Duyên Dáng Việt Nam

Tủ quần áo tối giản và làm sao để yêu hơn những bộ đồ bạn có?

Quyên Hà • 12-10-2020 • Lượt xem: 5941
Tủ quần áo tối giản và làm sao để yêu hơn những bộ đồ bạn có?

Tối giản đã xuất hiện dưới dạng một hình thức nghệ thuật từ năm 1960 và từ đó đã trở thành một lối sống. Bạn có thể ứng dụng tối giản vào bất kỳ phương diện cuộc sống nào, nhưng gây dựng và gắn bó với một tủ đồ tối giản có lẽ là cách bắt đầu đơn giản nhất.

Sở hữu nhiều áo quần hơn thường đồng nghĩa với việc chúng ta yêu thích từng chiếc trong số chúng ít hơn. Lúc nào chúng ta cũng có một tủ đồ ngập tràn quần áo, nhưng lại luôn không tìm thấy gì để mặc.

Những người theo chủ nghĩa tối giản theo đuổi lý tưởng rằng bằng việc sở hữu ít đồ vật hơn, chúng ta đang giải phóng thời gian, năng lượng và tài chính, để tận hưởng cuộc sống một cách tốt nhất.

Như Marie Kondo từng nói, chúng ta chỉ nên mặc những món đồ “ánh lên niềm vui thích”.

Khi chúng ta càng chú tâm đến việc giữ gìn tủ quần áo, chúng ta càng được tự do khỏi việc luôn phải lấp đầy sự trống trải buồn chán bằng liệu pháp mua sắm.

Những lợi ích của tủ đồ tối giản

Chủ nghĩa tối giản khuyến khích chúng ta đầu tư vào những gì chúng ta thực sự yêu thích, thay vì liên tục sưu tập mọi thứ chúng ta bắt gặp. Khi bạn có ít sự lựa chọn hơn, bạn sẽ thấy bản thân trong trạng thái tích cực. Và tất cả chúng ta đều biết rõ cảm giác khi mặc lên mình một bộ đồ cho dịp đặc biệt. Hãy tưởng tượng bạn có thể cảm thấy điều đó hàng ngày.

Việc vứt bỏ bớt quần áo nghe có vẻ như một nhiệm vụ quá khó khăn với tất cả chúng ta. Nhưng say đây là lý do tại sao bạn sẽ cảm thấy việc đó là xứng đáng:

  • Tủ đồ gọn gàng hơn: bạn sẽ không còn phải đào bới trong núi quần áo mà bạn không bao giờ muốn mặc tới nữa.
  • Gia tăng sự tự tin: khi bạn chắc rằng tất cả quần áo của mình là những cái đẹp nhất, bạn sẽ cảm thấy tuyệt hơn dù có mặc thứ gì lên.
  • Có nhiều thời gian và tiền bạc dư thừa hơn: một khi cảm thấy hài lòng với tủ quần áo của mình, bạn sẽ mua sắm ít hơn, vì vậy bạn sẽ có nhiều thời gian và cả tiền bạc hơn để làm những điều quan trọng khác trong cuộc sống.
  • Tác động tích cực tới môi trường: có 13 triệu tấn vải bị thải ra môi trường mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ. Phần lớn số này có thể được cắt giảm bằng cách đầu tư vào những món đồ mặc được lâu dài hơn, thay vì thời trang nhanh.

Nhưng tựu chung lại, bỏ bớt số lượng quần áo sẽ cho bạn nhiều hơn một tủ đồ gọn gàng. Nó sẽ cho bạn thời gian và sự tự tin để theo đuổi những điều thực sự có ý nghĩa.

Tủ quần áo tối giản hay Tủ quần áo Con nhộng?

Tủ quần áo Con nhộng (Capsule Wardrobe) có thể coi là một phần của tủ quần áo tối giản.

Để có thể tạo nên một tủ quần áo con nhộng, bạn cần giới hạn số quần áo mà bạn mua vào mỗi mùa, và không mua thêm bất cứ thứ gì. Những tủ quần áo tối giản nhất thường có ít hơn 10 món đồ, bao gồm cả tất và giày. Nhưng những tủ con nhộng thông thường có khoảng 30 món hoặc ít hơn.

Xây dựng một tủ quần áo con nhộng đòi hỏi một kế hoạch cực chi tiết và quyết tâm cao. Nhưng thực sự có bao nhiêu người trong chúng ta có thể trải qua cả một mùa thời trang mà không mua sắm món nào mới?

Tủ quần áo tối giản thì khác, nó linh động hơn. Sẽ không có một con số cố định nào cả. Một tủ đồ tối giản có thể có 20 món hoặc 200 món. Vấn đề chính là bạn phải thường xuyên muốn mặc tất cả số đó, và tất cả đều đem đến cho bạn niềm vui.

Làm cách nào để xây dựng một tủ đồ tối giản?

Để xây dựng tủ quần áo mới, bạn sẽ phải chọn lọc lại tủ quần áo sẵn có của mình. Phần khó khăn nhất có lẽ là lựa chọn thứ gì để giữ lại. Sau đây sẽ là hướng dẫn từng bước của quy trình.

Bước 1: Xem xét những nhu cầu hàng ngày

Bản chất của tối giản chủ yếu là khả năng tự chủ, vì nó là một lối sống thực hành.

Để xây dựng một tủ quần áo bền vững, chúng ta cần đặt ra câu hỏi mình là ai, mình đang làm gì và mục tiêu của chúng ta là gì. Những câu trả lời sẽ giúp ta xác định những gì mình thực sự cần.

Hãy nghĩ về nơi bạn sống và việc bạn làm. Sống ở nơi khí hậu nóng nghĩa là bạn sẽ không cần quá nhiều khăn quàng cổ và găng tay. Còn nếu nơi ở của bạn có mùa đông, một vài món đồ len là cần thiết.

Một lưu ý quan trọng khác là hãy thực tế khi xem xét lối sống của bạn.

Nếu không phải là một người ưa tiệc tùng, đơn giản là hãy bỏ bớt đi giày gót nhọn và nơ áo sơ mi mà bạn chắc sẽ chẳng bao giờ dùng đến.

Ít khi đi tập gym? Hãy thanh lý bớt giày thể thao hoặc cho bạn bè họ hàng, những người cần chúng hơn.

Cũng lưu ý rằng một vài thứ trong số này có thể vẫn mang đến cho bạn niềm vui. Nhưng chỉ đơn giản là bạn không có cơ hội mặc chúng thường xuyên. Không sao cả, nếu bạn vẫn thấy có một số dịp trong tương lai gần mà bạn có thể cần đến, hãy giữ chúng.

Miễn là bạn cảm thấy yêu thích quần áo của mình hơn, nghĩa là bạn đang làm đúng.

Bước 2. Lựa chọn phong cách của bạn

Sau khi đã lựa chọn những món đồ cơ bản, giờ là lúc nghĩ về những món đồ yêu thích, cũng như những món bạn dành phần lớn ngân sách để mua. Nhiều khả năng là bạn đã có sẵn phong cách cá nhân, chỉ là có thể bạn chưa biết đó thôi.

Trong các món đồ của mình, bạn có xu hướng nghiêng về hai màu trắng đen không? Họa tiết hay đồ trơn? Loại vải bạn hay chọn là gì?

Có món đồ nào bạn cảm thấy đặc biệt tự tin khi mặc không? Ví dụ, đồ tập gym hay vest và cà vạt?

Những món đồ này sẽ là kim chỉ nam cho tủ quần áo của bạn.

Bước 3: Nghĩ về việc giặt là

Chỉ vì món đồ nào đó hợp với phong cách của bạn, không có nghĩa là nó sẽ hợp với lối sống của bạn. Nếu bạn không có thời gian hay ngân sách cho dịch vụ giặt sấy khô, đừng mua những bộ vest đắt tiền. Cũng như vậy, đừng mua đồ vải sequin nếu bạn không có ý định giặt tay.

Hãy nhớ rằng, ý nghĩa bao trùm của tối giản là khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn, vui vẻ hơn. Hãy tìm những món đồ hợp với cả thẩm mỹ và lối sống của bạn.

Bước 4: Chọn bảng màu

Các món đồ trong cùng một bảng màu sẽ gia tăng khả năng kết hợp lại với nhau của chúng. Điều này có nghĩa là phần lớn quần áo của bạn sẽ hợp với nhau và bạn sẽ tiết kiệm được cả thời gian kết hợp chúng với nhau.

Chọn một tông màu đồng nghĩa với việc chọn một phong cách. Có thể những màu chói cho bạn nhiều tự tin hơn hay mặc toàn cây đen khiến bạn cảm thấy nhìn dáng mình đẹp hơn?

Hãy chọn những gì khiến bạn cảm thấy là chính mình và gắn bó với nó.

Bước 5: Những cách sáng tạo để bỏ bớt quần áo

Quy tắc đầu tiên: nếu nó quá rộng, quá chật hay gợi nhớ người yêu cũ, đơn giản là bỏ nó đi. Một khi đã xác định được phong cách cá nhân và bảng màu, bạn cũng sẽ muốn bỏ đi những món đồ không tương thích.

Đừng chỉ đơn giản là vứt chúng vào sọt rác, hãy tham khảo những lựa chọn thay thế sau:

  • Quyên góp: tới những hội nhóm chuyên quyên góp đồ cũ trên facebook hay các quỹ từ thiện.
  • Thanh lý: có rất nhiều tiệm đồ cũ chuyên trao đổi – mua bán các món đồ hiệu và thời trang thiết kế. Có cả những tiệm cho bạn ký gửi đồ, nếu có người mua, bạn sẽ thu lại một khoản tiền bán được. Hay đơn giản là trao đổi với người khác trên các hội nhóm thanh lý.
  • Tổ chức các bữa tiệc trao đổi quần áo: nếu là một người giao thiệp rộng và có một danh sách những người bạn thuộc hội tín đồ thời trang, sao không thử tổ chức một bữa tiệc. Tất cả cùng thu gom các món đồ không mặc nữa tới đó và biết đâu cũ người mới ta, bạn lại tìm được những món mình cần thì sao?
  • Tái sử dụng: để tái sử dụng đồ bạn sẽ cần vài kỹ năng thủ công, và có rất nhiều video cũng như blog hướng dẫn trên mạng về cách tạo cho món đồ một cuộc sống mới, một ứng dụng mới. Như là, biến áo phông cũ thành túi xách, váy và thậm chí giầy nữa. Thử biến món gì bạn không thích nữa thành một món đồ sáng tạo độc đáo của riêng mình nào.

Quyết định mua mới

Một khi đã thanh lọc lại tủ quần áo, giờ bạn đã xác định được bạn còn thiếu món gì. Khi mua đồ mới, hãy hỏi bản thân mình:

  • Nó có vừa không? Chỉ mua những món vừa vặn với bạn của bây giờ, đừng mua những món sau này sẽ vừa hoặc sẽ vừa khi bạn giảm cân/tăng cân.
  • Nó có tương thích không? Bạn có sẵn món đồ nào ở nhà để kết hợp với nó không?
  • Mình sẽ mặc nó chứ? Nếu bạn không nghĩ ra được dịp nào trong tương lai gần để mặc nó, đừng mua!
  • Mình có thứ gì tương tự chưa? Nếu món đồ này có thể thỏa mãn mục đích tương tự như món bạn đã có, nghĩa là bạn không cần nó.
  • Bạn sẽ mặc nó lâu dài chứ? Mua những món đồ theo xu hướng không phải là không nên, nhưng hãy xem xét khả năng mặc nó khi xu hướng qua đi.
  • Nó có ánh lên niềm vui thích? Đúng hơn là: nó sẽ mang lại niềm vui lâu dài chứ? Khi mang nó về nhà và không cảm thấy niềm vui khi mặc tại cửa hàng? Hãy trả lại.

Xác định phong cách và bảng màu sẽ là công đoạn tốn thời gian nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn, hãy cho mình thời gian 1 ngày rồi xem xét lại. Bạn có thể sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để xem xét quyết định mua sắm của mình, nhưng chắc chắn việc này sẽ cứu bạn khỏi rắc rối của việc phải vứt nó đi sau này.

Mong rằng những gợi ý trên đây đã giúp bạn có những kiến thức cơ bản để xây dựng tủ đồ tối giản của riêng mình, và hạnh phúc với nó.