Duyên Dáng Việt Nam

Tự Trào

Thoại Vy • 23-04-2018 • Lượt xem: 1908
Tự Trào

Trào phúng được xem như sức mạnh tinh thần đặc biệt ở người Việt giúp chúng ta trở nên lạc quan hơn trước thời cuộc. Sau đây là những tâm tình của thành viên Thoại Vy về chất “Tự Trào” thú vị của người Việt.

Giống như người Gabrovo, xem trào phúng là sức mạnh tinh thần, phần lớn người Việt cũng đầy khí chất tự trào. Dù đôi khi là cái lạc quan cười ra nước mắt. Đàn ông Việt lại càng thích vui vẻ, dù đôi lúc nụ cười có hơi nhang nhác người đàn ông có bộ mặt cười – một nhân vật trong tác phẩm “Thằng cười” trứ danh của V. Hugo.


Ảnh minh họa

Trong kiếp nhân sinh bạc bẽo thì tinh thần biết vui cười gần như là ưu điểm lớn. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, nên có nhếch cười nhăn nhó, cũng phải cố. Nếu không đạt đến cảnh giới vui vẻ “tự nhiên như nhiên” thì phải học vui cười. Có dạo, người ta đua nhau ghi danh vào các câu lạc bộ dưỡng sinh … cười. Hay đã lấm quá nhiều những thăng trầm bụi bặm mà người ta chỉ thấy rưng rưng muốn khóc “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung” ??. Có vô số lý do để ứa lệ. Nhỏ nhặt thì bị quay quắt phụ bạc, túi rỗng bụng đói, thất cơ lỡ vận …

Hay nói như Nam Cao là nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách “… hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ con” (Đời thừa). To tát hơn thì hàng ngày phải đối mặt với bao thứ nguy cơ, những điều bất an đến từ khách quan lẫn chủ quan, từ thiên nhiên đến con người …; rồi thì đổ tại sinh bất phùng thời kiểu “Chí nhớn chưa về bàn tay không …” (Thâm Tâm).

Dẫu sao, đám đông sắp hoặc đang bước sang cái dốc bên kia cuộc đời, sau những cố gắng phi thường : thực hành kéo dãn cơ mặt, đã có thể gượng cười. Từ cười gượng, cười nhăn nhó … cho đến nụ cười vô tư, hồn nhiên như “lão ngoan đồng” Chu (Châu) Bá Thông còn là một hành trình dài nỗ lực. Hóa ra, tươi cười cũng là một thứ công phu phải khổ luyện. Ai không tin, cứ thử đi gặp mấy bản sao của lão trẻ con họ Chu ấy xem ! Rằng có phải nhờ “Cửu âm chân kinh” hay do thường xuyên luyện võ cười ?. Vì phải vất vả lưu giữ nụ cười khi mưu sinh, bon chen hoạn lộ hay đã thành thói quen xun xoe tươi cười những khi gặp sếp ?\

Nói cho cùng, những người đàn ông có bộ mặt cười do bẩm sinh (như “thằng cười” trong tác phẩm của đại văn hào Pháp) hoặc do công phu rèn luyện đều gặp khó khăn trong một số trường hợp: vào đám hiếu cũng cười hớn hở (vì trót mang từ đám hỉ, đám mừng thọ … ở nhà thủ trưởng sang mà chưa kịp chỉnh hình). Thiệt thòi hơn nữa là khi tán tỉnh quý cô, quý bà …, lúc cần mang vẻ mặt thâm trầm sâu sắc đau khổ thì họ lại khoác vẻ mặt hềnh hệch của Đông Phương Bất Bại hoặc tếu táo kiểu cây hài Hoài Linh, Xuân Bắc … nên thảm bại là thường. Nếu nụ cười không cao cường, xuất hiện đúng lúc như thằng Xuân Tóc Đỏ, thì cứ vu vơ cười ngạo giang hồ như cao thủ Lệnh Hồ thiếu hiệp cho xong. Bởi đàn ông có chất tự trào thường là người lương thiện, tử tế nhưng đôi khi nhỡ ham vui, thích lấy lòng đối tác … sẽ hình thành thói quen thiếu ngay ngắn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ (*) ai oán, não nùng.

Ừ thì, nếu được vô ưu hồn hậu cười như trẻ nhỏ, sao lại không phát huy !?. Cớ gì phải xót xa đùa như cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu “Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Chú thích: (*) là tên một điệu nhạc được cử hành trong đám tang.