muốn sống. Các bạn muốn sống cuộc đời của mình một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất, chỉ là các bạn nghĩ mình không có sự lựa chọn. Vậy nên hãy để những ước nguyện đó được nghe thấy, bạn không một mình, dù chẳng có ai ngoài kia thì bạn vẫn có chính bạn, vẫn có cả vũ trụ mênh mông luôn sẵn sàng dang rộng đôi tay hỗ trợ bạn.

Cuối cùng, nếu có thể hãy thử luyện tập thiền định. Thiền là một bộ môn chẳng còn xa lạ gì với mọi người và những tác dụng của nó đem lại quả thực nhiều không đếm xuể. Nếu bạn thực sự muốn được giúp, lời thỉnh cầu của bạn sẽ được đáp trả. Tôi cũng vậy và món quà tôi nhận được chính là thiền. Thiền đã giúp tôi vượt qua khỏi trầm cảm hoàn toàn.

Trầm cảm là trạng thái mất năng lượng trầm trọng, năng lượng này không giống với năng lượng từ thức ăn hay nước uống, nó là năng lượng vũ trụ mà bạn nhận được khi ngủ. Có nhiều người trầm cảm bị mất ngủ hoặc có ngủ bao nhiêu cũng không đủ là vì vậy. Thiền định lúc này sẽ giúp bạn nạp năng lượng và lấy lại sự cân bằng. Thiền cũng là phương pháp hiếm hoi giúp bạn kết nối được với bên trong mình một cách tận cùng và sâu sắc nhất.

Ban đầu, sẽ rất khó để bạn có thể ngồi xuống và thiền. Nhưng chỉ cần một ít mỗi ngày thôi, năm phút cũng được, khi đã quen, tăng dần ở những ngày sau và cứ như thế, mỗi ngày cố thêm một ít. Chỉ vài ba tuần là bạn đã có thể thấy sự khác biệt. Có rất nhiều lớp thiền hiện nay và hầu hết đều được dạy miễn phí, hãy tìm kiếm trên Facebook hoặc Google về những lớp thiền ở nơi bạn sống. Có quá nhiều những trải nghiệm và lợi lạc thiền đã đem lại mà tôi không thể kể hết được ở đây. Mỗi người có một câu chuyện và trải nghiệm khác nhau, không một ai giống ai cả, nên hãy tự thử nó và cho mình cơ hội thực hành liên tục, bạn sẽ hái quả ngọt ngay thôi.

Trường học trái đất

Thiền cũng đã dạy cho tôi Trái Đất thật chất chỉ là một ngôi trường, chúng ta là những linh hồn đến đây để học tập, nâng cao phẩm hạnh của mình.

Bệnh trầm cảm thật chất chỉ là một bài học nặng đô về sự yêu thương bản thân. Bạn được đẩy đến giới hạn phải biết yêu thương bản thân để yêu thương được người khác. Thứ bạn làm đầu tiên trong đời này không phải là yêu thương, báo hiếu cho cha mẹ mà là bạn phải có tình - yêu - với - bản - thân - mình trước rồi sau đó bạn mới có sức mà yêu thương người khác. Vì vậy những lời chỉ trích đối với những người trầm cảm là không yêu thương ba mẹ, không có hiếu với ba mẹ là không đúng. Chúng ta phải biết yêu thương mình trước để có năng lực yêu thương người khác. Vì cuối cùng, người đồng hành với bạn sẽ chỉ là chính bạn mà thôi.

Đừng nghĩ rằng tôi điên khi tôi đang khuyên bạn rằng, những cảm xúc, căn bệnh mà bạn đang trải qua chính là một sự may mắn mà bạn được ban tặng để có thể học hỏi nhanh hơn người khác. Câu nói “No pain no gain” quả thực không sai, càng đau nhiều bạn sẽ học càng nhiều, sau mỗi cơn đau bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn đúng không.

Thiền cũng dạy cho tôi rằng nếu thật sự có lỡ tự tử thì cũng không sao cả, bạn sẽ được “giáo dục đặc biệt” và học lại ở kiếp sống khác, bạn sẽ tiếp tục luân hồi cho đến khi học được bài học của mình thì thôi, sẽ không có bất cứ sự trừng phạt nào cho bạn.

Và thiền còn dạy cho tôi, chết không phải là hết, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sự sống của mình, vẫn phải tiếp tục học được bài học của mình cho đến khi tốt nghiệp.

Tôi ở đây không phải để nói những triết lí giáo điều. Tôi đang nói về những trải nghiệm cá nhân của chính mình. Khi đã vượt qua tất cả, tôi bây giờ đã tìm về được sức mạnh vô hạn của mình, tôi biết yêu thương bản thân, biết chăm sóc bản thân, biết bản thân đang làm gì và muốn gì. Hơn hết tôi biết lan tỏa, chia sẻ tình yêu thương này với mọi người xung quanh tôi. Cuối cùng, tôi đã có thể nếm được mùi vị của hạnh phúc tràn đầy.