Duyên Dáng Việt Nam

Tương lai có thuộc về châu Á?

Lan Phương • 15-06-2020 • Lượt xem: 1236
Tương lai có thuộc về châu Á?

Chuẩn bị cho ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, NXB Trẻ trân trong giới thiếu đến bạn đọc, nhất là những bạn đọc làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, sinh viên học các ngành báo chí – truyền thông tựa sách: Tương lai thuộc về châu Á: Thương mại, xung đột, và văn hóa trong thế kỷ 21 - một công trình nghiên cứu đa lĩnh vực về châu Á của Parag Khanna. Đồng thời, tái bản quyển sách: Hơn cả tin tức - Mitchell Stephens với những quan điểm chưa bao giờ cũ về nghề làm báo.

Tương lai thuộc về châu Á: Thương mại, xung đột, và văn hóa trong thế kỷ 21 

“Khi con cháu chúng ta muốn hiểu làm thế nào mà châu Á vào đầu thế kỷ 21 lại chiếm lĩnh - hay nói đúng hơn là tái chiếm lĩnh - trung tâm văn hóa và kinh tế của hành tinh, chúng sẽ đọc tác phẩm vĩ đại này của Parag Khanna” - theo Paul Salopek, thành viên National Geographic. Quyển sách là quá trình tập hợp, nghiên cứu cặn kẽ cùng những trải nghiệm thực tế của tác giả về lịch sử, kinh tế, chính trị và văn hóa thế giới, đặc biệt là châu Á, để đưa ra nhận định: tương lai thuộc về châu Á.

Phần đầu của quyển sách, tác giả khái quát ngắn gọn về lịch sử - địa lý của khu vực này qua từng thời kỳ cùng những bài học cho châu Âu và thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế - chính trị, quyển sách đưa ra những phân tích về ảnh hưởng của châu Á trong và ngoài khu vực, về “con đường tơ lụa mới” và những mối quan hệ hợp tác giữa các nước châu Á và thế giới. Những phân tích trên nhằm lý giải và bổ sung cho việc châu Á là khu vực có sức sống mạnh mẽ, đang khiến cho nền kinh tế thế giới ngày càng tập trung vào mình và có thể tạo ra sự thay đổi trong sức mạnh toàn cầu.

Nhắc đến châu Á là nhắc đến một vùng đất đa văn hóa, đặc biệt là khi sự toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Nghệ thuật dân tộc, làn sóng Hallyu, sự phát triển của điện ảnh châu Á và nhiều hơn nữa chính là những nỗ lực xây dựng thương hiệu châu Á được tác giả liệt kê và phân tích ở phần sau của quyển sách. Với nhiều bảng biểu chi tiết và sinh động, tác phẩm mang đến cho người đọc một góc nhìn mới về sự phát triển và những dự đoán về tương lai của thế giới.

Về tác giả: Tiến sĩ Parag Khanna là đối tác quản lý của FutureMap, một công ty tư vấn chiến lược và hoạch định theo kịch bản. Ông là một thành viên của Viện Brookings, New America và Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, và là cố vấn cho Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ và Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan. Parag Khanna có bằng tiến sĩ của trường Kinh tế London và bằng cử nhân và thạc sĩ của Trường Dịch vụ Đối ngoại thuộc đại học Georgetown. Ông từng được vinh danh Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí 

Quyển sách Hơn cả tin tức của nhà báo Mitchell Stephens đề xuất một tiêu chuẩn mới cho ngành báo chí hiện nay. Đó là “báo chí trí tuệ” (wisdom journalism). Một hỗn hợp của các hình thức đưa tin - độc quyền, táo bạo, điều tra - với việc nắm bắt sự kiện đương thời một cách am hiểu, thông minh, sâu sắc, có tính diễn giải, thậm chí phải có chủ kiến kiên định.

Cuốn sách là một nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài internet. Hơn cả tin tức xuất sắc trong việc quay lại quá khứ để tìm ra những mô hình cho tương lai của báo chí. Nó giúp độc giả thấu hiểu hiệu quả về nghề báo trong những ví dụ từ các bài báo và blog thế kỷ 21, đồng thời trong những hiểu biết chọn lọc về nghề báo thế kỷ 20 và các tác phẩm viết lách của Benjamin Franklin thế kỷ 18.

Hơn cả tin tức nói cho chúng ta biết báo chí phải thay đổi như thế nào để phục vụ công chúng tốt hơn, khi mà thời đại báo chí làm ăn phát đạt nhờ bán tin tức mới nhất hoặc bán chỗ quảng cáo đã chấm dứt.

Về tác giả: Mitchell Stephens là giáo sư lâu năm về báo chí tại Viện Arthur L.Carter của Đại học New York. Ông đã làm ba nhiệm kỳ ở vị trí chủ nhiệm Khoa Báo chí tại đây. Năm 2006, giáo sư Stephens giành được tài trợ từ Carnegie-Knight Initiative về Tương lai của giáo dục báo chí (Future of Journalism Education) để nghiên cứu những mô hình mới về giáo dục nghề làm báo.